Sáng 21/7, chiếc Ferrari 488 xe lao lên vỉa hè, tông gãy 2 cây xanh ở khu vực Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, quận Long Biên, Hà Nội. Theo chủ xe, tài xế điều khiển chiếc Ferrari là nhân viên của Volvo Hà Nội, nơi chủ xe đã gửi để sửa chữa, bảo dưỡng.
Còn theo anh T. (kỹ sư sửa xe), khi anh chủ xe Ferrari thông báo gặp sự cố trên đường, Ferrari Việt Nam đã nhờ anh T. đưa xe về bãi của Volvo Hà Nội để chờ nhân viên tới xử lý. Sau đó, Ferrari Việt Nam nhờ anh T. trực tiếp sửa chiếc Ferrari. Kỹ sư này không báo cáo với lãnh đạo Volvo Hà Nội, mà sửa chữa theo thỏa thuận cá nhân với Ferrari Việt Nam.
Trong trường hợp này, ai phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe?
Chiếc Ferrari 488 hư hỏng sau khi lao lên vỉa hè ở Long Biên, Hà Nội. |
Theo luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội, Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao.
Nếu nhân viên cơ sở Volvo Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng xe theo chỉ đạo của công ty này, hoặc theo công việc công ty phân công thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe Ferrari thuộc về công ty (pháp nhân) mà nhân viên này đang làm việc.
Điều 600 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra, cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo luật sư, nếu chiếc Ferrari được chủ xe đã giao cho phía đơn vị dịch vụ quản lý để bảo trì thì trách nhiệm thuộc về công ty có nhân viên gây thiệt hại. Nếu không được giải quyết bồi thường thỏa đáng, chủ xe có thể khởi kiện vụ án dân sự để nhờ tòa án giải quyết.
Trong trường hợp nhân viên Volvo Hà Nội thực hiện những công việc ngoài phạm vi công việc được giao như tự ý lấy xe lái thử, do tò mò… công ty vẫn phải đền bù do lỗi của pháp nhân gây ra. Sau khi công ty bồi thường cho chủ xe, đơn vị có quyền yêu cầu nhân viên đền bù cho công ty những thiệt hại mà họ gây nên.
Còn theo luật sư Hoàng Văn Tùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nếu có căn cứ chứng tỏ kỹ sư T. nhận sửa xe đã không báo cáo với lãnh đạo Volvo Hà Nội. Việc sửa chữa là thỏa thuận riêng của cá nhân kỹ sư này với Ferrari Việt Nam thì pháp nhân liên đới bồi thường có thể thay đổi.
Nếu vụ việc xảy ra sau khi Ferrari Việt Nam giao cho anh T. sửa xe, luật sư cho rằng kỹ sư đã thực hiện công việc sửa xe được pháp nhân là Ferrari giao. Vì vậy, khi xảy ra sự cố dẫn đến tai nạn và hư hỏng xe của khách dẫn đến việc bồi thường, trách nhiệm thuộc về Ferrari Việt Nam.
Theo luật sư Tùng, khi anh T. thực hiện việc sửa xe chính là đã nhân danh Ferrari để làm việc đó. Vậy nên khi có thiệt hại xảy ra, trách nhiệm bồi thường trước hết sẽ thuộc về pháp nhân là Ferrari Việt Nam. Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên, sau khi bồi thường cho người bị thiệt hại, Ferrari Việt Nam có thể yêu cầu người có lỗi trong việc là kỹ sư T. hoàn trả lại số tiền mà pháp nhân đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Luật sư nhìn nhận việc kỹ sư T. nhờ nhân viên khác chạy thử xe tức là uỷ quyền cho nhân viên khác khi đang trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa với Ferrari Việt Nam. Điều này không được quy định trong hợp đồng giữa anh T. và Ferrari Việt Nam nên khi xảy ra thiệt hại, trách nhiệm bồi thường nằm ngoài hợp đồng giữa anh T. và Ferrari Việt Nam.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn này, cả anh T. và nhân viên chạy thử xe và Ferrari Việt Nam phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Cụ thể về trách nhiệm sẽ phụ thuộc vào lỗi của từng bên. Trách nhiệm bồi thường chính là của nhân viên chạy thử xe, sau đó đến anh T. và cuối cùng là Ferrari Việt Nam.
Về mức bồi thường, các bên có thể thoả thuận với nhau để đảm bảo lợi ích của các bên. Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận, có thể khởi kiện ra toà để đảm bảo lợi ích và đúng quy định pháp luật.