Hiện tại, Malala Yousafzai (19 tuổi) học chương trình dự bị đại học A-Levels tại một ngôi trường dành cho nữ sinh ở thành phố Birmingham, Anh. Cô sẽ thi A-Levels với các môn Sử, Toán, Nghiên cứu tôn giáo và Địa lý, theo The Guardian.
A-Levels là chương trình dự bị đại học kéo dài hai năm, được các trường trên toàn thế giới công nhận. Nó được coi như con đường chính thống giúp học sinh xét tuyển vào các trường hàng đầu thế giới như Cambridge, Oxford.
Malala Yousafzai trở thành người trẻ nhất từng đoạt giải Nobel Hòa bình. Ảnh: The Guardian.
|
Trong cuộc hội thảo ở Birmingham vừa qua, Malala cho biết một trường đại học Anh đề nghị sẽ hỗ trợ cô học các ngành Chính trị, Triết học và Kinh tế học sau khi vượt qua kỳ thi A-Levels.
Tuy nhiên, nữ sinh người Pakistan tiết lộ rằng dự định trong tương lai của cô là theo học tại Lady Margaret Hall, trường thành viên của Đại học Oxford, Anh. Đây cũng chính là nơi từng đào tạo cố thủ tướng Pakistan - Benazir Bhutto. Cô muốn học ngành PPE (Triết học, Chính trị và Kinh tế).
Tại Oxford, tiêu chuẩn đầu vào là AAA đối với kết quả thi A-Levels. Nếu đạt đủ yêu cầu này, Malala quyết định sẽ theo học ngôi trường danh giá và lâu đời nhất nước Anh.
Nữ sinh khẳng định bên cạnh việc học, cô sẽ tiếp tục tham gia quỹ Malala với mục tiêu giúp đỡ mọi trẻ em (cả bé gái và bé trai) có cơ hội được đến trường.
"Đó là quyền cơ bản của con người, tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và không bao giờ dừng lại cho đến khi tất cả trẻ em đều được đi học", Malala nói.
Yousafzai được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng thế giới năm 2013. |
Malala Yousafzai sinh ngày 12/7/1997 tại thị xã Mingora ở huyện Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan. Nhà hoạt động Yousafzai nhận được sự quan tâm của dư luận sau khi cô bị phiến quân Taliban bắn trong lúc đang nỗ lực vận động để các bé gái được đến trường.
Yousafzai từng là ứng viên hàng đầu cho giải Nobel Hòa bình năm 2013. Nhà hoạt động vì giáo dục của trẻ vị thành niên này nhận được tin vui khi cô mới 17 tuổi và còn đang học tại Birmingham.
Cô từng xuất hiện trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để diễn thuyết cho mục tiêu của cuộc đấu tranh đang thực hiện, được tạp chí Time vinh danh là một trong 100 người ảnh hưởng nhất thế giới.
Thủ tướng Pakistan - Nawaz Sharif - đã gửi lời chúc mừng Yousafzai và nói rằng cô là "niềm kiêu hãnh" của đất nước Pakistan.
Nobel Hòa bình 2014 thuộc về nhà hoạt động Kailash Satyarthi của Ấn Độ và nữ sinh Malala Yousafzai của Pakistan vì những hoạt động cho trẻ em, thanh niên, quyền được học hành của tất cả trẻ em.
Giải Nobel Hòa bình là một trong 5 nhóm giải thưởng ban đầu của giải Nobel.
Theo nguyện vọng ghi trong di chúc của Alfred Nobel, giải Nobel Hòa bình nên được trao "cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình".