Người dân thủ đô New Delhi (Ấn Độ) và vùng phụ cận đã quá quen với cảnh ô nhiễm không khí do nông dân đốt rơm rạ. Ảnh: India Today. |
Kể từ cuối tháng 10, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã bị bao phủ bởi một lớp khói dày độc hại. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của thành phố thường xuyên dao động giữa mức “rất xấu” và “báo động”. Một số người dân đã ví von thành phố này như một “phòng hơi ngạt”.
Một khảo sát được thực hiện cuối tuần trước bởi nền tảng mạng xã hội cộng đồng LocalCircles cho thấy khoảng bốn trong năm hộ gia đình ở Delhi và vùng phụ cận có người gặp phải các triệu chứng liên quan đến ô nhiễm như đau họng, ho, đau mặt hay khó thở.
Khảo sát trên cũng cho thấy 18% gia đình có người phải tới bệnh viện hoặc gặp bác sĩ thăm khám. 13% số người được hỏi nói rằng họ đang không ở thành phố. “Để tránh tác động của ô nhiễm trầm trọng, một số người đã tạm thời rời khỏi vùng thủ đô. Đa số người ở lại đều đang phải chịu đựng”, báo cáo của LocalCircles chỉ ra.
Vấn nạn ô nhiễm không khí không phải là điều mới mẻ tại New Delhi. Tình trạng này thường trầm trọng thêm vào tháng 10 và tháng 11, khi nông dân ở các bang Punjab và Haryana gần đó đốt rơm rạ để chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Khói bụi từ các bang này, cộng với các nguồn ô nhiễm khác như công nghiệp và phương tiện, lơ lửng trên đầu hàng triệu cư dân khi gió chỉ thổi nhẹ và nhiệt độ bắt đầu hạ thấp.
"Căn bệnh kinh niên"
Trong bốn năm liền, Delhi đã dẫn đầu danh sách các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới của IQAir. Theo báo cáo hồi tháng 3, mật độ bụi PM2.5 trung bình năm của thành phố này là 85 microgram/m3, hơn gấp đôi con số 34,4 microgram/m3 của Bắc Kinh (Trung Quốc).
Trong khi người dân thành phố đã quá quen với khói bụi, một cuộc tranh cãi đang nổ ra giữa đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền ở chính quyền trung ương và đảng Aam Aadmi (AAP) cầm quyền tại Delhi và Punjab.
“Tính đến hôm nay, Punjab, bang có chính phủ của đảng AAP, ghi nhận số vụ đốt đồng tăng 19% so với năm 2021”, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Bhupender Yadav viết trên Twitter hôm 2/11. “Không còn nghi ngờ về việc ai đã biến Delhi thành một phòng hơi ngạt”.
Đốt rơm rạ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ô nhiễm ở Delhi. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, ông Arvind Kejriwal - Thủ hiến Delhi kiêm lãnh đạo đảng AAP - tuyên bố ô nhiễm không phải là vấn đề của riêng thành phố này, mà của cả miền Bắc Ấn Độ.
“Chính quyền trung ương nên có các biện pháp cụ thể để giúp cả miền Bắc Ấn Độ tránh khỏi ô nhiễm không khí”, ông Kejriwal nói.
Theo giới chuyên gia, lỗi thuộc về cả hai phía.
Ông Sunil Dahiya, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), nhận định cả chính quyền trung ương và địa phương đều đã thất bại trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, trong khi đổ lỗi cho nhau không phải giải pháp.
Thay vào đó, ông Dahiya cho rằng giới chức Ấn Độ cần có những nỗ lực giảm nhẹ ô nhiễm trong suốt cả năm - từ thay đổi thói quen của nông dân tới cắt giảm ô nhiễm từ những nguồn khác như giao thông hay năng lượng.
“Chúng ta không nên chỉ nhận ra vài ngày trước khi mùa (ô nhiễm tới) và cố kiểm soát mọi thứ”, ông nói.
Đi tìm giải pháp
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Ấn Độ trong năm 2019, New York Times dẫn số liệu chính thức của New Delhi. Trong số đó, người nghèo phải chịu tác động lớn hơn cả.
Giới chức Ấn Độ đã có một số dự án để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng hoặc có các biện pháp xử lý đồng ruộng sau thu hoạch thân thiện với môi trường hơn. Dù vậy, chúng vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.
Theo ông Dahiya, nông dân Ấn Độ nên được giúp đỡ để đa dạng hóa cây trồng, hướng đến cây ăn trái hay rau màu - vốn ít đòi hỏi xử lý ruộng sau thu hoạch hơn. “Để giảm tình trạng đốt rơm rạ vào năm sau, cần phải tương tác với nông dân từ hôm nay”, ông nói.
Dù vậy, ông cho rằng giới chức Ấn Độ “thiếu ý chí chính trị” để giải quyết vấn đề này. “Cử tri không bỏ phiếu dựa trên các vấn đề như ô nhiễm không khí, mà dựa trên đẳng cấp, tín điều và tôn giáo. Đây là nguyên nhân các chính trị gia vẫn né tránh được vấn đề này”, vị chuyên gia chỉ ra.
Khói bụi bao trùm Delhi, hôm 4/11. Ảnh: AP. |
Ấn Độ cũng đã kêu gọi các nước giàu thực hiện lời hứa viện trợ 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu - vốn chưa được hoàn thành, dù đã quá thời hạn năm 2020.
“Trong khi số tiền cam kết cần được hiện thực hóa sớm nhất có thể, con số này cũng cần được nâng lên một cách bền vững”, chính phủ Ấn Độ ra tuyên bố trước thềm hội nghị COP27 năm nay, theo NDTV.
Trong khi đó, cuộc sống của người dân New Delhi đang bị gián đoạn - giữa lúc chính quyền địa phương liên tục thay đổi khuyến cáo ứng phó với ô nhiễm.
Giới chức thành phố hôm 7/11 thu hồi lệnh đóng cửa trường tiểu học sau - vốn chỉ được ban hành ba ngày trước đó - sau khi chất lượng không khí tốt lên chút ít. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng động thái này có thể là quá sớm, khi chỉ số AQI có thể tăng trở lại.
“Đây là phản ứng máy móc và nên tránh”, nhà môi trường học Vimlendu Jha nói với hãng thông tấn PTI.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.