Theo thông báo ban hành ngày 13/12 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh này sẽ đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh năm học 2021-2022 cho 91 học sinh lớp 10 và 11 có chứng chỉ IELTS. Theo đó, những học sinh này được miễn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm học 2021-2022 nhưng được hưởng quyền lợi của học sinh giỏi tỉnh theo quy định hiện hành.
Theo đó, nhóm lớp 10 có 14 em được công nhận học sinh giỏi tỉnh gồm: 7 giải nhất tương đương với điểm IELTS từ 7.0 - 8.0; 2 giải nhì tương đương với điểm IELTS 6.5; 5 giải ba tương đương với điểm IELTS 6.0.
Nhóm lớp 11 có 77 em được công nhận học sinh giỏi tỉnh gồm: 22 giải nhất tương đương với điểm IELTS 7.5 - 8.0; 23 giải nhì tương đương với điểm IELTS 7.0 và 32 giải ba tương đương với điểm IELTS 6.5.
Hà Tĩnh bắt đầu đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh đối với học sinh có chứng chỉ IELTS từ năm 2018. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Theo thông báo của Sở, việc đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh cho những học sinh có chứng chỉ quốc tế nhằm động viên, khuyến khích phong trào học tập và nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Anh trong các nhà trường.
Trước đó, năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh cho 70 học sinh có chứng chỉ IELTS. Trong đó, 6 em đạt 8.0 điểm IELTS, tương đương với giải Nhất học sinh giỏi tỉnh; 20 em đạt 7.0 điểm IELTS tương đương với giải Nhì; 44 em đạt 6.5 điểm IELTS, tương đương với giải Ba.
Cùng theo thông báo của Sở, chủ trương này được Hà Tĩnh thực hiện từ năm 2018 và đến nay đã có nhiều tỉnh, thành áp dụng.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Hà Tĩnh là địa phương duy nhất đặc cách công nhận học sinh giỏi cho học sinh có chứng chỉ IELTS. Tại nhiều tỉnh thành khác, học sinh THCS chỉ cần đạt IELTS trên 4.0 là đã có thể được tuyển thẳng vào nhiều trường THPT, thậm chí là THPT chuyên tại địa phương. Theo các chuyên gia, điều này không hẳn tích cực.
“Điều này có thể làm biến tướng hoàn toàn bài thi IELTS. Giờ đây, rất nhiều người đang đánh đồng giữa điểm IELTS cao và tiếng Anh giỏi là một. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất khó giải quyết”, chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu nhận định với Zing.
Bà Huyền Trang, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, cũng cho rằng việc sử dụng bất kể chứng chỉ ngoại ngữ nào để xét tuyển đại học là chưa phù hợp.
“Với học sinh THCS và THPT, để các em chạy đua ôn theo chứng chỉ rất nguy hiểm. Đây là hướng ôn thực dụng, chăm chỉ có thể đạt điểm cao, nhưng để chú trọng vào việc tăng niềm yêu thích, trình độ ngoại ngữ thì chưa", bà nói.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên