Mất trí nhớ ngắn hạn là điều bình thường của quá trình lão hóa, nhưng cũng có thể do các bệnh lý như trầm cảm hoặc chấn thương não gây ra. Ảnh: NYTimes. |
Trí nhớ ngắn hạn đề cập đến những điều vừa xảy ra trong vòng 30 giây. Tuy nhiên, thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho "trí nhớ làm việc", dùng để chỉ cách bộ não xử lý, lưu trữ và nhớ lại thông tin.
Theo Insider, mất trí nhớ ngắn hạn rất phổ biến và thường xuyên xảy ra như quên tên của người từng gặp, mất chìa khóa xe, bước vào phòng và quên mất lý do tại sao lại ở đó.
Samantha Holden, bác sĩ thần kinh, Giám đốc lâm sàng khoa thần kinh ngoại trú tại UCHealth, cho biết: “Đó là một trải nghiệm toàn cầu”.
Sanam Hafeez, nhà tâm lý học, người sáng lập Dịch vụ Tâm lý Tham vấn Toàn diện, cho biết mất trí nhớ ngắn hạn là điều bình thường của quá trình lão hóa, nhưng cũng có thể do các bệnh lý như trầm cảm hoặc chấn thương não gây ra.
Dưới đây là 8 nguyên nhân có thể khiến chúng ta mất trí nhớ ngắn hạn.
Chấn thương đầu
Bà Holden nói: “Mất trí nhớ ngắn hạn và dài hạn là triệu chứng phổ biến của chấn động não, ngay cả khi bạn không cảm thấy mệt mỏi”.
Chấn động não là loại chấn thương sọ não và có thể xảy ra do bất kỳ tác động mạnh hoặc tức thời lên đầu như tai nạn xe hơi, chấn thương thể thao hoặc ngã.
Mất trí nhớ ngắn hạn do chấn thương đầu thường biến mất trong vòng vài tháng và thực sự không có cách nào để đẩy nhanh quá trình đó. Tuy nhiên, nếu bạn gặp các dấu hiệu cảnh báo như mất trí nhớ dai dẳng, mất ý thức, lú lẫn, đi lại khó khăn hoặc chuyển động mắt bất thường thì nên đi khám.
Khi dần dần lấy lại trí nhớ ngắn hạn, bạn có thể giúp trí não của mình hoạt động bằng nhiều cách như viết ra giấy hoặc luôn đặt các vật dụng vào cùng một chỗ.
Sự lão hóa
Lão hóa là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất trí nhớ ngắn hạn. Bà Hafeez cho biết khoảng 11% người lớn trên 45 tuổi ghi nhận suy giảm nhận thức chủ quan, bao gồm cả mất trí nhớ. Trong khi đó, 40% số người ở độ tuổi 60 bị mất trí nhớ.
Khi con người già đi, một số vùng của não co lại, sự liên lạc giữa các vùng trở nên kém hiệu quả hơn và lưu lượng máu đến não có thể chậm lại.
Điều đó dẫn đến suy giảm trí nhớ bình thường liên quan đến tuổi tác. Lúc đó chúng ta có thể gặp khó khăn hơn khi làm việc đa nhiệm hoặc trở nên đãng trí hơn, nhưng khả năng sống tự lập hàng ngày không bị ảnh hưởng.
Đảm bảo tinh thần luôn minh mẫn bằng cách tham gia nhiều hoạt động như đọc, viết hoặc các sở thích khác. Tập thể dục, ngủ đủ giấc và ăn đủ chất dinh dưỡng cũng rất quan trọng đối với chức năng não.
Khi dần dần lấy lại trí nhớ ngắn hạn, bạn có thể giúp trí não của mình hoạt động bằng nhiều cách như viết ra giấy hoặc luôn đặt các vật dụng vào cùng một chỗ. Ảnh: Unlu. |
Uống nhiều rượu
Mất trí nhớ xảy ra khi uống quá nhiều rượu làm rối loạn khả năng chuyển ký ức của não từ ngắn hạn sang dài hạn. Khi điều đó xảy ra, bạn thường thức dậy và không nhớ chuyện gì đã xảy ra khi đang uống rượu.
Tình trạng này thường xảy ra nhất khi chúng ta có nồng độ cồn trong máu từ 0,16 trở lên. Nghiên cứu hình ảnh não lớn vào năm 2021 cho thấy bất kỳ loại rượu nào cũng có thể làm giảm chất xám, liên quan đến việc mất trí nhớ đáng kể hơn.
Vì thế điều cần làm là tự đánh giá xem bản thân có đang uống quá nhiều hay không và lập kế hoạch cắt giảm.
Thiếu ngủ
Ký ức được lưu trữ trong não suốt chu kỳ giấc ngủ không có chuyển động mắt nhanh. Trong khi ngủ, não kích hoạt hệ thống glymphatic, giúp loại bỏ chất thải khỏi não để giữ cho hệ thần kinh trung ương hoạt động tốt nhất khi bạn thức.
Nếu hệ thống glymphatic không thể thực hiện công việc của nó, bộ não sẽ kém hiệu quả hơn trong việc ghi nhớ mọi thứ vào ngày hôm sau.
Vì thế, chúng ta cần ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm, thực hiện thói quen vệ sinh giấc ngủ để đi vào giấc ngủ nhanh và ngủ ngon hơn.
Bà Holden nói: “Chứng ngưng thở khi ngủ là nguyên nhân cực kỳ phổ biến gây ra vấn đề về trí nhớ. Và một khi bạn điều trị chứng ngưng thở, trí nhớ sẽ trở lại bình thường”.
Trầm cảm
Theo bác sĩ Holden, một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất trí nhớ ngắn hạn ở người dưới 50 tuổi là rối loạn tâm trạng bao gồm cả trầm cảm.
Những người bị trầm cảm có nhiều khả năng ghi nhận các vấn đề về trí nhớ hơn so với người khác. Trầm cảm cũng có liên quan đến việc khó nhớ lại thông tin và ghi nhớ.
Một số người cải thiện trí nhớ sau khi điều trị trầm cảm, trong khi nhiều người khác bị suy giảm vĩnh viễn. Theo nghiên cứu nhỏ năm 2015, ngay cả khi chúng ta không thể giảm bớt chứng trầm cảm, phục hồi nhận thức, liệu pháp cải thiện chức năng não sau chấn thương, có thể cải thiện trí nhớ.
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) là rối loạn sức khỏe tinh thần gồm lo lắng hoặc hồi tưởng sau khi trải qua chấn thương.
Những người bị PTSD thường có ký ức dữ dội về sự kiện đau buồn. Nhưng PTSD có liên quan đến việc giảm chức năng nhận thức và ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn.
Điều trị PTSD bao gồm liệu pháp trò chuyện, phơi nhiễm hoặc liệu pháp giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái nhận thức (EMDR). Nghiên cứu đang được tiến hành về việc liệu điều trị PTSD có phục hồi chức năng bộ nhớ hay không, nhưng nó có thể cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung.
Suy dinh dưỡng
Những gì bạn ăn hoặc không ăn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ và chức năng ghi nhớ. Hầu hết nghiên cứu về suy dinh dưỡng và suy giảm trí nhớ đều tập trung vào những người bị sa sút trí tuệ.
Nhưng nghiên cứu chỉ ra suy dinh dưỡng có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ cũng như làm cho tình trạng mất trí nhớ từ trước trở nên trầm trọng hơn.
Khi bệnh nhân bị mất trí nhớ ngắn hạn, bà Holden đảm bảo họ cần nhận đủ hai chất dinh dưỡng quan trọng: vitamin B1 (thiamine) và vitamin B12 (folate). Thiếu một trong hai chất này có liên quan đến các vấn đề về trí nhớ.
Do đó, chúng ta cần ăn chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng đa lượng, nhiều hải sản, thịt nạc và thực phẩm toàn phần từ thực vật như các loại hạt giàu vitamin B.
Bệnh sa sút trí tuệ và bệnh thần kinh
Mất trí nhớ ngắn hạn thường sẽ không dẫn đến chứng sa sút trí tuệ hoặc mất trí nhớ nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nó có thể là dấu hiệu ban đầu của chứng sa sút trí tuệ như bệnh Alzheimer.
Mất trí nhớ ngắn hạn trở thành nguyên nhân đáng lo ngại khi nó dẫn đến suy giảm nhận thức nhẹ (MCI). Khoảng 10% đến 15% những người bị MCI sẽ tiếp tục phát triển chứng sa sút trí tuệ.
Do đó, người bị MCI nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và theo dõi. Chẩn đoán sớm rất quan trọng để điều trị vì nó có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các triệu chứng nghiêm trọng hơn.