Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9X bị nhầm má mì bán dâm: Nạn nhân của share nhảm nhí

Chỉ vì những chia sẻ nhầm lẫn trên Facebook, một cô gái bị "gán mác" má mì. Đây không phải nạn nhân đầu tiên của mạng xã hội và những nút share thiếu suy nghĩ.

Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao việc một số diễn đàn dành cho giới trẻ nhầm lẫn má mì Nguyễn Thị Hảo, người điều khiển đường dây gái gọi nghìn đô, với cô gái 9X cùng tên và năm sinh.

Sẽ chỉ là trò đùa vui nếu những bài viết được chia sẻ không nhắc đến Nguyễn Thị Hảo, sinh năm 1994, quê Bắc Ninh, từng là lớp trưởng, hoạt động trong ban Đối ngoại - Hội sinh viên NEU, ĐH Kinh tế Quốc dân, hiện là nhân viên một tập đoàn về công nghệ.

“Nói bao lần, ăn trắng mặc trơn, đi du lịch 24/7 resort, đồ hiệu các thứ thì lấy đâu ra? 22 tuổi - trẻ quá, thế mà đã biết làm ra tiền nghìn đô, rồi chục nghìn đô. Nhưng năm nay không phải năm của em, Hảo à. Đẹp như em có thể kiếm anh thiếu gia làm chồng dễ ợt mà”, trích một bình luận trên mạng.

Không cần biết đúng sai, nhiều tài khoản Facebook đã vội ấn nút "Share" cùng những lời lẽ lăng mạ, xúc phạm, thái độ dè bỉu, giễu cợt, chỉ trích gay gắt cô gái trẻ.

Những câu chữ như "Kinh tế Quốc dân có nhiều cô gái làm kinh tế giỏi quá", "Phẫu thuật thẩm mỹ rồi tưởng ai không nhận ra sao", "Bằng tuổi mình, lớp trưởng gương mẫu, giờ biết trách ai"... liên tục tấn công cô gái vô tội.

Hảo chia sẻ đã phải trả lời đến 20-30 cuộc điện thoại, khẳng định cô không liên quan má mì vừa bị bắt. Cho đến giờ, cô bạn sinh năm 1994 vẫn chưa nhận được lời xin lỗi từ bất kỳ ai và hình ảnh cô được ghép với má mì 9X vẫn đang bị chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội. 

9X bi nham ma mi ban dam anh 1
Hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng, nhầm lẫn má mì điều hành đường dây mại dâm nghìn đô và cô gái trẻ. 

Những nút share giúp lan truyền thông tin sai lệch

Trước đó, ngày 3/6, Facebook lan truyền bức ảnh chụp cảnh hai mẹ con ở một hàng ăn vỉa hè cùng dòng chữ: "Chiều buồn, đi mua bún riêu. Đắng sao, phận mẹ nuôi con không tiếc thứ gì, nhưng con gái lại tiếc mẹ tô bún riêu 20.000 đồng.

Cụ già thì thào: Cho mẹ ăn một bát với. Con gái hét lên: Bà về nhà ăn cơm khi trưa còn đi. Cụ già im thin thít, thấy đắng lòng, muốn mời bà một tô nhưng nghĩ sẽ làm tình huống tồi tệ hơn. Đời nhiều người khổ quá. Bất hiếu là tội nặng lắm nhé mọi người!".

Trong ảnh, cô con gái đang ăn tô bún, còn người mẹ ngồi bên cạnh lộ vẻ mệt mỏi, rất hợp lý với những mô tả trong chia sẻ. Ngay lập tức, câu chuyện về người con bất hiếu nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt share và bình luận bày tỏ sự phẫn nộ.

Thế nhưng, chỉ 3 ngày sau, sự thật được làm rõ: Câu chuyện trên hoàn toàn bịa đặt. Người mẹ bị đau miệng không ăn được, ngồi chờ con gái ăn bún và không có chuyện la mắng.

Chủ nhân của status trên sau đó xin lỗi và đưa ra lý do khó tin là "chỉ mua lại account Facebook", còn câu chuyện trên đã được chia sẻ từ trước.

Không rõ đây có phải sự thật nhưng những người đã hùa vào mạt sát, chỉ trích cô gái đã "há miệng mắc quai" và giúp chủ nhân của Facebook kia "câu" thêm like, views và follows mà không cần quảng cáo.

Những ngày đầu tháng 6, Facebook "nóng" lên vì clip ghi lại cảnh chàng trai hát, bán kẹo kéo kiếm tiền bị khách hàng hất cả cốc bia vào mặt. Dù chưa rõ thực hư, nhưng video vẫn được share và bàn luận cùng những lời lên án, chỉ trích với tốc độ chóng mặt trên nhiều diễn đàn mạng.

Người hất cốc bia sau đó được xác nhận giảng viên đại học, được người bán kẹo nhờ "diễn". Lời đính chính của anh khiến nhiều người phải xóa bỏ bài share và bình luận của mình.

Tháng 5 vừa qua, một đám cưới rước dâu bằng xe bus gây chú ý trên mạng xã hội qua lời chia sẻ: "Chú rể lơ xe buýt, còn cô dâu là cô giáo xinh xắn. Do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình hai bên chấp thuận việc rước dâu bằng xe buýt để chắp cánh tình yêu cho đôi này”.

Những lời suy đoán, nhận xét của cộng đồng mạng về gia thế cô dâu chú rể, việc nhờ xe công làm việc riêng, thương xót cặp đồi nghèo... lại được chia sẻ.

Trước những thông tin gây ảnh hưởng cuộc sống riêng và công việc của người trong cuộc, người nhà chú rể phải lên tiếng giải thích: Chuyện sử dụng xe buýt rước dâu trong đám cưới là sai sự thật. Hai nhà đều thuê xe riêng chở họ hàng và cô dâu, chú rể. Còn xe bus để chở tập thể cán bộ, bạn bè của hai người.

Người này chia sẻ thêm, gia đình cô dâu, chú rể có công việc đàng hoàng, thu nhập ổn định, không có lý do gì để dân mạng nói rằng họ có hoàn cảnh khó khăn. 

Một vụ việc khác, những người bán hủ tíu gõ ở Sài Gòn chắc chắn chưa quên thời điểm vài năm trước, tin đồn "nước lèo nấu bằng thịt chuột cống" khiến họ hoang mang và thiệt hại đến mức nào.

Kẻ tung tin đồn sai lệch có lỗi một, nhưng những người chia sẻ thông tin khiến người dân sợ hãi khi ăn tô hủ tiếu truyền thống còn có tội gấp nhiều lần.

9X bi nham ma mi ban dam anh 2
6.000 người chia sẻ câu chuyện sai sự thật này liệu có nghĩ tới những tổn thương mình gây ra cho nạn nhân? 

Share thiếu căn cứ là hành động thiếu trách nhiệm

Trò chuyện với tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TP HCM) về quan điểm "Facebook là trang cá nhân, việc like và share các bài viết là tự do", giảng viên 9X nhận định: Mạng xã hội này là ngôi nhà mở, nửa riêng tư - nửa công cộng, nên phải đảm bảo cả hai yếu tố: Quyền của cá nhân và trách nhiệm trước cộng đồng. 

"Ai cũng đồng ý rằng thể hiện góc nhìn cá nhân tiêu cực sẽ khiến người đọc dễ bị tiêu cực theo (tâm lý bầy đàn). Tuy nhiên, đừng đóng khung tư duy cứ đăng Facebook là xấu, cứ share thông tin là vô trách nhiệm.

Thực tế, dưới góc độ dư luận, mạng xã hội là diễn đàn phản biện rất hiệu quả, chia sẻ nhiều thông tin thật. Chúng ta cần tôn trọng những tiếng nói phản biện này, thông tin hữu ích, vì chúng làm sáng tỏ những góc khuất mờ ám và giúp mọi người khai sáng. Nhưng, việc like hay share những nội dung thiếu căn cứ là hành động thiếu trách nhiệm", vị tiến sĩ nói.

Khi được hỏi việc chia sẻ những thông tin nhảm nhí, vô căn cứ như tung tin đồn có người nhiễm Ebola ở Việt Nam, thanh niên đăng tin sai sự thật cá chết hàng loạt tại biển Cồn Vành, 1.000 like để hồi sinh các nhân vật nổi tiếng..., gây hậu quả nghiêm trọng, tiến sĩ Khắc Hiếu cho rằng: Cái gì nhảm nhí, vô căn cứ quá thì người dùng sẽ tự cảm thấy hoang đường.

Tuy nhiên cũng có một số nội dung dù không phải đáng tin hoàn toàn nhưng vẫn đủ để gây hoang mang dư luận. Để tránh kẻ xấu tung tin thất thiệt như thế, các kênh thông tin chính thống cần làm tốt chức năng thông tin minh bạch, kịp thời và trung thực. Thông tin từ kênh báo đài chính thống sẽ là cơ sở để người dân xác minh. Lúc đó, tự động cây to sẽ đè cỏ chết. 

"Ngoài ra, luật pháp phải quy định rõ ràng quyền và trách nhiệm của người truyền tin trên mạng xã hội. Lúc đó, ai làm sai chịu phạt, người nói đúng được khen, tránh tình trạng 'luật rừng' mạnh ai nấy đấu tố, ai cũng là quan toà kết án một cách thiếu văn hoá như nhiều trường hợp gần đây", ông Hiếu nói.

Không biết rằng, những người tung tin đồn thất thiệt về Hảo, mẹ con ở hàng bún, đôi vợ chồng lơ xe bus mới cưới... có bị phạt? Nhưng ngay lúc này, những nạn nhân của nút share vẫn phải chịu sự tổn thương về tinh thần, đôi khi là cả rắc rối trong đời thật.

Cô gái bức xúc vì bị nhầm với má mì mại dâm nghìn đô

Do cùng tên và năm sinh với người đứng đầu đường dây gái gọi, Nguyễn Thị Hảo bất ngờ bị gán mác "má mì". Cuộc sống của 9X đảo lộn hoàn toàn, bạn bè thường xuyên chê cười cô.

Ngân Giang

Bạn có thể quan tâm