9 rủi ro của công nghiệp ô tô Việt Nam
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa diễn ra tại Hà Nội, nhóm công tác ô tô xe máy đã chỉ ra hàng loạt rủi ro cao của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo đánh giá của nhóm công tác, Việt Nam có dân số gần 90 triệu người và dự kiến sẽ tăng lên 100 triệu trong vòng 10 năm tới, tương ứng GDP đầu người là 1.300 USD và dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 4.000 USD. Cùng với đó, mật độ xe hiện nay trên 1.000 dân còn ở mức dưới 2 chiếc, nên tiềm năng, cơ hội phát triển vẫn rất lớn.
Tuy nhiên, nhóm công tác nhận định ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang có độ rủi ro cao bởi những thực trạng đáng lo ngại sau:
1- Ngành công nghiệp ô tô hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng thực tế của Việt Nam và chưa kịp hồi phục kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2012, khi sản lượng ô tô rơi xuống 35 - 40%. Đơn cử như trong 4 tháng đầu năm 2013, doanh số bán xe toàn thị trường (gồm cả xe lắp ráp và nhập khẩu) chỉ đạt 30.414 chiếc, tăng không đáng kể so với con số 29.503 chiếc của cùng kỳ năm 2012.
VBF nhận định Việt Nam là một trong những nước có mức thuế bảo hộ ô tô cao nhất châu Á. |
2- Các doanh nghiệp trong ngành đang trong tình trạng dư thừa công suất ở mức cao. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số của Toyota VN trong năm 2012 gần 25.000 chiếc, trong khi công suất 36.500 xe/năm/2 ca làm việc; của Ford VN gần 5.000 xe, trong khi công suất của nhà máy là 14.000 xe/năm/2 ca sản xuất; của Honda 1.800 xe, khi công suất 10.000 xe/năm; của GM là 5.600 xe, công suất 20.000 xe/năm.
3- Việt Nam là một trong những nước có mức thuế bảo hộ ô tô cao nhất châu Á. Tính trung bình, giá xe tại Việt Nam thường cao hơn từ 2-3 lần so với xe cùng loại trên thị trường thế giới do phải chịu thuế nhập khẩu tới 80% (thậm chí thuế tuyệt đối cao hơn), thuế tiêu thụ đặc biệt 45-70%, thuế VAT 10%...
4- Số lượng các nhà cung cấp uy tín, chất lượng ít, gây khó khăn cho việc mở rộng sản xuất trong nước.
5- Chi phí kho vận ảnh hưởng đến giá linh kiện, thành phẩm, từ đó tiếp tục ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh so với các nước Châu Á khác có nguồn cung trong nước.
6- Chưa có quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô, xe máy, dẫn đến cản trở mở rộng đầu tư trong thời gian tới.
7- Cách hiểu khác nhau về một số đề xuất/chính sách gây hoang mang cho doanh nghiệp. VBF dẫn chứng chủ trương hạn chế số lượng xe máy ở mức 36 triệu chiếc. Thông tin về việc hạn chế số lượng này đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và những doanh nghiệp hiện đã có mặt tại Việt Nam
8- Thiếu minh bạch trong triển khai chính sách, quy định – như các vấn đề về hải quan/nhập khẩu
9- Chưa có cơ quan giám sát số liệu tập trung về đăng ký phương tiện và các số liệu liên quan.
Cũng trong khuôn khổ VBF, nhóm công tác kiến nghị trước mắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô xuống 50% rồi xuống 0-15% theo lộ trình; bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mô tô trên 170 cc; công bố lộ trình cắt giảm thuế; áp dụng mức phí đăng ký, trước bạ thống nhất…Về trung hạn, nhóm công tác lo ngại các vấn đề về cơ sở hạ tầng, giao thông; chính sách phát triển xe sạch và đặc biệt là sự ổn định của chính sách với công nghiệp ô tô xe máy tại Việt Nam.
Theo VnMedia