Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ác mộng Covid-19 khiến hàng loạt nhân viên nhà hàng bỏ nghề

Nhiều nhân viên trong ngành dịch vụ ăn uống tại Mỹ cho biết nguyên nhân khiến họ muốn bỏ việc là do ảnh hưởng của Covid-19, mức lương thấp và các hành vi quấy rối từ khách hàng.

Jake Galardi Marko làm việc trong ngành dịch vụ ăn uống hơn 10 năm. Gần đây, anh quyết định nghỉ việc sau 2 năm chật vật vì các vấn đề do đại dịch Covid-19 gây ra.

“Nơi đó thực sự là một môi trường làm việc không an toàn và đầy rẫy những hành động bóc lột trong quá trình tuyển dụng, đào tạo. Điều này thì ai cũng biết nhưng chúng tôi ngầm chịu đựng để cho qua chuyện. Tuy nhiên, nó lại bị dùng làm cái cớ để bỏ qua các hành vi lạm dụng và bức ép”, Marko nói.

Trước khi bắt đầu vị trí mới tại một nhà máy sản xuất bánh phô mai ở Las Vegas (Mỹ), anh đã nộp đơn vào hàng chục nhà hàng và được mời đến phỏng vấn.

Ac mong Covid-19 khien hang loat nhan vien nha hang bo nghe anh 1

Ngành dịch vụ ăn uống tại Mỹ đang thiếu nhân lực. Ảnh: The Guardian.

Marko nhận ra rằng nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng hỗn loạn và không sẵn sàng đón tiếp nhân viên mới. Thế nhưng, những người chủ vẫn chiêu dụ ứng viên tiềm năng với lời hứa hẹn về mức lương cao hơn hiện tại hoặc làm khác vị trí tuyển dụng ban đầu, theo The Guardian.

Marko bỏ việc vì nhà hàng nơi anh đang làm không thực thi các biện pháp phòng chống, dịch Covid-19.

“Tôi suy nghĩ về việc rời ngành này mỗi ngày. Nó làm tôi thấy đắn đo khi nghĩ đến các hóa đơn phải trả, tiền thuê nhà đến hạn hàng tháng. Rất nhiều người trong số chúng tôi còn có con cái. Ngành công nghiệp này đang trở nên tuyệt vọng", Marko nói thêm.

Mức lương thấp

Theo The Guardian, thị trường lao động ngành nhà hàng đang “khát” nhân sự khi một số ông chủ và quan chức đảng Cộng hòa tuyên bố trợ cấp thất nghiệp ngăn cản người Mỹ quay trở lại làm việc.

Điều này xảy ra sau khi số lượng việc làm giảm bất ngờ vào tuần trước, một dấu hiệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức cao.

Crystal Maher, người pha chế tại Parkside Projects ở Austin (bang Texas), xem việc đổ lỗi cho trợ cấp thất nghiệp của các ông chủ là một cái cớ để tránh né cách cư xử tồi tệ với nhân viên.

“Tôi không thể ổn định thu nhập của mình nếu chỉ dựa vào tiền tip. Mọi thứ đã thay đổi nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu được điều đó. Cho đến khi thấy được dấu hiệu tốt hơn, chúng tôi sẽ không quay trở lại ngành công nghiệp này một lần nữa”, Maher chia sẻ.

Ac mong Covid-19 khien hang loat nhan vien nha hang bo nghe anh 2

Nhiều người lao động Mỹ đang làm việc trong môi trường thiếu an toàn. Ảnh: Recruiter.

Không ít nhân viên trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh đã chỉ trích mức lương thấp, tình trạng kém an toàn và quấy rối trong suốt đại dịch.

Allen Strickland kiếm được 11,50 USD/giờ. Cô cho biết: “Chúng tôi đang thiếu nhân sự trầm trọng. Khoản tiền trả cho họ thực sự không xứng đáng”.

Tương tự Strickland, Cris Cardona, quản lý tại một cửa hàng McDonald ở Orlando, cũng không hài lòng với khoản thu nhập hàng tháng của mình. Anh sẽ tham gia vào cuộc đình công vào ngày 19/5 để yêu cầu công ty tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ.

Cardona đã làm việc tại chuỗi thức ăn nhanh này suốt 4 năm và chỉ kiếm được hơn 11 USD/giờ.

“Họ gọi chúng tôi là những người quan trọng, nhưng lại đối xử tệ với các nhân viên. Họ nói rằng không thuê được người, công ty đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và đổ lỗi điều này cho trợ cấp thất nghiệp. Nhưng vấn đề là không ai muốn làm việc với mức lương nghèo nàn, liều mạng với số tiền chỉ 7,25 USD/giờ”, Cardona nói.

Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang và Janet Yellen, Bộ trưởng Ngân khố, đã bác bỏ nhận định trợ cấp thất nghiệp là yếu tố khiến một số ngành gặp vấn đề trong việc tuyển nhân viên mới.

Một phân tích gần đây của Viện Chính sách Kinh tế cho thấy đến tháng 3/2021, có trung bình 9,8 triệu lao động thất nghiệp so với 8,1 triệu việc làm.

Ac mong Covid-19 khien hang loat nhan vien nha hang bo nghe anh 3

Việc thiếu nguồn nhân lực tạo sức ép lên khối lượng công việc của những nhân viên khác. Ảnh: NY Post.

Liên quan đến các tuyên bố về tình trạng thiếu lao động, Viện Chính sách Kinh tế lưu ý rằng những quan điểm đó sẽ không tồn tại lâu vì ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú đã có thêm 241.400 việc làm vào tháng 4 năm ngoái.

Các lĩnh vực giải trí và khách sạn có tốc độ tăng trưởng nghề nghiệp nhanh nhất trong tháng qua.

Nhân viên trong ngành nhà hàng nói rằng bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc tuyển dụng đều đến từ mức lương thấp, lo ngại về an toàn và sự quấy rối của những khách hàng lợi dụng biện pháp phòng dịch.

Theo một báo cáo được công bố bởi One Fair Wage vào tháng 5/2021, 53% người lao động trong ngành nhà hàng đã cân nhắc bỏ việc kể từ khi đại dịch bắt đầu. Nguyên nhân của tình trạng này là do mức lương, tiền boa thấp, điều kiện kém an toàn khi làm việc.

Theo một nghiên cứu của Đại học California San Francisco được công bố vào tháng 1 năm nay, nhân viên thuộc lĩnh vực này là một trong những nhóm người chết vì virus SARS-CoV-2 cao nhất.

Vì sao các ông trùm kinh doanh ở Hàn tin vào bói toán

Nhiều nhà lãnh đạo của các tập đoàn Hàn Quốc tin rằng bói toán là một trong những cách giúp họ tránh rủi ro khi đứng trước quyết định quan trọng.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm