Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai chịu trách nhiệm vụ sập công trình 10 người chết?

Nếu xác định nguyên nhân sập do lỗi công ty hoặc nhà thầu công trình, ngoài trách nhiệm hình sự các đơn vị này còn phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân.

Chiều 14/5, nhóm công nhân đang thi công công trình tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) thì bất ngờ bức tường đổ sập.

Vụ tai nạn lao động khiến 10 người tử vong, trong đó 8 người chết tại hiện trường và 2 người chết khi được đưa tới bệnh viện.

Trong vụ việc này, cá nhân hay đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm?

Trao đổi với Zing, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết với vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này, cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án ngay để điều tra làm rõ trách nhiệm trong quá trình thiết kế, thi công, giám sát công trình.

sap cong trinh o Dong Nai anh 1
Hiện trường vụ sập tường làm 10 người chết. Ảnh: Quỳnh Danh.

Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình... làm chết 3 người trở lên thì có thể bị phạt tù từ 8 đến 20 năm.

"Hiện chưa đủ thông tin để nhận định trách nhiệm thuộc về cá nhân hay đơn vị nào. Từ việc khởi tố vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ được vai trò cụ thể để truy cứu trách nhiệm phù hợp", luật sư Dũng nêu ý kiến.

Cùng bày tỏ quan điểm về vụ việc, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cơ quan chức năng cần điều tra cụ thể để xác định nguyên nhân vụ sập tường trên. Nếu xác định nguyên nhân sập do lỗi công ty hoặc nhà thầu công trình, ngoài trách nhiệm hình sự các đơn vị này còn phải chịu trách nhiệm bồi thường mặt dân sự cho các nạn nhân.

Với trách nhiệm hình sự, đơn vị gây ra lỗi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự.

Về trách nhiệm dân sự, luật sư cho biết họ có thể chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân theo Điều 610 Bộ luật Dân sự.

Trong đó thiệt hại về vật chất bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Ngoài ra, đơn vị đó còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân. Mức bồi thường do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Theo thông tin từ công nhân bị thương, họ không nhận được đồ bảo hộ lao động nào trong suốt 3 tháng thi công. Về điều này, luật sư Hùng cho rằng đơn vị nhà thầu, thi công đã sai phạm về quy trình, bảo hộ lao động, an toàn lao động... Đây có thể là 1 trong những nguyên nhân chết người. Việc khởi tố vụ án sẽ làm rõ để có căn cứ khởi tố bị can.

Liên quan đến vụ việc, tối 14/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện khẩn giao Bộ Công an, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

'Còn sống là quá may mắn với tôi rồi' "Té ở độ cao 7-8 m, bị đất đá vùi trên người tôi không nghĩ mình có thể sống. Tôi đã may mắn hơn người khác nhiều", ông Phú, nạn nhân thoát chết vụ sập công trình ở Đồng Nai nói.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm