Vị chua chữa bệnh
Nhót là loại qủa mọc nhiều ở miền Bắc vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Quả chín có màu đỏ tươi, vị chua, hơi chát.
Theo các chuyên gia, nhót tương đối lành và dễ phát triển, sai quả nên không cần lo ngại về các chất bảo quản, thuốc trừ sâu. Vị chua của loại quả này được rất nhiều chị em yêu thích, đặc biệt là phụ nữ đang trong giai đoạn thai nghén.
Bên cạnh đó, theo BS Phó Thuần Hương (Bệnh biện Y học cổ truyền Trung ương), các bộ phận của cây nhót từ lá đến rễ còn được dùng để chữa bệnh rất hiệu quả. Cụ thể, lá nhót có thể dùng tươi hay sấy khô chữa lỵ, cảm sốt, hen suyễn, nhiều đờm. Quả chữa lỵ, ỉa chảy. Hạt có tác dụng sát trùng, trị giun sán. Rễ nấu nước tắm chữa mụn nhọt.
Theo các chuyên gia, quả nhót càng chín, bụi phấn bám đậu bên ngoài càng mỏng và dễ chà. Khi ăn nếu không muốn bóc vỏ, bạn nên cạo sạch lớp bụi phấn tránh gây đau họng.
Ngoài ra, do nhót có vị chua, chát, bạn không được ăn khi đói, tránh gây kích ứng dạ dày. Sau bữa cơm từ 1h đến 1h30 phút, bạn có thể dùng loại quả này.
Ai không nên ăn?
Theo một bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ đang còn quá non nớt có thể chưa thích nghi được với vị chua của nhót. Do đó, loại quả này không phù hợp với bé dưới một tuổi, những trẻ lớn hơn cũng cần hạn chế.
Ngoài ra người bị đau hoặc viêm loét dạ dày cần thận trọng khi ăn nhót. Tính axit cao của loại quả này có thể làm tăng các cơn đau khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Những người bị hội chứng ruột kích thích (bị táo bón xen lẫn với tiêu chảy, đau bụng, đầy bụng, trướng hơi,...) cũng nên kiêng nhót.
Một số bài thuốc từ nhót
Ho: nhót xanh 10 quả, trần bì 10 g, quất 10 quả. Ba vị thuốc trên sắc uống ngày một thang chia 3 lần.
Hen phế quản: hoa cúc bách nhật 6 g, tỳ bà diệp 6 g, quả nhót 10 g. Các vị thuốc cho vào sắc với 400 ml nước, đun còn khoảng 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống liền 5-7 ngày.
Hen suyễn: lá nhót sao vàng tán mịn. Mỗi lần uống 4 g, ngày 2 lần sáng, tối liên tục 2 tuần. Hòa vào nước cơm nóng để uống.
Ho ra máu: lá nhót tươi 24 g, đường kính 15 g. Dùng nước sôi hãm như hãm trà. Ngày uống 2 lần sau bữa ăn.
Viêm xoang: dùng hoa nhót và búp cây đa lông liều lượng bằng nhau, tán nhỏ, uống mỗi lần 8 g, ngày uống 2 lần với rượu nhạt (nồng độ thấp).
Tiêu chảy: quả nhót xanh 10 quả, rễ cây nhót 4 g, rễ cây mơ 2 g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần.
Kiết lỵ mạn tính: nhót chín 7 quả, lá mơ lông 25 g, lá khổ sâm 10 g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, uống liên tục trong vòng một tuần đến 10 ngày.
Gan lách sưng đau (ứ đờm kết và trở ngại đến việc lưu thông huyết mạch): hạt nhót giã nhỏ 10 g, nghệ đen 8 g. Sắc nước uống.
Phong thấp, đau nhức khớp: rễ cây nhót 120 g, hoàng tửu 60 g, chân giò lợn 50 g, đổ nước vào hầm. Ăn thịt uống nước. Có thể lấy rễ nhót ngâm rượu uống vào bữa cơm một chén con 20-25 ml.
(Theo BS Phó Thuần Phương)