Một khi con đập của Ethiopia trên sông Nile Xanh khánh thành, Ai Cập và các quốc gia khác thuộc lưu vực sông sẽ phải thỏa hiệp để đảm bảo an ninh nguồn nước.
|
Nhìn vào hình ảnh vệ tinh của Ai Cập trên Google, có thể thấy một đường màu xanh lá cây nằm trên nền cát và mở rộng dần thành hình tam giác ở phía Bắc. Đây chính là thảm thực vật mọc hai bên bờ và vùng đồng bằng sông Nile. Mảnh đất màu mỡ duy nhất của Ai Cập là minh chứng rõ nét về sự phụ thuộc của quốc gia này vào con sông. Sông Nile kéo dài qua 11 quốc gia châu Phi, tuy nhiên Ai Cập đã kiểm soát và sử dụng phần lớn lưu lượng nước trong hàng ngàn năm. Sắp tới, điều này có thể sẽ thay đổi.
|
|
Sông Nile Xanh là nhánh lớn nhất của sông Nile, cung cấp khoảng 85% lượng nước đổ vào Ai Cập. Hiện nay Ethiopia đang xây dựng đập Grand Ethiopian Renaissance (GERD) trị giá 5 tỷ USD trên sông Nile Xanh, gần biên giới với Sudan. Khi hoàn thành, GERD sẽ là đập nước lớn nhất ở châu Phi, tạo ra khoảng 6.000 MW điện cho nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Dự án đầy tham vọng này nhằm mục đích giúp dân số đang tăng nhanh chóng mặt của Ethiopia thoát khỏi đói nghèo. Con đập cũng giúp Ethiopia quản lý dòng chảy sông Nile Xanh, dẫn đến sự thay đổi quyền lực trong khu vực.
|
|
Đối với người Ai Cập, sông Nile chính là sự sống. Aly El-Bahrawy, giáo sư thủy lợi tại Đại học Ain Shams tại Cairo, cho biết: “Nếu người Ethiopia muốn giảm lượng nước (sông Nile) đổ vào Ai Cập thì sẽ gây ra vấn đề lớn”.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), khan hiếm nước là một vấn đề nghiêm trọng ở quốc gia Bắc Phi này. Với dân số dự kiến lên tới 120 triệu người vào năm 2030, Ai Cập đang trên đà chạm ngưỡng "khan hiếm nước tuyệt đối" – tức mỗi người dân chỉ có dưới 500 m3 nước mỗi năm, chưa kể đến tác động nếu Ethiopia kiểm soát dòng chảy.
|
|
Dù gắn liền với nền văn minh Ai Cập nhưng cả hai nhánh sông Nile đều không bắt nguồn từ nước này. Sông Nile Trắng chảy từ hồ Victoria (trong ảnh) – hồ lớn nhất châu Phi, nằm giữa Tanzania, Kenya và Uganda. Còn sông Nile Xanh bắt nguồn từ hồ Tana ở cao nguyên Ethiopia. Hai con sông hợp nhất gần thủ đô Khartoum của Sudan để hình thành dòng chảy chính qua phía Bắc qua Ai Cập đến biển Địa Trung Hải.
|
|
Tuy nhiên, năm 1929 Ai Cập đã tuyên bố chủ quyền với sông Nile trong Hiệp ước Anglo - Egyptian giữa Ai Cập và Vương quốc Anh, và Hiệp định song phương năm 1959 giữa Ai Cập và Sudan. Các hiệp ước được gọi chung là Nile Waters này cấp 18,5 tỷ m3 nước mỗi năm cho Sudan và 55,5 tỷ m3 cho Ai Cập. Thỏa thuận không cấp nước cho Ethiopia cũng như 8 quốc gia khác trên lưu vực sông Nile. Hơn nữa, Nile Waters còn cho Ai Cập quyền phủ quyết đối với các dự án xây dựng trên dòng chảy chính và các nhánh thượng nguồn sông Nile.
|
|
John Mukum Mbaku, đồng tác giả cuốn “Quản lý lưu vực sông Nile”, nói: "Ai Cập được cho là có điều kiện thuận lợi (trong thời thuộc địa) vì Vương quốc Anh thu lợi rất lớn từ hoạt động nông nghiệp tại đây". Ai Cập tin họ có quyền về mặt pháp lý và lịch sử đối với sông Nile. Nhưng các quốc gia khác phản đối điều này. "Các nước thuộc vùng thượng lưu sông Nile cho rằng Nile Waters là không công bằng và không bền vững. Họ vẫn giữ quan điểm 'không bị ràng buộc bởi thỏa thuận vì họ không tham gia ký kết'", ông cho biết thêm.
|
|
Không giống như các nước khác mà sông Nile đi qua, Ai Cập là điểm cuối của con sông này trước khi đổ ra biển. Đây là quốc gia dễ bị tổn thương nhất đối với các hoạt động phát triển ở thượng nguồn. Lượng mưa ở Ai Cập chỉ vào khoảng "vài mm mỗi năm và rất khô hạn so với các nước khác”, ông Mbaku nói. Không chỉ là vấn đề nguồn nước, sông Nile còn có vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân Ai Cập. "Sông Nile xuất hiện trong sách báo, phim ảnh và âm nhạc. Nếu con sông này bị đe dọa, người Ai Cập sẽ cảm thấy bị tổn thương".
|
|
Năm 1999, các nước lưu vực sông Nile bắt đầu đàm phán để phân bổ công bằng lượng nước, nhưng Ai Cập và Sudan vẫn "bảo vệ quyền lợi tuyệt đối của họ" và do đó không đạt được sự đồng thuận, ông Mbaku nói. Đàm phán đã sụp đổ vào năm 2011, khi người Ethiopia đưa ra quyết định xây đập đầy táo bạo mà không xin ý kiến của Ai Cập. Vào năm 2013 khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình, cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi phát biểu rằng: “Mặc dù không phải là hành động ‘gây chiến’ với Ethiopia, nhưng an ninh nguồn nước của Ai Cập là không thể ‘vi phạm’. Nếu nước sông Nile tại Ai Cập giảm đi 'một giọt', chúng tôi sẽ đánh đổi bằng máu của mình”.
|
|
Sau các động thái đe dọa ban đầu không hiệu quả, Ai Cập đã thử một cách tiếp cận ngoại giao khác. “Các nhà chức trách Ai Cập đã quyết định đàm phán trực tiếp với Ethiopia”, ông Mbaku cho biết. Vào tháng 3/2015, các nhà lãnh đạo Ai Cập, Sudan và Ethiopia họp tại Khartoum để bắt đầu đàm phán về việc vận hành và lấp nước vào con đập nhưng chưa giải quyết được vấn đề. Ông Mbaku cho biết: "Dù các quan chức Ai Cập công khai nói muốn đàm phán với Ethiopia, nhưng họ vẫn tin rằng thỏa thuận Nile Waters nên được tôn trọng".
|
|
Trong năm 2017, Ethiopia đã hoàn thành khoảng 60% quá trình xây dựng con đập, khiến các cuộc đàm phán sụp đổ và Ai Cập tăng cường chỉ trích. Nhưng từ đầu năm nay, chiều hướng có vẻ đã thay đổi. Vào tháng 6, Thủ tướng mới của Ethiopia Abiy Ahmed đến thăm Ai Cập và trấn an Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi rằng ông muốn Ethiopia phát triển mà không ảnh hưởng xấu tới nước này.
Nhưng ông nói Ethiopia đang có thế mạnh trong đàm phán. “Thực tế cho thấy việc Ethiopia có thể xây dựng thành công con đập đã thúc đẩy tinh thần của người dân nước này. Nó khiến họ thấy rằng Ai Cập không mạnh như mọi người vẫn nghĩ”, ông Mbaku nói.
|
|
Trong các cuộc đàm phán gần đây, Ai Cập tập trung vào thời hạn hoàn thành việc lấp nước vào đập GERD. Việc lấp nước diễn ra càng nhanh thì lượng nước ở hạ lưu sông trong thời gian đó sẽ càng ít. “Về mặt kỹ thuật, Ethiopia có thể hoàn thành trong 3 năm, nhưng Ai Cập muốn kéo dài thành 10 năm”, Kevin Wheeler thuộc Viện Thay đổi Môi trường, Đại học Oxford, Anh, nói. “Ethiopia tính toán trên cơ sở lượng mưa ở mức trung bình, trong khi đó Ai Cập muốn lập kế hoạch cho những tình huống xấu nhất”, ông Wheeler nói.
|
|
Khaled AbuZeid, tổng thư ký của Egyptian Water Partnership, một tổ chức phi chính phủ, ước tính Ai Cập sẽ thiệt hại khoảng 2 tỷ USD nếu không được cấp nước trong một năm khô hạn. Một khi Ethiopia tiếp tục triển khai xây dựng, nước này cùng với Ai Cập và Sudan cần phải thỏa hiệp nếu muốn giảm thiểu tối đa tác hại tiêu cực. Không ai có thể đoán được nội dung của thỏa thuận, nhưng rõ ràng giờ đây Ai Cập không thể tự phân bổ lượng nước. Đập GERD của Ethiopia sẽ có tác động chính trị lớn đối với nước này. Trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang bị đe dọa ở nhiều nơi trên thế giới, cộng đồng quốc tế sẽ tập trung chú ý vào vụ việc xoay quanh dòng sông Nile. |
an ninh nguồn nước sông Nile
Ai Cập
Anh
Liên Hợp Quốc
Trung Đông
Ai Cập
Ethiopia
Bắc Phi
nguồn nước
sông Nile
mất sông Nile