Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Ai dễ bị stress nhất?

Stress không đơn thuần là cảm giác mệt mỏi. Đó là phản ứng sinh tồn của cơ thể trước áp lực, có thể "ăn mòn" sức khỏe thể chất lẫn tinh thần nếu không được nhận diện kịp thời.

Stress không phải lúc nào cũng xấu. Ảnh: Freepik.

Stress là phản ứng căng thẳng cả về cảm xúc lẫn thể chất khi cơ thể phải đối mặt với áp lực từ bên trong hoặc bên ngoài. Stress không phải lúc nào cũng xấu.

Nếu được kiểm soát ở mức độ phù hợp, nó có thể trở thành động lực giúp chúng ta hoàn thành công việc hiệu quả hơn, hoàn thiện bản thân và thích nghi với cuộc sống. Chỉ khi stress vượt quá ngưỡng chịu đựng, nó mới thực sự gây hại cho sức khỏe.

Dấu hiệu "báo động đỏ"

TS.BS. Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nhận biết dấu hiệu "báo động đỏ" của stress rất quan trọng, vì biểu hiện có thể khác nhau ở từng lứa tuổi.

Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường gặp tình trạng rối loạn giấc ngủ, ăn uống kém, dễ giật mình, chậm nói hoặc có hành vi hung hăng. Trẻ từ 3 đến 6 tuổi có thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, tức ngực, giảm khả năng tập trung và dễ cáu gắt.

Ai de bi stress anh 1

Nhận biết dấu hiệu "báo động đỏ" của stress rất quan trọng, vì biểu hiện có thể khác nhau ở từng lứa tuổi. Ảnh: Freepik.

Với người trưởng thành, stress thường biểu hiện bằng tình trạng mất ngủ, tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa, lo âu không rõ nguyên nhân, thậm chí giảm hứng thú tình dục. Ở người cao tuổi, stress kéo dài có thể khiến họ mệt mỏi triền miên, tiểu đêm nhiều, thậm chí trầm cảm sau nghỉ hưu hoặc khi mất người thân.

Một số nhóm dễ bị stress hơn, như phụ nữ có nguy cơ mắc stress cao gấp 2,7 lần nam giới. Những người trong độ tuổi từ 21 đến 40 hoặc có trình độ học vấn cao cũng thường chịu áp lực lớn. Bên cạnh đó, tiền sử rối loạn tâm thần, thiếu kỹ năng ứng phó hoặc ít nhận được hỗ trợ xã hội là những yếu tố làm tăng nguy cơ căng thẳng.

Điều quan trọng là cần phân biệt stress thông thường với stress đã trở thành bệnh lý. Theo tiến sĩ Tâm, nếu stress kéo dài trên 2 tuần kèm theo các dấu hiệu như hoảng loạn, mất ngủ triền miên hay xuất hiện suy nghĩ tự hại, người bệnh cần được can thiệp y tế ngay lập tức.

Vì sao có người "dễ" stress hơn người khác?

"Mỗi người có thể phản ứng khác nhau trước cùng một tác nhân gây stress, điều này phụ thuộc vào cách họ tiếp nhận và xử lý sự kiện đó. Việc hiểu rõ nguồn gốc stress sẽ giúp bạn ngăn chặn nó trước khi nó chi phối cuộc sống của mình", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Stress có thể xuất phát từ những yếu tố bên trong như bệnh tật, lo lắng về tương lai hoặc những áp lực bên ngoài như công việc, tiếng ồn, xung đột gia đình. Ví dụ, cùng một hạn chót công việc, người biết quản lý thời gian sẽ coi đó là động lực, trong khi người không có kỹ năng này lại cảm thấy căng thẳng.

TS.BS. Dương Minh Tâm cho hay stress tồn tại dưới hai dạng chính:

  • Stress cấp tính: Stress cấp tính là phản ứng tức thời kéo dài vài giờ đến vài ngày, thường xảy ra khi gặp các tình huống bất ngờ như mất việc, tai nạn hay thi cử. Lúc này, cơ thể có thể xuất hiện các triệu chứng như tim đập nhanh, vã mồ hôi, bồn chồn hoặc hoảng loạn. Nếu stress cấp tính lặp lại thường xuyên mà không được giải tỏa, nó dễ tiến triển thành stress mạn tính.
  • Stress mạn tính: Ở dạng này, căng thẳng âm ỉ kéo dài hàng tháng, thậm chí nhiều năm, thường do những áp lực lâu dài như nợ nần, hôn nhân tan vỡ hay bệnh tật. Stress mạn tính làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ trầm cảm và bệnh tim mạch. Nhiều người còn không nhận ra mình đang bị stress vì đã quen với tình trạng này.

Những nguyên nhân gây stress phổ biến có thể đến từ thể chất (bệnh tật, mất ngủ, lạm dụng rượu bia), yếu tố tâm lý (mặc cảm, lo âu, sợ thất bại), yếu tố xã hội (ly hôn, mất việc, cô lập cộng đồng) và cả khủng hoảng ý nghĩa cuộc sống, đặc biệt ở người trẻ.

Một lý do giải thích vì sao có người dễ stress hơn người khác nằm ở lối sống và tính cách. TS Tâm cho biết người hướng ngoại, năng động thường có mức interleukin 6 (chất gây viêm do stress) thấp hơn tới 30% so với người hướng nội. Điều này chứng minh việc tích cực tham gia hoạt động xã hội chính là vaccine tự nhiên để chống lại stress.

Ai de bi stress anh 2

Mỗi người có thể phản ứng khác nhau trước cùng một tác nhân gây stress, điều này phụ thuộc vào cách họ tiếp nhận và xử lý sự kiện đó. Ảnh: Freepik.

Phòng ngừa stress

Phòng ngừa stress không có nghĩa là trốn tránh áp lực mà thay đổi cách bạn đối diện với chúng. Với 47% người Mỹ báo cáo gia tăng căng thẳng trong năm qua (theo NCS-R), những giải pháp khoa học dưới đây sẽ giúp bạn tái lập "trạng thái cân bằng" cho cơ thể và tâm trí.

"80% phản ứng stress xuất phát từ cách chúng ta nhìn nhận sự việc. Việc thay đổi góc nhìn rất quan trọng. Thay vì nghĩ rằng thất bại sẽ hủy hoại sự nghiệp, hãy tự hỏi bản thân đã học được gì từ trải nghiệm đó", TS.BS Minh Tâm nói.

Một bài tập đơn giản để rèn luyện thói quen này là ghi lại 3 tình huống khiến bạn căng thẳng trong tuần, sau đó viết ra cách diễn giải tiêu cực và cách diễn giải tích cực cho mỗi tình huống, rồi đọc to cách tích cực đó mỗi sáng.

Bên cạnh đó, một số cách "cắt đứt" stress nhanh chóng gồm tập kỹ thuật thở 4-7-8 (hít vào 4 giây, nín thở 7 giây, thở ra 8 giây), tạm thời tắt điện thoại 15 phút để ngắt kết nối với các yếu tố gây xao nhãng, hoặc chườm lạnh sau gáy để kích hoạt dây thần kinh phế vị, giúp làm chậm nhịp tim.

Về lâu dài, bạn nên tăng cường kết nối xã hội vì những người có ít nhất 3 mối quan hệ thân thiết sẽ giảm 50% nguy cơ trầm cảm. Mỗi ngày, hãy dành ra khoảng 30 phút cho các hoạt động không đặt nặng mục tiêu như nghe nhạc hay ngắm mây trôi. Bổ sung thực phẩm giàu magie như chuối, hạnh nhân và thực phẩm chứa omega-3 như cá hồi cũng rất có lợi cho hệ thần kinh.

Cuối cùng, nếu bạn xuất hiện ý nghĩ tự hại hoặc hành vi bạo lực, mất ngủ kéo dài trên hai tuần hoặc stress ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và công việc, đừng ngần ngại tìm đến chuyên gia để được hỗ trợ kịp thời.

Dưỡng gan để dưỡng nhan

Da chỉ nhẵn mịn và căng bóng khi gan thải độc tốt. Mắt chỉ sáng trong khi lá gan được bồi bổ đúng cách. Có thể nói dưỡng gan chính là chìa khóa để dưỡng nhan. Cuốn sách Dưỡng gan để dưỡng nhan của bác sĩ - dược sĩ Thẩm Ninh là lời nhắc nhở đến phụ nữ hãy hình thành ý thức dưỡng gan.

Nguy cơ tử vong từ giấc ngủ trưa

Một nghiên cứu mới đây cho thấy thời điểm và cách ngủ trưa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài, bao gồm cả nguy cơ tử vong cao hơn.

Điều kỳ diệu từ ly cà phê buổi sáng

Nếu bạn là người thường bắt đầu ngày mới bằng một ly cà phê để tỉnh táo hơn, tin vui là thói quen này có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Mối nguy từ những vết trầy nhỏ

Viêm mô bào thuộc nhóm bệnh lý viêm da mủ, có thể đe dọa đến tính mạng. Nếu có các triệu chứng nhiễm trùng trên da, bệnh nhân cần được thăm khám kịp thời.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm