Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ác mộng ngày qua ngày' của người phụ nữ bị tung tin mang virus đến TQ

Cuộc sống của Maatje Benassi (Mỹ) bỗng chốc khốn đốn khi vướng phải tin đồn là người phát tán virus ra bên ngoài. Mỗi ngày, bà và gia đình chịu sự dày vò liên tiếp từ dân mạng.

Zing trích dịch bài đăng trên CNN, phản ánh câu chuyện một người phụ nữ tại Mỹ trở thành mục tiêu tấn công của cộng đồng mạng khi bị tung tin thất thiệt là người gieo rắc mầm bệnh tới thành phố Vũ Hán, khiến đại dịch xảy ra khắp thế giới.

Cuộc sống của Maatje Benassi, một lính dự bị Lục quân thuộc quân đội Mỹ, bỗng chốc đảo lộn khi những tin đồn thêu dệt chuyện bà chính là người đem virus corona chủng mới đến Trung Quốc xuất hiện trên mạng.

Dần dà, những thông tin sai lệch liên quan đến bà mẹ hai con ngày một nhiều hơn, với hàng trăm nghìn lượt xem, theo dõi mỗi ngày. Thậm chí, chính phủ Trung Quốc còn thể hiện quan điểm đồng tình với những tin tức này.

Dù chưa bao giờ thử nghiệm dương tính với virus corona hay có biểu hiện nào nhiễm bệnh, Benassi và chồng mình giờ trở thành chủ đề bàn tán trên các trang mạng tại Trung Quốc. Tên của cả hai được nhắc đến kèm các cụm từ “bệnh nhân số 0”, “người gieo rắc virus”.

Đời tư, cuộc sống cá nhân bị soi mói. Địa chỉ nhà bị tung thẳng lên mạng. Trước khi kịp khóa các tài khoản mạng xã hội vì sự công kích quá lớn của dân mạng, hòm thư điện tử của cả hai đã ngập tràn các lời lẽ chửi bới, thóa mạ từ khắp nơi gửi tới.

“Nó giống như bạn tỉnh dậy sau một cơn ác mộng và nhận ra mình vẫn mắc kẹt trong cơn ác mộng đó ngày qua ngày”, Benassi thừa nhận.

Bị đổ oan vì từng đến Vũ Hán

Nguồn gốc của tin đồn ác ý xuất phát từ việc Benassi từng tham dự Thế vận hội quân sự tổ chức vào tháng 10 năm ngoái tại thành phố Vũ Hán, nơi những ca bệnh đầu tiên xuất hiện.

Trong khi hàng trăm binh sĩ Mỹ tham gia sự kiện này, chỉ mình Maatje Benassi trở thành mục tiêu tấn công của các thuyết âm mưu.

bi don la nguoi phat tan virus anh 3

Tại Trung Quốc, những thông tin về cặp vợ chồng Benassi đem virus đến nước này trở thành chủ đề hot trên mạng xã hội. Ảnh: SCMP.

George Webb (59 tuổi, quốc tịch Mỹ), chuyên tổ chức các buổi nói chuyện mang tính chất công kích, là người ủng hộ và thường xuyên phổ biến quan điểm đổ lỗi cho Benassi trên YouTube.

Dưới các phát ngôn của Webb, một DJ người Italy tên Benny Benassi cũng bị quy kết thông đồng với vợ chồng Maatje và Matt Benassi để phát tán virus ra thế giới.

Lý do đơn giản chỉ ở mức DJ này có cùng họ với hai người kia. Sau đó, Benny đã phải lên tiếng khẳng định không hề quen biết hai vợ chồng người Mỹ.

Trả lời phỏng vấn CNN, George Webb cũng không đưa ra bằng chứng cụ thể nào chứng minh cho lời nói của mình mà chỉ tự nhận bản thân là “nhà báo điều tra”, không phải một người chuyên tung ra các thuyết âm mưu.

'Tên tôi sẽ luôn bị gán với kẻ gieo rắc virus'

Mặc dù đều làm trong cơ quan chính phủ Mỹ, vợ chồng Benassi thừa nhận họ đang trải qua cảm giác bất lực giống với những người từng bị tung tin đồn thất thiệt và trở thành mục tiêu bắt nạt hội đồng trên mạng.

“Tôi muốn tất cả bọn họ ngưng việc công kích. Mọi chuyện đã trở nên ngoài tầm kiểm soát”, Benassi nói trong khi cố kìm nước mắt.

Trong khi những lời cáo buộc gia đình Benassi đều vô căn cứ, mối đe dọa mà những người trong cuộc đối mặt hoàn toàn có thật.

bi don la nguoi phat tan virus anh 4

Dù cầu cứu nhiều bên, tình hình của cả hai vẫn không khá lên. Ảnh: CNN.

“Rất khó để buộc tội ông ta (Webb) chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân khiến cơ quan thực thi pháp luật không có căn cứ để xử phạt. Họ sẽ bảo chúng tôi tìm đến luật sư dân sự để xử lý. Nhưng việc theo đuổi vụ kiện quá tốn kém và nằm ngoài khả năng xoay xở của chúng tôi”, Matt Benassi, chồng của bà, cho hay.

Matt đã cố gắng gỡ các video sai phạm khỏi YouTube và ngăn chúng tiếp tục được chia sẻ rộng rãi. Cặp đôi từng tìm đến sự giúp đỡ của cả luật sư và cảnh sát địa phương.

Song, câu trả lời họ nhận về đều có nội dung tương tự: Họ không làm được gì nhiều để cải thiện tình hình.

Dù Matt liên tục báo cáo sai phạm với YouTube, nền tảng này vẫn mất nhiều ngày mới chấp nhận gỡ bỏ các video không phù hợp. Trong thời gian đó, lượng xem và thông tin sai lệnh được truyền tải đi đã đủ gây ra những thiệt hại không thể cứu chữa.

Mặt khác, các video của Webb dù có bị xóa sổ khỏi kênh cá nhân, những tài khoản khác vẫn kịp lưu lại nội dung và tiếp tục tải lên trên mạng nhiều lần nữa.

Tại Trung Quốc, các video có nội dung xoay quanh chuyện gia đình Benassi là người đem dịch bệnh đến đất nước tỷ dân này rất phổ biến trên các nền tảng xã hội thịnh hành như WeChat, Weibo. Những nội dung xuyên tạc còn được dịch sang tiếng Trung Quốc.

“Trường hợp của vợ chồng Benassi không phải là cá biệt. Khi các vụ việc phần nhiều liên quan đến ‘đám đông trên mạng xã hội’, cơ quan thực thi pháp luật thường không tiến hành điều tra cẩn thận”, Danielle Citron, giáo sư ngành Luật tại Đại học Boston (Mỹ), đánh giá.

Còn đối với Maatje Benassi, dường như bà đã trở nên buông xuôi khi không có cách nào cứu vãn sự oan ức tự dưng phải chịu.

“Tôi biết có những thứ sẽ chẳng thể nào quay về được như cũ. Giờ đây, mỗi khi tìm kiếm tên tôi trên Google, bạn sẽ thấy những cụm từ ‘bệnh nhân số 0’, ‘kẻ mang virus đến Vũ Hán’ đi kèm”, người mẹ hai con nói.

Bất chấp lệnh cấm, người dân Philippines đổ xô ra chợ mua sắm Dù có lệnh giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, nhiều người dân vẫn bất chấp đứng san sát trước cổng một khu chợ, chờ đến giờ mở cửa để vào mua sắm tại một thành phố ở Philippines.

'Ai sẽ chăm con khi tôi ra đi?' - câu hỏi ám ảnh bác sĩ chống Covid-19

Không hiếm bác sĩ ở New York giằng xé giữa việc cứu người và đảm bảo an toàn cho gia đình. Do đặc thù công việc, rủi ro có thể xảy đến bất cứ khi nào họ tiếp xúc với người bệnh.

Trà My

Bạn có thể quan tâm