8 sự thật về khả năng sinh con
Bạn từng nghe nói "yêu" theo tư thế truyền thống hay cứ canh đúng ngày rụng trứng để vợ chồng quan hệ sẽ dễ có em bé... Thật ra, những lý thuyết này đều sai.
Tập luyện đều đặn, ăn uống đủ chất, chỉ số huyết áp, cholesterol lý tưởng... không có nghĩa bạn là nhà vô địch trong chuyện sinh sản. 1/10 số cặp vợ chồng hoàn toàn khỏe mạnh và đang trong độ tuổi sinh nở vẫn gặp các vấn đề về duy trì nòi giống.
Nguyên nhân thì nhiều nhưng rắc rối lớn nhất thường liên quan đến chuyện tuổi tác. Với phụ nữ khỏe mạnh, khả năng có con đạt đỉnh điểm vào độ tuổi 25, bắt đầu giảm lúc 27 và sa sút khi 37.
Nếu trên 35 tuổi rồi mới tính chuyện có em bé thì bạn cần một nỗ lực rất lớn mới có thể thành công. Nếu đã cố gắng 6 tháng rồi mà không có tín hiệu, bạn đừng cố chờ thêm mà nên đến gặp bác sĩ sản khoa ngay. Còn với phụ nữ 37-40 thì thời gian chờ đợi chỉ nên kéo dài 3 tháng.
Quá béo hay quá gầy đều bất ổn
Cứ 12 trường hợp hiếm muộn thì có một là liên quan đến cân nặng. Cả người suy dinh dưỡng và người béo phì đều khó rụng trứng. Chị em cần ít nhất là 22% chất béo trong cơ thể để có thể rụng trứng nhưng thừa chất béo lại làm thay đổi lượng hoóc môn và ngăn cản quá trình này. Trong thực tế, hơn 70% phụ nữ hiếm muộn đã thụ thai khi đạt được số cân hợp lý.
Cân nặng còn gây nhiều phiền toái cho các bà bầu: thừa cân dễ bị huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch và sinh con nhẹ cân. Nhưng nếu bạn có cân nặng chuẩn và đang muốn có bầu thì hãy gác ý định ăn kiêng hay tập luyện khốn khổ để có thân hình mảnh mai sang một bên.
Tư thế "yêu" không mấy quan trọng
Chẳng có nghiên cứu nào khẳng định tư thế này hiệu quả hơn tư thế kia trong việc thụ thai. Trên thực tế, dù ở tư thế nào thì tinh trùng cũng có thể gặp trứng sau khi được xuất ra. Tất nhiên, "súng" vào sâu dễ nhắm trúng địch hơn, song "thâm cung" mỗi chị em một khác nhau nên cũng khó đưa ra một tư thế chuẩn.
Dù sao cũng rất hữu ích nếu bạn nằm yên một lúc sau khi làm "chuyện ấy" để lưu giữ tinh trùng của chồng.
Tuổi càng cao, khả năng "gieo giống" càng giảm
Một nghiên cứu trên 8.500 cặp vợ chồng cho thấy, cứ 100 người đàn ông dưới tuổi 25 thì chỉ có 8 người là không có khả năng sinh sản sau một năm nỗ lực. Con số đó tăng lên đến 15% sau tuổi 35.
Ngày rụng trứng không phải là ngày dễ thụ thai nhất
Trước đây, người ta cho rằng phụ nữ có khả năng thụ thai cao nhất trong ngày rụng trứng và cơ hội có con cũng nhiều hơn nếu vợ chồng "gặp nhau" liên tục khoảng 5, 6 ngày trước đó. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây lại cho thấy khả năng lớn hơn nếu quan hệ vào 2 ngày trước.
Quần sịp không có tội
Các ông bố tương lai vẫn được khuyến khích tránh xa quần sịp vì sợ chúng sẽ làm tăng nhiệt độ của "súng" và tiêu hủy "đạn". Nhưng thật ra chỉ những loại quần bó chặt đến nghẹt thở mới có thể dẫn đến tình trạng này. Còn loại quần sịp vừa vặn, có độ co giãn tốt hoàn toàn chẳng can hệ gì đến khả năng có con của cánh mày râu.
Biện pháp tránh thai có ảnh hưởng nhất định
Trên thực tế, ảnh hưởng của các loại thuốc tránh thai có thể kéo dài hơn chỉ định của nhà sản xuất tức là sau khi dừng uống, thuốc vẫn có khả năng ngăn cản rụng trứng nên bạn chưa chắc đã có thai ngay.
Chế độ ăn không có tác động nhiều
Chẳng có chế độ ăn thần kỳ nào làm tăng khả năng tinh trùng gặp trứng. Tốt nhất là bạn hãy dùng thức ăn nhiều dinh dưỡng và giảm thiểu những món chế biến sẵn. Thức ăn chứa nhiều axit folic cũng khá quan trọng vì nó giúp cải thiện số lượng tinh trùng.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng kẽm có thể cải thiện số lượng tinh trùng nhưng nó không nằm riêng biệt trong một loại thức ăn nào cả. Giống như mọi thứ trong cuộc sống, khả năng sinh sản đòi hỏi một sự cân bằng trong chế độ ăn hằng ngày.
Theo Gia Đình Trẻ