Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

Ai cũng có thể là F0, TP.HCM cần bảo vệ thành trì chống dịch cuối cùng

TS Lê Quốc Hùng đánh giá trong 14 ngày giãn cách xã hội, sự hợp tác của người dân là yếu tố quan trọng nhất và cần bảo vệ các bệnh viện - thành trì chống dịch cuối cùng.

14 ngay gian cach xa hoi anh 1

Sau 4 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, chính quyền TP.HCM đã có mệnh lệnh quyết liệt là thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15+.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết: "Đây là hành động quyết liệt, kịp thời trước ổ dịch nguy hiểm".

Trong 2 tuần tới, chuyên gia này nhận định sự hợp tác của người dân là quan trọng nhất. "Dù chính quyền thành phố, ngành y tế có biện pháp mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa, nhưng người dân không thực hiện thì các nỗ lực cũng không thể hiệu quả", ông nói.

"Sự hợp tác của người dân là quan trọng nhất"

- TPHCM quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15+. Quyết định này sẽ tác động thế nào đối với tình hình dịch hiện tại?

- Trước tình trạng số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng nhanh và mức độ dịch lan rộng, việc giãn cách xã hội là điều cần thiết. Sau 4 ngày ghi nhận ổ dịch, TP.HCM đã quyết định giãn cách xã hội theo theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ, tôi cho rằng đây là hành động hết quyết liệt, kịp thời trước ổ dịch nguy hiểm.

Khi chúng ta đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát, tuyên truyền thông điệp 5K nhưng không giải quyết được, thành phố buộc phải có hình thức quyết liệt hơn.

14 ngay gian cach xa hoi anh 2

Đường phố quận Gò Vấp thưa thớt người trước giờ giãn cách xã hội. Ảnh: Duy Hiệu.

Bên cạnh đó, chủng virus Ấn Độ có tốc độ lây lan quá nhanh, việc giãn cách xã hội bắt buộc, giãn cách theo từng cụm, từng khu vực là cần thiết. Tất nhiên, giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng đời sống, kinh tế nhưng chúng ta chấp nhận.

- Vậy trong giai đoạn này, yếu tố nào là quan trọng nhất góp phần vào sự thành công của công tác dập dịch?

- Sự hợp tác của người dân lúc này là quan trọng nhất. Dù chính quyền thành phố, ngành y tế có biện pháp mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa, nhưng người dân không thực hiện thì các nỗ lực cũng không thể hiệu quả. Thậm chí, nếu việc giãn cách lần này chưa đạt hiệu quả, thành phố bắt buộc phải có biện pháp quyết liệt hơn.

"Dù chính quyền thành phố, ngành y tế có biện pháp mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa, nhưng người dân không thực hiện thì các nỗ lực cũng không thể hiệu quả"

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng

Một vấn đề quan trọng nữa là chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng bệnh. Đây là biện pháp rất hữu hiệu và chủ động trong công cuộc phòng chống bệnh dịch. Bởi các biện pháp như chúng ta đã thực hiện từ trước tới nay rất có hiệu quả trong trường hợp số lượng bệnh nhân ít, diện hẹp, khả năng phát hiện F0 và truy vết F1, F2 dễ thực hiện trong thời gian ngắn.

Nhưng khi số lượng bệnh nhân tăng nhanh trên diện rộng, khả năng truy vết không kịp với tốc độ phát tán bệnh, hiệu quả của các biện pháp này suy giảm rất đáng kể.

Bệnh viện - thành trì chống dịch cuối cùng ở TP.HCM

- TP.HCM ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 khi đến khám tại bệnh viện. Ông đánh giá nguy cơ đối với các bệnh viện hiện tại ra sao và vai trò phát hiện ca mắc tại cơ sở y tế?

- Chúng ta cũng có thể tạm gọi TP.HCM khá may mắn khi rất nhiều ca mắc Covid-19 đến khám bệnh nhưng dịch không xâm nhập sâu vào bệnh viện.

Điều này là nhờ sự cảnh giác cao của nhân viên cơ sở y tế nhưng cũng có thấy một thực trạng rằng nếu người bệnh không khai báo trung thực, các cơ sở y tế tại TP.HCM, thậm chí cả các viện lớn, đầu ngành vẫn có nguy cơ bị phong tỏa.

14 ngay gian cach xa hoi anh 3

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm.

Hai vấn đề chúng ta cần lưu tâm, đó là một bộ phận không nhỏ người bệnh đến khám không khai báo y tế chính xác, trung thực. Thậm chí, có trường hợp cố tình lẩn tránh dù xuất hiện triệu chứng, nhân viên y tế phải chủ động mới phát hiện được.

Việc khai báo y tế không trung thực, không hợp tác sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho bệnh viện. Trong khi đó, đa số triệu chứng bệnh Covid-19 thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp thông thường. Nếu khai báo không trung thực, người mang mầm bệnh sẽ vô tình lọt vào cơ sở y tế.

"Một vài cá nhân không hợp tác, nếu khai báo không trung thực, khả năng các cơ sở y tế tại TP.HCM bị tạm đóng cửa là rất cao"

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng

Bài học thực tế từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng của đợt dịch trước cho chúng ta thấy rõ mối nguy cơ khi cơ sở y tế bị phong tỏa. Tôi lấy ví dụ như trường hợp một số bệnh viện lớn tại TP.HCM có dịch xâm nhập, người cần được cấp cứu, bệnh nhân nặng mất nơi điều trị. Lúc này, cơ hội sống của những bệnh nhân nặng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây chính là điều dễ nhận thấy nhất.

Ví dụ Bệnh viện Chợ Rẫy từ trước đến nay luôn có đội phản ứng nhanh, chi viện tuyến dưới hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng. Trường hợp bị phong tỏa, nhân viên y tế không thể ra ngoài, công tác hỗ trợ sẽ gián đoạn. Mặc dù hiện tại, các cơ sở y tế có hội chẩn từ xa, việc điều trị, theo dõi trực tiếp luôn mang lại hiệu quả tốt hơn.

Đó là lý do mà khi dịch càng bùng phát mạnh, người dân càng phải phối hợp cùng ngành y tế bảo vệ “thành trì chống dịch” cuối cùng. Trong thời điểm nhân viên y tế đang căng mình chống dịch, một vài cá nhân không hợp tác, nếu khai báo không trung thực, khả năng các cơ sở y tế tại TP.HCM phải đóng cửa là rất cao.

- Dịch Covid-19 đang có xu hướng lan xuống các tỉnh phía Nam, trong khi tình hình Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội chưa được kiểm soát. Ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của đợt dịch thứ 4 này?

- Đầu tiên, chúng ta có thể khẳng định đây là đợt bùng phát dịch lan rộng nhất, số ca mắc tăng mạnh nhất, các ổ dịch rất nguy hiểm, nghiêm trọng và diễn tiến phức tạp. Thậm chí, sự bùng phát càng lúc càng lan rộng vượt ra khởi sự cố gắng kiểm soát của chúng ta.

Hiện tại, dịch đang có xu hướng lan xuống các tỉnh phía Nam, mỗi ngày số lượng ca mắc tăng dần. Trong đó, tại TP.HCM, các ổ dịch xuất hiện đợt sau lại có mức độ nguy hiểm hơn nhiều ổ dịch trước đó.

14 ngay gian cach xa hoi anh 4

Trong thời gian thành phố giãn cách xã hội, người dân có vai trò chủ chốt trong việc góp phần thành công của công tác dập dịch. Ảnh: Duy Hiệu.

- Ông nhấn mạnh vai trò của người dân trong 2 tuần này. Vậy trong thời gian giãn cách, người dân nên làm gì để góp phần cùng thành phố dập dịch?

- Ai cũng có thể đã, đang hay sẽ là F0, F1. Do đó, chúng ta nên thực hiện 5K từ ngay trong gia đình. Mỗi người sáng tạo một cách phù hợp nhất cho thực tế sinh hoạt của mình.

Đầu tiên, người dân cần tuyệt đối trung thực khi khai báo y tế, chủ động liên hệ nhân viên y tế nếu có triệu chứng bất thường. Việc khai báo sớm, nhân viên y tế cô lập người có triệu chứng, dịch tễ thì việc khoanh vùng càng nhanh chóng.

"Ai cũng có thể đã, đang hay sẽ là F0, F1. Do đó, chúng ta nên thực hiện 5K từ ngay trong gia đình"

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng

Giãn cách xã hội làm làm chậm đi sự phát tán dịch bệnh. Do đó, người nào cần thiết đi ra ngoài thì cố gắng tuân thủ 5K tuyệt đối và khi trở về nên xịt họng sát khuẩn, rửa tay trước khi vào nhà, sau cùng nên đi tắm rửa ngay khi về.

Người dân khi đi mua sắm đồ thời điểm này cũng nên thay đổi thói quen, ví dụ như chọn hàng bằng mắt thay vì bằng tay, tránh tiếp xúc mọi đồ vật nếu không cần thiết. Mang theo chai rửa tay nhanh để rửa tay ngay sau khi đụng chạm hay chọn món đồ nào đó.

- Tình hình dịch tại thành phố có thể chuyển biến như thế nào sau 2 tuần giãn cách xã hội?

- Điều này rất khó để dự đoán. Trước mắt, chúng ta cần thực hiện thần tốc các giải pháp khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm tầm soát diện rộng tại khu vực nguy cơ.

Trong vòng 14 ngày, chúng ta căn cứ vào số lượng người được lấy mẫu, xem xét kết quả xét nghiệm, số lượng ổ dịch được khoanh vùng, lúc đó mới đánh giá được chuyển biến của dịch.

Nếu trong khoảng sau 10 ngày, số ca mắc giảm xuống, lượng người dân được sàng lọc nhiều, lúc này chúng ta có thể lạc quan tiên lượng tốt. Ngược lại, số ca mắc không có dấu hiệu giảm, bắt buộc chúng ta có hành động quyết liệt hơn.

Hơn 150.000 người tại TP.HCM liên quan hai ổ dịch Covid-19

Số lượng F1 và F2 của các bệnh nhân liên quan nhóm tôn giáo có địa chỉ sinh hoạt tại quận Gò Vấp (TP.HCM) tiếp tục tăng nhanh.

Quận 1, Bình Thạnh có thêm ca nghi nhiễm nCoV

Trường hợp ở quận 1 là mẹ của một bệnh nhân tại Tân Phú (TP.HCM). Các ca nghi nhiễm trú tại quận Bình Thạnh đều liên quan ổ dịch nhóm tôn giáo.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm