Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thượng Hải bị phong tỏa, shipper phải ngủ ngoài đường

Yuan Ning phải ngủ trên bàn gỗ trong nhà hàng bị bỏ trống suốt 2 tuần. Anh và hàng nghìn người bán hàng, shipper khác đã phải sống tạm bợ khi làm việc trong thời gian phong tỏa.

Toàn bộ Thượng Hải (Trung Quốc) bị phong tỏa từ ngày 1/4 khi thành phố đối mặt đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay. Phần lớn cư dân phải ở trong nhà toàn thời gian trừ những lúc xét nghiệm, nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn.

Các chủ cửa hàng và đội ngũ tài xế giao hàng là cứu cánh cho hàng triệu cư dân Thượng Hải đang lâm vào bế tắc. Nhưng để duy trì hoạt động giao đồ ăn, nhiều shipper và nhân viên cửa hàng đã phải rời khỏi nhà của họ tới nơi làm việc hoặc sống tạm trên xe.

Khi số ca nhiễm tăng nhanh, nhiều người phải ngừng việc giao hàng, nhưng họ vẫn còn mắc kẹt bên ngoài những căn nhà đã bị khóa cửa.

phong toa thuong hai anh 1

Geng, nhân viên chuyển phát, ở tạm trong lều cắm trại những ngày phong tỏa.

Shipper ngủ ngoài đường

Khi các khu dân cư bị phong tỏa vào ngày 19/3, Yuan Ning, chủ quầy thịt, quyết định giúp những khách hàng quen của mình lấy ít rau và thịt.

Hai ngày trước khi nhà của mình bị phong tỏa, anh chuyển đến một cửa hàng đồ ăn nhanh đã đóng cửa của người quen. Mỗi ngày, Yuan thức dậy từ 4h sáng, làm việc 12-14 tiếng để chuẩn bị đơn và giao hàng cho một nhóm WeChat hơn 200 người.

Anh ngủ trên chiếc giường được ghép từ hai cái bàn nhỏ và lót một chiếc chăn anh mượn được từ con trai, tắt đèn vào ban đêm để tránh bị chú ý và dùng biệt danh để không bị nhận dạng.

Yuan nói với Sixth Tone rằng cảm thấy có ý nghĩa khi giúp đỡ những hàng xóm của mình, nhưng không có chỗ ở tử tế cũng là vấn đề rất khó khăn. Trước tình trạng phong tỏa kéo dài, ông bố 3 con không biết khi nào mình sẽ được về nhà.

phong toa thuong hai anh 2

Yuan ở một mình trong cửa hàng để cung cấp thực phẩm cho cư dân.

Ba nhân viên bán hàng và shipper giao đồ ăn khác cũng nói với phóng viên rằng đã phải sống trong xe hoặc cửa hàng trong thời gian khu chung cư của họ bị phong tỏa.

Geng, một nhân viên chuyển phát 20 tuổi làm việc ở khu Phố Đông, đã giúp người dân mua hàng tạp hóa ngoài thời gian làm việc. Anh kể với Sixth Tone đã ngủ trên xe cùng hai đồng nghiệp từ hôm 23/3. Họ chỉ có một chiếc chăn mà bạn anh lén thả xuống cho qua cửa sổ căn hộ.

Dù công ty của Geng là một trong những doanh nghiệp chủ chốt giúp đảm bảo việc giao hàng trong bối cảnh đại dịch, và những nhân viên như anh là người làm công việc thiết yếu đúng như quy định, điều đó không thể giúp được gì cho hoàn cảnh sống hiện tại của anh.

"Gần một nửa số phòng ký túc xá của công ty tôi bị phong tỏa. Khu chung cư chúng tôi đang sống không cho phép mọi người ra vào", Geng nói.

Đang là đầu xuân, nhiệt độ bên ngoài trời ở Thượng Hải giảm xuống dưới 10 độ C. Một số đồng nghiệp của anh đã chọn ở yên trong ký túc xá, nhưng Geng không thể làm như vậy vì nó đồng nghĩa với mất thu nhập.

Mong được đoàn tụ gia đình

Trong đợt phong tỏa cứng thành phố Thâm Quyến vào tháng 3, nhiều người dân ở đây kể đã nhìn thấy những tài xế giao hàng phải ngủ trên đường phố. Nhiều người không thể về nhà dù có giấy thông hành đặc biệt khi làm việc trong thời gian phong tỏa.

Ngày 27/3, thành phố Thượng Hải có thông báo "các chuyên gia y tế, nhân viên giao hàng... có giấy phép từ nơi làm việc được đi lại bình thường trong các quận bị phong tỏa".

phong toa thuong hai anh 3

Nhiều shipper như Geng chấp nhận ngủ trên xe để tiếp tục công việc trong thời gian Thượng Hải phong tỏa.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhân viên y tế có thẻ thông hành cũng gặp khó khăn khi rời các khu dân cư, và một khi đã ra ngoài, họ bị cấm trở lại.

Ngày 29/3, Meituan, nền tảng giao đồ ăn lớn nhất ở Trung Quốc, đã cung cấp phòng miễn phí tại 31 khách sạn cho nhân viên giao hàng ở Thượng Hải. Hơn 100 shipper được cho là đã ở trong các khách sạn vào ngày đầu tiên.

Tuy nhiên nhiều người bán hàng và shipper như Yuan hay Geng vẫn đang sống ở những nơi tạm bợ.

Với những người bán hàng như Yuan, người không được xếp vào nhóm nhân viên giao hàng, việc xin giấy phép từ ủy ban khu phố là không thể. Anh cũng không đủ điều kiện nhận trợ cấp cho người làm nhiệm vụ thiết yếu trong đại dịch.

Giống như hầu hết người bán hàng ở chợ, anh ta thuê lại quầy hàng của mình từ một chủ nhà tư nhân, vì vậy cũng không thể nhận khoản trợ cấp như người thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Yuan ngừng việc cung cấp đồ ăn từ ngày 25/3 khi một người bán hàng cùng chỗ với anh dương tính. Lo sợ sẽ lây nhiễm cho con trai 2 tuổi, anh tự nguyện cách ly tại cửa hàng. Anh không chắc chắn về thời gian ủ bệnh 14 ngày như trên thông báo nên định sẽ về nhà sau 30 ngày.

Anh cho biết điều mong muốn lớn nhất là hết dịch bệnh, được đoàn tụ với gia đình và nghỉ ngơi vài ngày. Anh khuyên những chủ quầy hàng khác cũng về nhà càng sớm càng tốt, vì sự an toàn của họ.

Trạm giao hàng của Geng đã hoàn toàn đóng cửa vào ngày 28/3, khi Thượng Hải phong tỏa toàn bộ phía đông thành phố.

Ban đầu, anh và hai đồng nghiệp trên xe vẫn mua sắm nhu yếu phẩm cho người dân. Song đến ngày 30/3, khi số ca nhiễm tăng lên, anh không được cấp quyền điều khiển xe nữa. Anh ngừng giao hàng và chuyển đến ở trong một căn lều do khách cho mượn.

"Đó là khoảng thời gian khó khăn và người dân cần được giúp đỡ nhiều hơn bình thường. Tôi chỉ nghĩ rằng mình không thể lùi bước", anh nói.

Ngành giải trí đêm ở Singapore mở lại sau hai năm đóng cửa

Sau thời gian phải ngừng hoạt động vì dịch, các doanh nghiệp giải trí về đêm ở Singapore đang chạy đua chuẩn bị cho ngày mở cửa.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm