Trong một năm có đến ¾ số lượng phim ra rạp gặp thất bại nặng nề về doanh thu và khiến nền điện ảnh Việt đứng trước nguy cơ suy thoái, những gương mặt hay sự kiện dưới đây đáng được coi là những điểm sáng đáng trân trọng.
Liên Bỉnh Phát
Từ một gương mặt vô danh không ai biết tới, Liên Bỉnh Phát nhanh chóng trở thành cái tên được chú ý đặc biệt khi bộ phim Song lang ra mắt. Dù bộ phim không thành công về doanh thu như mong đợi, nhưng tác phẩm nghệ thuật mang nhiều dấu ấn cá nhân của đạo diễn Leon Quang Lê này có công khi phát hiện ra một gương mặt nam chính hiếm hoi trong một nền điện ảnh vốn luôn “âm thịnh dương suy”.
Liên Bỉnh Phát và bạn diễn Isaac trong Song lang. |
Liên Bỉnh Phát vào vai Dũng thiên lôi, một gã đòi nợ thuê “máu lạnh”, chỉ đâu đánh đó. Vẻ bề ngoài bặm trợn và đôi lúc vô cảm của Dũng thiên lôi thực chất chỉ là vỏ bọc để che giấu một trái tim nhiều tổn thương.
Cuộc gặp gỡ tình cờ với Linh Phụng (Isaac), một kép hát cải lương đã đánh thức những thiên lương cũng như tình yêu với bộ môn nghệ thuật truyền thống này của Dũng…
Liên Bỉnh Phát thực sự thành công với lối diễn xuất chân thực, tiết chế, đặc biệt là cách biểu cảm bằng mắt rất tinh tế.
Tỏa sáng chỉ sau một bộ phim đầu tay, với cá nhân người viết, Liên Bỉnh Phát là một “hiện tượng” xứng đáng được so sánh với Tạ Ngọc Bảo trong Thương nhớ đồng quê (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Lê Thế Lữ trong Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh).
Tại LHP quốc tế Tokyo 2018, nơi Song Lang được đề cử tại hạng mục chính thức Asian Future (Tương lai châu Á), Liên Bỉnh Phát đã đoạt giải Viên ngọc quý Tokyo (Tokyo Gemstone Award) dành cho diễn viên mới xuất sắc nhất.
Liên Bỉnh Phát vừa hoàn thành xong vai diễn tiếp theo trong bộ phim Ngôi nhà bươm bướm của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, bên cạnh những gương mặt kỳ cựu như diễn viên Thành Lộc, Quang Minh, Hồng Đào.
Thanh Tú
Thanh Tú được biết đến là con gái của nữ diễn viên Kiều Trinh, một nữ diễn viên tay ngang tình cờ bước vào điện ảnh và gây ấn tượng với hai bộ phim nghệ thuật Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di.
Thường theo chân mẹ đến trường quay, Thanh Tú bắt đầu được các đạo diễn chú ý khi thừa hưởng vẻ đẹp và lối diễn xuất bản năng của mẹ. Cách đây 5 năm, lúc mới 16 tuổi, Thanh Tú gây bất ngờ khi được đạo diễn Lê Văn Kiệt chọn đóng vai chính trong bộ phim Dịu dàng, chuyển thể từ truyện ngắn của văn hào Nga Dostoievski.
Đó là một nhân vật có thế giới nội tâm phức tạp và quá sức đối với một cô gái 16 tuổi, nhưng Thanh Tú đã thể hiện gần như trọn vẹn nhân vật này bên cạnh nam diễn viên kỳ cựu Dustin Nguyễn.
Diễn viên trẻ Thanh Tú. |
Và năm 2018 này, Thanh Tú trở thành “hiện tượng vai phụ” khi đóng tới 4 vai phụ trong 4 bộ phim: Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Song lang của Leon Quang Lê, Dream man – Lời kết bạn chết chóc của Roland Nguyễn và Người bất tử của Victor Vũ.
Như một tắc kè hoa với lối diễn xuất biến hóa, từ phản diện tới chính diện, Thanh Tú dần dần đã thoát khỏi lối diễn xuất bản năng để trở thành một nữ diễn viên chuyên nghiệp thực sự. Một số vai diễn phụ trong Người bất tử hay Lời kết bạn chết chóc của Thanh Tú thậm chí còn lấn át cả các vai diễn chính.
Ở tuổi 21, Thanh Tú đã thoát khỏi cái bóng “con gái của Kiều Trinh” để trở thành một nữ diễn viên thực lực hiếm hoi của điện ảnh Việt. Và với khả năng lẫn nhan sắc đó, Thanh Tú hoàn toàn xứng đáng với một vai diễn lớn trên màn ảnh.
Đạo diễn Leon Quang Lê cũng đánh giá cao diễn xuất của Thanh Tú và cho biết anh mong muốn viết kịch bản một bộ phim với diễn xuất của Liên Bỉnh Phát và Thanh Tú.
Phương Anh Đào
Từ một diễn viên chuyên đóng MV hay các sitcom truyền hình, Phương Anh Đào đang trên đà để trở thành một nữ diễn viên chính trong các dự án điện ảnh lớn.
Chỉ trong 3 tháng hè, cô gái xuất thân từ Cà Mau này đã liên tục xuất hiện trong ba bộ phim: Nhắm mắt thấy mùa hè, Em gái mưa và Chàng vợ của em.
Phương Anh Đào trong phim Nhắm mắt thấy mùa hè. |
Trong Nhắm mắt thấy mùa hè của nữ đạo diễn Cao Thúy Nhi, Phương Anh Đào đóng vai Hạ, cô gái Việt một mình đến thành phố Higashikawa của vùng Hokkaido, Nhật Bản để tìm cha.
Chuyến hành trình đó đã giúp cô gặp chàng trai Nhật Bản Akira (Takafumi Akutsu) và giữa họ nãy sinh một mối quan hệ đặc biệt. Cho dù cảm xúc mà bộ phim mang lại chưa thực sự đầy đặn cũng như tâm lý nhân vật của các nhân vật thiếu thuyết phục, Hạ của Phương Anh Đào vẫn là một điểm sáng trong bộ phim độc lập này nhờ vẻ đẹp tươi sáng của cô. Vai diễn này cũng giúp cô đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP Quốc tế Hà Nội 2018.
Trong Chàng vợ của em, bộ phim lãng mạn hài của đạo diễn Charlie Nguyễn; Phương Anh Đào tái xuất với một hình mẫu nhân vật khác hẳn và phần nào đó phù hợp với diễn xuất của cô hơn.
Phương Anh Đào diễn xuất khá ăn ý với đàn anh Thái Hòa để mang lại cho bộ phim những khoảnh khắc vừa hài hước vừa cảm động. Chàng vợ của em trở thành một trong năm bộ phim Việt Nam thành công nhất tại phòng vé năm nay.
Đạo diễn/diễn viên Hồng Ánh
Hồng Ánh là nữ diễn viên dòng phim nghệ thuật của nhà nước từ thập niên 90, gắn liền tên tuổi với các vai diễn trong bộ phim tiêu biểu nhất của giai đoạn này như Đời cát, Người đàn bà mộng du, Trái tim bé bỏng (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), Thung lũng hoang vắng, Tâm hồn mẹ (Nhuệ Giang), Chung cư (Việt Linh), Hải Nguyệt (Trần Mỹ Hà), Trăng nơi đáy giếng (Nguyễn Vinh Sơn)…
Các nhân vật của Hồng Ánh trên màn ảnh giai đoạn này khá đa dạng, từ những hình mẫu nhân vật chịu nhiều đau thương mất mát từ di chứng chiến tranh, những người phụ nữ bản năng mạnh mẽ hoặc bị trói chặt trong vòng cương tỏa của lễ giáo trong một xã hội nam trị.
Đây cũng là giai đoạn thăng hoa trong diễn xuất và giúp Hồng Ánh đoạt những giải thưởng quan trọng về diễn xuất trong nước cũng như tại một vài LHP quốc tế.
Hồng Ánh trong Tháng năm rực rỡ năm 2018. |
Trong vòng vài năm trở lại đây, cô là nữ diễn viên hiếm hoi thoát ra từ dòng phim nhà nước, trở thành nhà sản xuất, đạo diễn và tiếp tục đóng một số phim thương mại thành công như Em là bà nội của anh (Phan Gia Nhật Linh), Tháng năm rực rỡ (Nguyễn Quang Dũng).
Năm nay, bên cạnh thành công trong Tháng năm rực rỡ, một trong năm bộ phim có doanh thu cao nhất của năm. Đảo của dân ngụ cư, bộ phim đầu tay với vai trò đạo diễn của Hồng Ánh từ năm 2017 tiếp tục chu du qua nhiều LHP quốc tế trong năm 2018.
Và tại LHP quốc tế Efebo d'Oro diễn ra tại thành phố Palermo, Italia vào tháng 11 vừa qua, Đảo của dân ngụ cư bất ngờ chiến thành với giải quan trọng nhất: Best Film Based On A Book (Phim hay nhất được chuyển thể từ văn chương). Đây là lần đầu tiên một bộ phim đến từ châu Á đoạt giải cao nhất tại LHP quốc tế này.
Đạo diễn Leon Quang Lê
Leon Quang Lê là một vũ công, ca sĩ, diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp tại sân khấu Broadway (New York, Mỹ). Anh còn là một nhiếp ảnh gia thời trang và nhà làm phim tự học bằng niềm đam mê của mình.
Hai bộ phim ngắn Dawn và Talking to My Mother do Leon Quang Lê viết kịch bản, đạo diễn, dựng phim tại Mỹ đã từng được chọn tham gia hơn 50 liên hoan phim ngắn trên thế giới và đoạt một số giải thưởng quan trọng như Phim ngắn hay nhất, Đạo diễn xuất sắc, Dàn diễn viên xuất sắc, Dựng phim xuất sắc...
Leon Quang Lê. |
Hai năm gần đây, Leon đã từ bỏ cuộc sống nghệ thuật sôi động ở New York để trở về Việt Nam cho dự án phim truyện dài đầu tay mà anh bỏ rất nhiều công sức để theo đuổi tới cùng.
Lấy cảm hứng từ bộ môn nghệ thuật cải lương của thập niên 80, Song lang thực chất là câu chuyện mà đạo diễn thừa nhận là truyền cảm hứng cho anh nhiều nhất trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật: mối quan hệ giữa con người.
Bộ phim được Ngô Thanh Vân sản xuất, ra mắt khán giả vào tháng 8 năm nay và nhận được những phản hồi tích cực của báo chí và giới chuyên môn. Cho dù bộ phim không thành công tại phòng vé, Song lang vẫn xứng đáng là một điểm sáng của điện ảnh Việt năm nay.
Cầu kỳ, duy mĩ trong tạo dựng bối cảnh và cầu toàn trong chỉ đạo diễn xuất, Song lang mang đến một làn gió mới cho điện ảnh Việt năm nay. Và tất nhiên, không thể không kể tên người sáng tạo ra bộ phim này trong số những điểm sáng của điện ảnh Việt năm nay.
Đạo diễn/nhà sản xuất Lý Hải
Trong số những bộ phim Việt thành công về doanh thu năm nay, Lật mặt 3 của nhà sản xuất, đạo diễn Lý Hải vẫn đáng để nói hơn cả.
Đơn giản, nếu các bộ phim khác thành công nhờ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì Lật mặt 3 của Lý Hải là một “case study” mang dấu ấn Việt rõ nét. Bộ phim này là sản phẩm “thuần Việt” và thành công của Lý Hải với loạt phim này cho thấy anh dám “một mình một chợ”, đi đến tận cùng phong cách làm phim bình dân và không đụng hàng của mình.
Điều này lý giải tại sao Lật mặt 3 đụng độ với bom tấn Hollywood lớn nhất của năm là Avengers: Infinity War vào dịp nghỉ lễ 30/4, bộ phim của Lý Hải vẫn gây bất ngờ khi thu về đến 85 tỷ đồng, trở thành phần ăn khách nhất trong loạt phim Lật mặt (kinh phí của phim khoảng 17 tỷ đồng).
Lý Hải tham gia thị trường phim với phong cách bình dân, tận dụng sở trường. |
Thành công của Lật mặt 3 cũng giúp Lý Hải được Hiệp hội giải trí Hàn Quốc (Korean Culture Entertainment Awards) trao tặng giải Đạo diễn châu Á xuất sắc trong năm 2018.
Lý Hải đang trong quá trình sản xuất Lật mặt phần 4 ra mắt vào mùa hè năm sau và tiếp tục đụng độ vơi Avengers: Endgame, cho thấy anh hoàn toàn tự tin với con đường của mình.
Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair)
Phương Anh (tên tiếng Anh Ash Mayfair) là một nữ đạo diễn, biên kịch hiếm hoi đi theo con đường làm phim nghệ thuật trong thế hệ đạo diễn mới ở Việt Nam. Cô từng học văn chương tại Anh và học làm phim ở Mỹ với bằng MFA tại Đại học New York.
Năm 2018, Người vợ ba (The Third Wife) của Nguyễn Phương Anh đã giành được một giải thưởng phụ nhưng khá quan trọng: NETPAC Award For World or International Asian Premiere tại LHP Toronto. Sau đó, bộ phim tiếp tục chu du tại một loạt các LHP quốc tế khác và mang về thêm 3 giải thưởng nữa tại các LHP quốc tế diễn ra ở Ấn Độ, Tây Ban Nha và Ai Cập.
Người vợ ba là một dự án điện ảnh nghệ thuật rất đặc biệt khi ê kíp sản xuất “toàn nữ”: đạo diễn, biên kịch Phương Anh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, nhà quay phim Chananun Chotrungroj, dựng phim Julie Beziau... và dàn diễn viên ba thế hệ như Như Quỳnh, Trần Nữ Yên Khê, Maya, Trà My và Lê Vũ Long.
Phương Anh chia sẻ kịch bản của bộ phim được lấy cảm hứng từ lịch sử của gia đình cô. Đó là một câu chuyện tăm tối về tuổi trưởng thành, về tình yêu và hành trình tự khám phá bản thân trong thời điểm mà tiếng nói của phụ nữ trong xã hội và gia đình rất bị hạn chế.
Cây bút John Berra trên tờ Screen Daily bình luận: “Bộ phim của Ash Mayfair mang đến một bầu không khí đặc biệt và khám phá những ham muốn bị kìm nén trong bối cảnh đầy ngột ngạt của nông thôn Việt Nam cuối thế kỷ 19 khi kể về cuộc hôn nhân sắp đặt giữa một cô bé 14 tuổi với một chủ đất giàu có”.
Gặp gỡ mùa thu
Giữa một nền điện ảnh thực dụng đang chạy theo thương mại và phát triển thiếu cân bằng, các giải thưởng điện ảnh trong nước thiếu tính chuyên môn và môi trường đào tạo cũ kỹ - Gặp gỡ mùa thu là một sự kiện thường niên phi lợi nhuận, mang lại nhiều cảm hứng và tín hiệu tích cực cho giới làm phim trẻ.
Bắt đầu diễn ra từ mùa thu năm 2013 và do đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và Mỹ Dung sáng lập, Gặp gỡ mùa thu đang trở thành một sự kiện hàng năm được giới làm phim độc lập, nghệ thuật không chỉ ở Việt Nam mà các nước trong khu vực chờ đón.
Charlie Nguyễn và Trần Anh Hùng tại Gặp gỡ mùa thu. |
Bằng chứng là từ 10 học viên của năm đầu tiên, đến năm 2018, Gặp gỡ mùa thu đã có tới 107 học viên với rất nhiều workshop diễn ra đồng thời. Dù thời gian khá ngắn, chỉ trong vòng một tuần, nhưng những lớp học/ workshop như Đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, diễn xuất, sản xuất phim… với các giảng viên tên tuổi như đạo diễn Trần Anh Hùng, nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê, Lyndia Park (Hàn Quốc), Lê Khanh, đạo diễn Leon Quang Lê đã mang lại cho các học viên nguồn cảm hứng mạnh mẽ, đôi khi còn hơn cả thời gian dài họ được đào tạo chính quy.
Không chỉ dừng lại ở đào tạo hay truyền cảm hứng, Gặp gỡ mùa thu cũng bắt đầu có dáng dấp của một LHP quốc tế khi mời được các giám tuyển đến từ các LHP quốc tế hàng đầu như Cannes, Berlin, Venice, Rotterdam làm giám khảo trong buổi “pitching” (giới thiệu dự án) của các biên kịch, đạo diễn trẻ. Không chỉ các đạo diễn trong nước mà các đạo diễn đến từ nhiều nền điện ảnh mạnh khác như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore, Phillippines, Myanmar và thậm chí cả Brazil cũng tìm đến Gặp gỡ mùa thu để giới thiệu dự án.
Một số dự án được trao giải tại Gặp gỡ mùa thu sau đó đã được sản xuất thành phim và đoạt các giải thưởng tại một số LHP quốc tế. Ví dụ, dự án A Land Imagined của đạo diễn trẻ người Singapore Siew Hua Yeo từng thắng giải thưởng lớn tại Gặp gỡ mùa thu 2016 đã chiến thắng giải cao nhất (Báo vàng) tại LHP Lorcano (Thụy Sĩ) – top 5 LHP quốc tế hàng đầu. Hay Người vợ ba của Nguyễn Phương Anh, dự án thắng giải Gặp gỡ mùa thu 2015 cũng đoạt một loạt giải thưởng tại các LHP quốc tế trong năm nay.