Ngày 15/2, ông Bùi Hoàng Ka chạy xe trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thì bị một hòn nặng khoảng 1 kg rơi thủng kính lái. Bốn ngày sau, một tài xế khác cũng phản ánh việc bị đá rơi trúng ôtô. Các tài xế đều xác nhận sự việc xảy ra buổi tối, đá văng tới từ hướng cầu vượt cắt ngang đường. Họ cho rằng có người chủ động ném đá.
Nếu đúng như vậy, người ném đá vào xe trên cao tốc sẽ bị xử lý ra sao?
Những tình huống pháp lý
Luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon) cho rằng cần dựa vào kết quả xác minh của cơ quan có thẩm quyền cũng như đơn vị quản lý cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình để xác định việc ném đá có phải cố tình hay không.
Ông Long nhận định có 2 tình huống có thể xảy ra. Đó là đá lở, rơi từ các công trình trên cao hoặc có hành vi ném đá.
Chiếc xe bị đá rơi thủng kính, thiệt hại tài sản khoảng 12 triệu đồng. Ảnh: NVCC. |
Trường hợp thứ nhất, nếu đá từ công trình đang thi công rơi xuống thì phải xác định việc đảm bảo an toàn lao động của công trình đã đáp ứng các tiêu chuẩn hay chưa. Theo quy định, công trình đang thi công phải thực hiện che chắn để đảm bảo an toàn cho người, công trình xung quanh.
Nếu có vi phạm về an toàn trong thi công gây ra sự cố, dẫn đến thiệt hại thì đơn vị thi công sẽ phải bồi thường cho bên bị thiệt hại do lỗi của đơn vị gây ra theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu đá rơi xuống từ công trình đã thi công xong, đang sử dụng thì phải xác định lại nguồn gốc hòn đá từ đâu, lỗi từ việc thi công kém chất lượng hay việc quản lý công trình đang sử dụng của đơn vị quản lý. Đây là căn cứ xác định được trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong trường hợp này.
Trong trường hợp xác định có lỗi của đơn vị thi công hay đơn vị quản lý công trình, tùy theo tính chất mức độ của vụ việc, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Nếu bên thi công đã đảm bảo đầy đủ các biện pháp an toàn, sự cố xảy ra do nguyên nhân khách quan, không phải lỗi của bên thi công hay quản lý, thì sẽ thiếu căn cứ để quy kết trách nhiệm cho những đơn vị này.
Về trách nhiệm của đơn vị quản lý đường cao tốc, trích dẫn Điều 13 Thông tư 90/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, luật sư Long cho biết đơn vị quản lý đường cao tốc có trách nhiệm đảm bảo hành lang an toàn đường cao tốc. Trường hợp đơn vị tuần tra phát hiện dấu hiệu không đảm bảo an toàn của các công trình xung quanh đối với hành lang an toàn đường cao tốc nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, dẫn đến thiệt hại thì cũng sẽ chịu trách nhiệm liên đới đối với hậu quả xảy ra.
Như vậy, việc đơn vị thi công công trình, đơn vị quản lý đường cao tốc có phải chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra không sẽ phụ thuộc vào lỗi của các bên để dẫn đến thiệt hại cho người tham gia giao thông trên đường cao tốc
Trường hợp thứ hai, nếu có căn cứ xác định có hành vi ném đá của con người, tùy thuộc tính chất và mức độ hậu quả hành vi để lại, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ để xử lý hình sự
Luật sư Ngô Văn Thạnh (Công ty Luật The Light) đánh giá trong vụ việc này, nếu nhận định về việc có người ném đá là đúng, yếu tố đầu tiên cần làm rõ là ý thức của người thực hiện hành vi.
Nếu người ném đá có đầy đủ nhận thức, năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi với mục đích cố ý làm hư hỏng phương tiện hoặc vô ý nhưng nhận thức được hậu quả có thể xảy ra mà vẫn thực hiện, cộng với thiệt hại tài sản ở mức trên 2 triệu đồng (12 triệu đồng), đây là hành vi có dấu hiệu của tội Hủy hoại tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.
Mức phạt là phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Chiếc Ford Everest của anh Bùi Hoàng Ka bị đá văng vỡ kính trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: NVCC. |
Bình luận thêm về sự việc, luật sư Thạnh cho rằng đây là hành vi rất nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn có thể xâm phạm sức khỏe hay tính mạng của những người trong xe. Trường hợp này, tài xế may mắn khi chỉ bị thiệt hại về tài sản. Nếu hành vi này dẫn tới thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người khác, các tội danh khác có thể được áp dụng.
Cụ thể, nếu đây là hành vi vô ý, dẫn tới thiệt hại sức khỏe cho người khác từ 31% trở lên hoặc làm chết người, người phạm tội có thể bị khởi tố về tội Vô ý gây thương tích hoặc Vô ý làm chết người các Điều 138, 128 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu đây là hành vi cố ý, gây thương tích cho người trong xe từ 11% trở lên hoặc dưới 11% thuộc các tình tiết tại khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, tội Cố ý gây thương tích có thể được áp dụng. Trường hợp dẫn đến hậu quả chết người, tùy thuộc mức độ hậu quả, người vi phạm có thể phải chịu các tình tiết định khung tại khoản 4, 5 Điều này.
Yếu tố then chốt để có thể xử lý đối với các tội danh này là có thiệt hại về sức khỏe hoặc tính mạng con người xảy ra, và hành vi ném đá là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hậu quả đó.
Lực lượng chức năng làm việc để truy tìm người ném đá ôtô trên cao tốc. Ảnh: VEC. |
Liên quan đến 2 vụ việc trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), xác nhận có tình trạng thanh thiếu niên ở địa phương đứng trên cầu vượt rồi ném đá xuống các phương tiện từng xảy ra trong quá khứ. Buổi tối, các cháu thường lên cầu vượt ngang qua cao tốc để chơi và có hành vi ném đá phương tiện.
Nói về tình tiết này, luật sư Thạnh cho biết theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đối với một số tội danh như Giết người, Cố ý gây thương tích, Hủy hoại tài sản...
Như vậy, nếu người thực hiện hành vi từ đủ 14 tuổi trở lên và phạm tội nghiêm trọng (mức phạt cao nhất của khung hình phạt trên 3 năm), người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp hành vi ít nghiêm trọng, họ sẽ được miễn trách nhiệm hình sự nhưng có thể bị áp dụng chế tài hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Trường hợp dưới 14 tuổi, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hoặc bị đưa vào trường giáo dưỡng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…