Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

97,3% dân số toàn quốc biết chữ

Tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi 15-50 toàn quốc là 97,3%, trong độ tuổi 15-35 là 98,5%. Đây là số liệu được đưa ra trong hội nghị sơ kết 3 năm (2013-2015).

Ngày 13/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2013-2015) thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Hinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết, sau 3 năm triển khai Đề án, nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã chuyển biến tích cực.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị.

 

Về mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, theo báo cáo, tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi 15-50 toàn quốc là 97,3% (cao hơn 1,3% so với mục tiêu Đề án), trong độ tuổi 15-35 là 98,5% (cao hơn 0,5% so với mục tiêu Đề án). Số người mới biết chữ tiếp tục học và không mù chữ trở lại là 83,9%.

Đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ tương ứng với 94,6% và 97,0%. Tính đến tháng 12.2015, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. 

Kết quả học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ cũng đạt được những thành tích đáng kể. Số cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu, vị trí việc làm đạt 81,2%, cao hơn mục tiêu đề ra 1,2%.

Cụ thể hơn, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 31,2%, bậc 3 đạt 9,9%; số công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa đạt 43,7%.

Kết quả học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để lao động đối với cán bộ, công chức và lao động nông thôn có hiệu quả hơn.

Ngành giáo dục đã tập trung chỉ đạo giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tích hợp giáo dục kỹ năng sống…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện đề án vẫn tồn tại một số hạn chế, nguyên nhân như nhận thức của tầng lớp nhân dân về lợi ích của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế. Lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đến xây dựng xã hội học tập.

Cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, tổ chức, các doanh nghiệp; năng lực của một số cơ sở giáo dục thường xuyên, việc điều tra, huy động các nguồn lực xã hội… trong quá trình thực hiện đề án vẫn còn hạn chế.

Qua những đánh giá, tổng kết trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm để xây dựng xã hội học tập và yêu cầu các địa phương thực hiện tốt các phương hướng nghiệm vụ, giải pháp để thực hiện đề án trong thời gian tới.

Khi các bà, mẹ đi học xóa mù

Học để khỏi lăn tay trên xã, hát được karaoke, biết chữ như mấy cháu nội ngoại, viết được tên cha mẹ đặt cho mà xưa giờ không viết được.

http://laodong.com.vn/giao-duc/973-dan-so-toan-quoc-biet-chu-415418.bld

Theo Huyên Nguyễn/Lao Động

Bạn có thể quan tâm