Phụ nữ mang thai: Đánh giá năm 2020 trên tạp chí British Journal of Medicine kết luận không có mức tiêu thụ caffeine an toàn trong thai kỳ. Ngoài ra, caffeine có thể kìm hãm sự phát triển của thai nhi, khiến trẻ nhẹ cân hơn bình thường, thậm chí gây sẩy thai, sinh non. Do đó, phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ loại đồ uống này. Ảnh: Buzz. |
Đang cho con bú: Theo Eat This, vì caffeine là chất kích thích và lợi tiểu, phụ nữ đang cho con bú có nguy cơ cao bị mất nước nếu uống cà phê. Bên cạnh đó, trẻ có chức năng chuyển hóa và bài tiết của thận yếu, nếu bú sữa mẹ chứa caffeine có thể bồn chồn, dễ gắt, khó ngủ. Ảnh: Raisingchildren. |
Người mắc bệnh tim: Caffeine trong cà phê có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim tạm thời, gây rối loạn hoạt động của tim mạch. Vì vậy, những người có vấn đề về bệnh tim nếu uống nhiều cà phê sẽ khiến bệnh nặng hơn, khó kiểm soát. Ảnh: Thestar. |
Người bị đau dạ dày: Axit trong cà phê có thể gây kích ứng dạ dày và niêm mạc ruột non. Đặc biệt, uống cà phê khi đói dễ kích thích dạ dày tăng tiết axit. Đặc tính lợi tiểu của cà phê cũng khiến bạn phải đi vệ sinh nhiều lần, càng gây mất nước, không có lợi cho người bị đau dạ dày. Ảnh: Aarp. |
Bị rối loạn giấc ngủ: Theo Medical News Today, nhiều người có thói quen uống cà phê sau một đêm không ngon giấc để tỉnh táo. Tuy nhiên, điều này lại càng khiến chu kỳ ngủ rối loạn hơn. Những người này nên tránh hấp thụ caffeine ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ để tránh ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ. Thay vào đó, họ nên chuyển sang uống các loại trà thảo dược giúp ngủ sâu hơn. Ảnh: Urdupoint. |
Người hay căng thẳng: Vì là chất kích thích, caffeine có thể làm trầm trọng thêm sự lo lắng ở một số người. Nếu thường xuyên căng thẳng, hoảng sợ, bạn nên cân nhắc việc tránh hoặc giảm lượng cà phê. Ảnh: Timesmagazine. |
Bị tiêu chảy: Có đặc tính lợi tiểu, dễ gây mất nước, caffeine trong cà phê không tốt cho người bị tiêu chảy. Nó cũng kích thích nhu động ruột, làm trầm trọng hơn tình trạng này. Ảnh: Indiatimes. |
Trẻ em dưới 12 tuổi: Caffeine có thể gây bồn chồn, lo lắng, đặc biệt trầm trọng hơn ở trẻ em. Hấp thụ quá nhiều caffeine có thể khiến trẻ bị tăng nhịp tim, lo lắng, khó tập trung và đau bụng. Ngoài ra, cà phê có tính axit khá cao, do đó có thể làm hỏng men răng và tăng nguy cơ sâu răng. Ảnh: Eater. |
Bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Caffeine có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới. Đây là van giữa thực quản và dạ dày, thường ngăn không cho thức ăn và axit trong dạ dày trào ngược. Vì vậy, nếu cơ vòng này bị giãn ra, axit trong dạ dày có thể xâm nhập vào thực quản, dẫn đến các triệu chứng GERD khó chịu. Ảnh: Mayoclinic. |