Feng Jing là nhà văn Trung Quốc, người thành lập "Đường đến ngày mai", podcast về lối sống bền vững. Đây là chia sẻ của cô trên Sixth Tone.
Hai năm trước, sự xuất hiện của Covid-19 ở Vũ Hán đã khiến cuộc sống ở Trung Quốc đảo lộn. Các chợ bán đồ tươi sống, cửa hàng đóng cửa, dịch vụ giao đồ ăn phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu người dân, đồ trên các ứng dụng bán thực phẩm thiết yếu luôn cháy hàng.
Lần đầu tiên tôi cảm thấy việc kiếm đủ thức ăn để dùng cũng là một vấn đề.
Khi ấy, sống ở Thượng Hải, cách Vũ Hán hàng trăm km, tôi không phải trải qua tình trạng thiếu hụt lương thực tồi tệ trong đợt bùng phát đầu tiên. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ tới lượt thành phố tôi sống chiến đấu với làn sóng dịch lớn nhất (kể từ đầu đại dịch tới nay) hay lịch sử sẽ lặp lại theo cách này.
Nhiều người dân Thượng Hải đang đối mặt tình trạng thiếu hụt thực phẩm do phong tỏa. Ảnh: South China Morning Post. |
Trở lại với nấu nướng
Tò mò cách người dân đối phó với tình trạng này, tôi đã đề nghị thính giả podcast của mình chia sẻ các mẹo kiếm, dự trữ thực phẩm tươi sống cũng như cách ăn uống tốt hơn trong đại dịch và nhận lại một số câu trả lời thú vị.
Một số thanh niên cho biết đang sống nhờ thực phẩm, chủ yếu là thịt, được người thân ở thành phố khác gửi tới. Những người khác thì kể đã học hỏi mẹ cách làm các món trữ được lâu như bắp cải ngâm chua hoặc rau sấy.
Đại dịch Covid-19 đang thay đổi cách thức và những gì chúng ta ăn. Điều này cho thấy rõ nhất trong và sau khi thực hiện phong tỏa, khi thế hệ trẻ - những người phụ thuộc vào việc gọi giao hàng ở Trung Quốc - như tôi phải nấu ăn ở nhà. Tuy nhiên khi đại dịch ngày càng kéo dài, tôi nhận thấy càng có nhiều người thích nấu nướng.
Nhiều bạn trẻ bắt đầu phải nấu ăn tại nhà trở lại do đại dịch. Ảnh: Sixth Tone. |
Nấu ăn rõ ràng đem lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, nó rẻ hơn đáng kể so với việc ăn hàng thường xuyên. Điều này có lợi cho xu hướng tiết kiệm, lo lắng về tài chính của nhiều người trẻ Trung Quốc - có thể thấy được từ sự phổ biến của thực phẩm giá rẻ, sắp hết hạn sử dụng.
Công ty nghiên cứu thị trường iiMedia ước tính ngành thực phẩm sắp hết hạn sử dụng sẽ tăng từ 32 tỷ nhân dân tệ/năm vào năm 2021 lên hơn 40 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025.
Nhiều người trẻ khác coi việc nấu ăn như một cách giảm căng thẳng. Nó cho phép họ thoát khỏi áp lực công việc, những tin tức tiêu cực và làm điều gì đó để bản thân có thể kiểm soát, tìm thấy sự chữa lành về mặt tinh thần.
Đối với một số người, đây thậm chí còn trở thành một hoạt động chung, như là dưới hình thức mua sắm hàng hóa theo nhóm hay bữa ăn mỗi người góp một món đặc trưng của quê hương mình.
Bên cạnh đó, một khi bạn bắt đầu nấu ăn ở nhà, các vấn đề với ngành giao hàng đồ ăn của Trung Quốc càng trở nên rõ ràng. Từ bao bì rẻ tiền, không đảm bảo vệ sinh cho đến sử dụng quá nhiều dầu, muối và các chất phụ gia, chưa kể thải ra nhiều rác nhựa.
Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện ngành công nghiệp giao đồ ăn tạo ra 1,5 triệu tấn rác thải nhựa vào năm 2017, tăng gần gấp 8 lần chỉ trong 2 năm.
Hạn chế rác thải
Tự nấu ăn cũng buộc bạn phải tương tác và suy nghĩ về thức ăn của mình. Từ việc mua nguyên liệu, bảo quản chúng, học các phương pháp nấu khác nhau đến hiểu biết về dinh dưỡng, các đầu bếp tại gia bắt đầu nhìn nhận thực phẩm theo những cách đa dạng và phong phú hơn.
Trong trường hợp của tôi, là ủ phân. Khi Thượng Hải triển khai một hệ thống phân loại rác mới nghiêm ngặt vào năm 2019, xử lý rác ướt trở thành công việc mệt mỏi. Sau khi tìm hiểu về cách ủ phân tại nhà, tôi quyết định thử. Rồi khi thành công, thật phí khi không sử dụng nó, thế là tôi thử sức với một trào lưu khác là trồng cây trên ban công.
Tôi chưa bao giờ có tài trồng cây song tôi thấy việc này rất thú vị. Tôi cảm giác như mình trở lại là sinh viên, làm thí nghiệm trong phòng. Khi hạt nảy mầm, tôi vui đến mức hét lên.
Các nhà hoạt động về chất thải thực phẩm thường phàn nàn rằng chu trình sản xuất và phân hủy thực phẩm tự nhiên ở thành phố không thành công. Họ không phải là không có lý. Một báo cáo từ Ellen MacArthur Foundation năm 2019 cho thấy chưa đến 2% rác thải hữu cơ ở các thành phố được tái sử dụng, cho dù ở dạng phân bón hay các dạng khác.
Đại dịch khiến nhiều người như Feng Jing trân trọng thực phẩm hơn và nhận ra lượng rác nhựa khổng lồ ngành giao đồ ăn thải ra. Ảnh: New York Times. |
Tệ hơn, 98% chất thải thực phẩm đô thị không được tái chế thường nằm trong các bãi chôn lấp của thành phố, không những không được sử dụng cho mục đích sản xuất mà còn có thể gây hại.
Ví dụ, thực phẩm bị hư hỏng trong các bãi chôn lấp có liên quan đến việc gia tăng phát thải khí metan. Vấn đề này rất nhức nhối ở Trung Quốc, nơi rác thải thực phẩm thường chiếm khoảng một nửa tổng lượng rác thải đô thị.
Bình thường, những vấn đề này rất dễ bị bỏ qua giữa cuộc sống đô thị hiện đại. Có lẽ chỉ những cuộc khủng hoảng như đại dịch hiện nay mới đủ sức làm chúng ta bàng hoàng và nhắc nhở chúng ta rằng sự no đủ của chúng ta có giá trị và khó kiếm như thế nào.
Trước đại dịch, tôi thường mua đồ ăn đem đi một hoặc 2 lần/tuần, gọi giao hàng rất nhiều lần. Nhiều người bạn của tôi cũng vậy. Không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy điều tích cực trong đại dịch, nhưng nó đã khiến tôi nhận ra rằng thực phẩm không chỉ là một loại hàng hóa.
Đó là một món quà từ thiên nhiên, một thứ gì đó gắn kết chúng ta với hành tinh này theo cách vừa rõ ràng vừa huyền ảo. Không sớm thì muộn, chúng ta sẽ phải xây dựng một hệ thống lương thực bền vững hơn, sao không phải ngay lúc này?