Sau khi khỏi Covid-19, tôi thường xuyên cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh. Tôi có cần đi kiểm tra sức khỏe không?
Sổ tay Phục hồi sau Covid-19, Trường Đại học Y dược TP.HCM
Nếu bạn thấy tim đập mạnh, nhanh, đó là cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực. Hồi hộp có thể gặp ở người bình thường hoặc có bệnh lý. Gần 70% bệnh nhân có triệu chứng hồi hộp kéo dài sau khi khỏi Covid-19. Một số bệnh nhân cần thời gian dài để phục hồi khả năng gắng sức (nhiều tuần hoặc tháng), đặc biệt người bị nặng, nằm lâu, ít vận động.
Hồi hộp có thể là biểu hiện của bệnh tim mạch hoặc cơ quan khác (hô hấp, nội tiết, khuyết học, thần kinh).
Hồi hộp sinh lý có thể do sử dụng cà phê, trà, chất kích thích, rượu bia, nước tăng lực hoặc lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, hoạt động mạnh, đang mang thai.
Trường hợp hồi hộp bệnh lý do suy tim, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, tổn thương tim do Covid-19 chưa hồi phục hoàn toàn, tổn thương mới xuất hiện sau đợt bệnh, có thể liên quan hoặc không tới Covid-19.
Người bệnh nên đi khám khi:
- Lớn tuổi, suy yếu, nhà xa, sống một mình.
- Có bệnh nền đặc biệt là hệ tim mạch.
- Tổn thương tim nặng trong đợt nhiễm Covid-19.
- Triệu chứng kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Xuất hiện khi gắng sức hoặc với những hoạt động mạnh.
- Có triệu chứng đi kèm.
- Khởi đầu, kết thúc đột ngột.
- Gia đình có tiền sử đột tử do tim, các bệnh lý tim di truyền.
Khám khẩn cấp khi:
- Kèm theo một trong các triệu chứng, đặc biệt khi thay đổi tư thế đột ngột: chóng mặt, choáng váng, đau ngực, khó thở, ngất.
- Kèm nôn ói, vã mồ hôi, sốt, đặc biệt ở người có bệnh nền.
- Nếu nhịp tim trên 120 lần/phút hoặc tăng hơn trên 30 nhịp/phút so với bình thường và kéo dài.