Là trường mầm non duy nhất trên địa bàn xã, Trường mầm non Hoàng Đan (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) có 6 phòng học chính rộng 50 m2 và 2 phòng học nhờ mượn từ phòng y tế và phòng phó hiệu trưởng.
Các phòng học chính dành cho lớp mẫu giáo (trẻ từ 3-6 tuổi) với khoảng 80 học sinh mỗi phòng; phòng học nhờ có diện tích nhỏ hơn dành cho lớp dưới 3 tuổi.
Số lượng học sinh trong một lớp mẫu giáo của trường cao gấp 3 lần so với quy định của Bộ GD&ĐT. Mỗi phòng học gồm 2 lớp cùng độ tuổi ghép lại, mỗi lớp do 2 cô giáo phụ trách.
Vì chật hẹp (mỗi bé chỉ có 0,5 m2 không gian sinh hoạt), học sinh chủ yếu ngồi tại bàn, hạn chế hoạt động thể chất, vui chơi. Khi cần tổ chức hoạt động tập thể, chỉ một trong 2 lớp ra sân.
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình dạy học, cô Phan Thị Minh, giáo viên phụ trách lớp 3C cho biết: “Việc quản lý lớp học quá đông học sinh trong không gian chật chội khiến sự quan tâm của cô giáo bị phân tán. Giáo viên không thể tổ chức cho các em học hay ăn theo nhóm, mà phải kèm cặp từng bé.
“Điều này không những mất công, tốn thời gian, mà còn ảnh hưởng chất lượng dạy học và sự tiếp thu của trẻ”, cô Minh nói.
Vì diện tích quá chật hẹp, các em phải hạn chế hoạt động tập thể. Ảnh: Hoàng Như. |
Theo cô Trần Thị Kim Ký, hiệu trưởng nhà trường, bình thường, giáo viên có thể cho học sinh ra sân để giảm tải áp lực trong phòng học, nhưng với những ngày mưa, học sinh chỉ có thể ở trong lớp với những hoạt động gò bó.
Theo các giáo viên, trước đây, từng thôn tổ chức lớp học tại nhà văn hóa. Đến năm 2008, Trường mầm non Hoàng Đan hoạt động tại cơ sở mới ở khu trung tâm, gần UBND xã Hoàng Đan. Tuy nhiên, vì diện tích chật hẹp nên ngoài 6 phòng học chính dành cho học sinh bán trú, trường mượn thêm nhà văn hóa thôn làm lớp học cho học sinh không bán trú.
Năm 2012, toàn bộ học sinh không bán trú chuyển sang bán trú. Cùng với số học sinh tăng dần theo từng năm, sự sáp nhập này khiến trường quá tải.
Giáo viên nhà trường cho biết đã kiến nghị ngành giáo dục và địa phương xin xây thêm cơ sở 2 để giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, 4 năm trôi qua nhưng việc xây dựng chưa hoàn thành.
“Chúng tôi chỉ mong việc xây dựng cơ sở 2 nhanh chóng hoàn thành để các em có chỗ học rộng rãi, cô giáo đỡ vất vả, chất lượng dạy học được nâng cao”, cô Ký tâm sự.
Theo bà Mâu Thu Hà, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tam Dương, huyện có 16 trường mầm non công lập. Trong đó, Trường mầm non Hoàng Đan là một trong những đơn vị khó khăn với thực trạng quá tải học sinh, thiếu thốn cơ sở vật chất, phòng học.
"Đây không chỉ là khó khăn riêng ở các trường trên địa bàn huyện Tam Dương, mà còn là tình trạng chung ở các huyện khác”, bà Hà cho biết.
Quy định của Bộ GD&ĐT về số lượng và diện tích phòng học ở các lớp mẫu giáo.
- Lớp mẫu giáo bé (3 - 4 tuổi): Không quá 25 cháu/lớp.
- Lớp mẫu giáo nhỡ (4 - 5 tuổi): Không quá 30 cháu/lớp.
- Lớp mẫu giáo lớn (5 - 6 tuổi): Không quá 35 cháu/lớp.
- Diện tích phòng học: Đảm bảo ít nhất 1 - 1,5 m2/trẻ.