Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

'Ác mộng' ép nhậu với sếp ở Hàn Quốc

Hàn Quốc có cách đối xử rất khác với những người nghiện rượu và để việc uống rượu tác động đến các mối quan hệ xã hội, cộng đồng và chính sách quốc gia.

Ở Hàn Quốc, áp lực tham gia các buổi tiệc công ty đã giảm bớt trong những năm gần đây, đặc biệt là khi các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 được áp dụng. Tuy nhiên, việc uống rượu vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng cho nhiều lao động nước này.

Mỗi kỳ nghỉ lễ, Lee Ha-seong, một phóng viên kinh tế 31 tuổi ở Seoul, lại lo lắng trong lòng vì anh uống rượu không tốt. Đối với Lee, phần thử thách lớn trong trong đời nhà báo ở Hàn Quốc không phải việc đưa tin mà là việc uống rượu đi kèm với nó.

Anh tin rằng mình không thể xây dựng những mối quan hệ cần thiết để làm việc nếu không uống rượu. “Hầu hết cuộc tụ tập xã hội đều có những người nhậu say quá đà, không biết trời đất gì nữa”, anh nói.

Lee Ha-seong là một trong nhiều người Hàn Quốc tin rằng việc uống rượu mang đến lợi ích khi xây dựng các mối quan hệ công việc và kinh doanh. Quả thật, các chuyên gia chỉ ra rằng rượu đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Hàn Quốc.

“Rượu là tốt nhất trong trăm loại thuốc”

Theo Bách khoa toàn thư về văn hóa Hàn Quốc, do Học viện Nghiên cứu Hàn Quốc phát hành, các tác phẩm văn học và kho lưu trữ lịch sử có xu hướng mô tả rượu một cách tích cực, cần thiết cho sức khỏe và cuộc sống con người. Ví dụ, câu “Rượu là tốt nhất trong trăm loại thuốc” và “Uống rượu giúp cơ bắp khỏe mạnh và giảm bớt bệnh tật dai dẳng” xuất phát từ văn bản Han Shu Shi-Huo zhi của Trung Quốc. Đây là văn bản bản cổ được viết trong thời kỳ Goguryeo (37 TCN - 668 SCN).

Các tác phẩm văn học khác cho rằng rượu là một phương tiện để mọi người giao lưu với các thành viên trong gia đình và bạn bè. Nhờ nâng ly cùng nhau, họ sẽ có những cuộc trò chuyện sâu sắc nhằm và làm các mối quan hệ bền chặt hơn.

van hoa ep ruou anh 1

Theo Bách khoa toàn thư về văn hóa Hàn Quốc, các tác phẩm văn học thường mô tả rượu một cách tích cực, cần thiết cho sức khỏe và cuộc sống. Ảnh: Steve Chao / Al Jazeera

Theo Seonghosaseol (1723), “không có gì tốt hơn rượu để tỏ lòng thành kính với người già và thực hiện các nghi lễ tổ tiên”. Và “rượu cần thiết để lưu thông khí huyết, thể hiện tình cảm và thực hiện các nghi lễ”, cuốn Chungjangkwan Jeonseo viết vào cuối thế kỷ XVIII.

Một số chuyên gia nói rằng quan niệm có tửu lượng tốt là một đức tính xuất phát từ Nho giáo. Do đó, hảo cảm với rượu đã thấm sâu vào văn hóa Hàn Quốc.

Nho giáo, một hệ thống tín ngưỡng truyền thống ở Đông Á, vẫn có ảnh hưởng đáng kể ở Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản.

Ở Trung Quốc ngày nay, người ta nói rằng lượng rượu mà một người uống phản ánh sự chân thành của họ đối với “bạn nhậu”, theo Lorna S. Wei, phó giáo sư ngôn ngữ học tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Việc rót rượu cho nhau còn là một cách thể hiện tình cảm, cô cho biết thêm.

Truyền thống xây dựng mối quan hệ xã hội bằng rượu cũng là một thông lệ lâu đời ở Nhật Bản. Từ mới của Nhật Bản, “aruhara” ám chỉ việc bị ép uống rượu, thường là quá mức, cho thấy thái độ tiêu cực đối với việc ép uống rượu.

Tuy nhiên, việc uống nhiều rượu ngày nay phải đối mặt với nhiều chỉ trích hơn do nhận thức về sức khỏe ngày càng tăng và xã hội trao quyền cho cá nhân ngày càng nhiều. Đồng thời, ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội và văn hóa làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch cũng làm giảm bớt việc uống rượu.

Thiệt mạng do bị ép rượu

Theo dữ liệu năm 2022 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người Hàn Quốc trong những năm gần đây thực tế không uống nhiều rượu. Lượng tiêu thụ rượu theo đầu người ở Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ 7,7 lít vào năm 2023, chỉ dưới mức trung bình 8,6 lít của OECD vào năm 2022.

van hoa ep ruou anh 2

Thống kê số lít rượu được tiêu thụ trong một năm tính theo đầu người tại các quốc gia tham gia OECD. Ảnh: OECD.

Tuy nhiên, báo cáo Thống kê Y tế năm 2023 của OECD lưu ý rằng Hàn Quốc nổi tiếng có vấn đề về uống rượu, bao gồm văn hóa 'ép rượu' và áp lực xã hội mạnh mẽ buộc người ta phải uống rượu.

Những buổi “hosesik” - tiệc tối của công ty - được tổ chức để tăng sự đoàn kết trong công ty là nơi mà việc ép rượu diễn ra thường xuyên. Để “gắn bó” hơn với cấp trên, những người không uống rượu hoặc uống tệ không thể từ chối khi được quản lý, sếp yêu cầu.

Ở một số tổ chức, việc không uống rượu khi đến lượt được xem là một tội lỗi lớn hơn cả trễ nải công việc.

Theo cuộc khảo sát năm 2020 của trang web việc làm JobKorea, trong đó 659 công nhân được hỏi về việc tham gia hoesik, chỉ 45% người được khảo sát cho biết họ “được tự do lựa chọn”, mặc dù 41% cho biết họ “lo lắng về cách mà nó diễn ra” nếu họ không tham gia, 13% khác cho biết việc tham dự là “bắt buộc”.

Bỏ qua những số liệu thống kê, dù xuất phát từ thiện ý, việc mời người khác uống rượu có thể trở thành hành vi ép buộc ở Hàn Quốc. Bởi lẽ, các nhân viên cấp dưới lo lắng việc từ chối cấp trên có thể gây ra xung đột, bị chèn ép hoặc làm ảnh hưởng công việc.

Văn hóa cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới uống rượu đã khiến một số người Hàn Quốc, thậm chí, mất mạng do bị ép uống quá nhiều rượu.

Theo một cuộc khảo sát năm 2016 do Hiệp hội Y tế Công cộng Hàn Quốc thực hiện, đã có 22 trường hợp tử vong do bị ép rượu tại các trường đại học địa phương trong giai đoạn 2006-2016. Những người thiệt mạng chủ yếu là sinh viên đại học năm nhất, họ không thể từ chối khi có sinh viên năm cuối mời uống rượu.

van hoa ep ruou anh 3

Theo Hiệp hội Y tế Công cộng Hàn Quốc, đã có 22 trường hợp tử vong do bị ép rượu tại các trường đại học địa phương trong giai đoạn 2006-2016. Ảnh minh họa: Korea Herald.

Việc ép uống rượu xảy ra thường xuyên nhất ở những văn phòng - nơi các mối quan hệ thứ bậc được quan tâm.

“Một số nhân viên tham gia hoesik của Hàn Quốc đã chết sau khi bị ép uống rượu quá nhiều”, Kim Hyun-deok, luật sư tại Công ty Luật Lao động Cheongryang, cho biết.

“Năm 2018, một công nhân uống rượu kém đã tử vong sau khi buổi uống rượu kéo dài 2 ngày tại xưởng làm việc, được tòa phán quyết là tai nạn lao động. Xét theo vị thế của nạn nhân là công nhân mới tại xưởng, anh có thể đã bị ông chủ ép uống rượu quá nhiều”, luật sư Kim nói thêm.

Chưa có biện pháp mạnh mẽ

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết Hàn Quốc nhìn chung tỏ ra thụ động trong việc giải quyết văn hóa 'ép rượu'.

“Rượu là chất dễ nghiện và có hại. Tuy nhiên, do văn hóa Hàn Quốc coi rượu bia là điều tích cực nên Hàn Quốc gần như không có chính sách hạn chế uống rượu ngoài việc quy định ngưỡng nồng độ cồn khi lái xe hay hạn chế trẻ vị thành niên uống rượu. Đây là lý do việc uống rượu say đến mức không biết gì rất phổ biến ở Hàn Quốc”, Lee Hae-kook, giáo sư tâm thần học tại Đại học Công giáo Hàn Quốc, cho biết.

Theo Lee, quan điểm mềm mỏng của chính phủ về việc uống rượu cũng như văn hóa 'ép rượu' ở đây đã khiến người nghiện rượu ở Hàn Quốc ngày càng nhiều. Theo Bộ Y tế và Phúc lợi, chi phí kinh tế xã hội liên quan đến rượu - chẳng hạn như bệnh tật và tai nạn - lên tới hơn 20.000 tỷ won (15,13 tỷ USD) mỗi năm.

Một nghiên cứu có tựa đề tiếng Anh, Prevalence of the Major Mental Disorders among the Korean Elderly (Sự phổ biến của các hội chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng ở người cao tuổi Hàn Quốc - PV), được thực hiện vào năm 2011 bởi các nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần lão khoa tại Đại học Quốc gia Seoul cho thấy tỷ lệ nghiện rượu ở Hàn Quốc được báo cáo là 13,4% - trong đó nam giới ở mức hơn 29,2% so với phụ nữ là 3,1%.

Quan điểm của Lee là chi phí thấp và thuế của rượu là một trong những nguyên nhân khiến Hàn Quốc có ngày càng nhiều người nghiện rượu.

Theo dữ liệu năm 2020 của OECD, đồ uống có cồn ở Hàn Quốc ít bị lạm phát giá hơn so với các loại đồ uống không cồn khác. Trong khi giá đồ uống có ga và nước ép trái cây tăng lần lượt là 208% và 61% thì từ năm 2005 đến 2018, đồ uống có cồn tăng từ 4% lên 36%.

van hoa ep ruou anh 4

Giá trung bình của một chai Soju tiêu chuẩn 360 ml ở Hàn Quốc là 1.380 won tại các siêu thị. Ảnh: Newsis.

Soju đặc biệt rẻ tiền. Theo Cơ quan Tiêu dùng Hàn Quốc, giá trung bình của một chai Soju tiêu chuẩn 360 ml ở Hàn Quốc là 1.380 won tại các siêu thị và 1.950 won taij các cửa hàng tiện lợi, tính đến 20/10/2023. Một chai soju tiêu chuẩn chứa khoảng 60 ml rượu, tương đương với khoảng 1,3 lít bia.

“Chúng ta cần tăng mạnh giá rượu thông qua việc tăng thuế để hạn chế khả năng tiếp cận của người dân”, ông Lee lập luận về sự cần thiết phải tăng giá rượu bằng cách tăng thuế rượu.

Các chuyên gia từ 20 nhóm y tế và sức khỏe tham gia “Diễn đàn Vì một xã hội không bị ảnh hưởng tiêu cực do rượu bia” được Bộ Y tế và Phúc lợi tổ chức năm 2023 cho biết các chiến dịch nhằm hạn chế uống rượu của chính phủ là cần thiết. Họ cho biết ngân sách hàng năm dành cho công tác phòng chống lạm dụng rượu gần như không thay đổi trong 15 năm qua, ở mức 1,4 tỷ won. Ngược lại, các công ty rượu chi khoảng 300 tỷ won mỗi năm cho quảng cáo.

“Cần có luật và ngân sách riêng cho chứng nghiện rượu. Cần có biện pháp cấp một gia”, họ nói.

van hoa ep ruou anh 5

Ngày nay, xã hội Hàn Quốc cũng có nhiều chỉ trích đối với hành động ép rượu trên bàn tiệc. Ảnh: SCMP.

Ngoài tất cả biện pháp, chính sách của chính phủ, các chuyên gia nhấn mạnh cũng cần có nhiều thay đổi hơn trong thái độ của người Hàn Quốc đối với việc ép rượu thái quá.

“Mọi người nên biết rằng uống rượu quá mức có nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe của một người và nên ngừng cố ép người khác uống”, một quan chức của Hiệp hội Y tế Công cộng Hàn Quốc cho biết.

May mắn thay, việc xem hành động uống rượu quá mức như một “đức hạnh” ngày nay đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ xã hội. Mọi người xem việc từ chối uống rượu là có thể chấp nhận được, Hiệp hội Y tế Công cộng Hàn Quốc cho biết thêm.

“Việc ép uống rượu hiện đã trở thành điều cấm kỵ trong xã hội, được pháp luật bảo vệ. Ví dụ như điều 324 Bộ Luật Hình sự, điều 37 Luật Bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động. Ngoài ra, nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của lối sống lành mạnh và tác động bất lợi của rượu cũng góp phần làm giảm việc tiêu thụ rượu bia”, đại diện Hiệp hội phân tích.

Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới

Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.

Đông Tùng

Theo Korea Herald

Bạn có thể quan tâm