Bộ GD&ĐT cho hay nguyên tắc thẩm định sách giáo khoa (SGK) là chuẩn mực về chuyên môn, công khai, minh bạch, công bằng giữa các nhóm tác giả, không chịu tác động từ bên ngoài.
Đa phần thành viên từng thẩm định SGK lớp 1
Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, cho biết Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 chương trình giáo dục phổ thông mới và hoàn thành việc thẩm định vòng 1 và việc thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 vòng 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 (đối với lớp 2) và trung tuần tháng 11 (đối với lớp 6).
Theo chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, sau khi ban hành thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 2 và việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK lớp 2, Bộ GD&ĐT đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của 4 NXB, gồm: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, NXB ĐH Quốc gia TP.HCM.
Đã có 33 bản mẫu SGK của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 đã được gửi về. Trong số này, môn toán có 4 bản mẫu, môn tự chọn tiếng Anh có 8 bản, các môn còn lại gồm: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm mỗi môn có 3 bản mẫu.
Đối với lớp 6, Bộ GD&ĐT nhận được 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó, trừ môn tin học có 6 bản mẫu, Tiếng Anh có 9 bản mẫu, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, Thái Văn Tài cho hay Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định thành lập 9 hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 trên cơ sở các thành viên đã tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 và bổ sung một số thành viên mới. Như vậy, phần lớn thành viên hội đồng thẩm định SGK lớp 2 là những người đã tham gia hội đồng thẩm định SGK lớp 1.
Hai hội đồng có số lượng thành viên ít nhất là 7, các hội đồng còn lại có từ 9 đến 15 thành viên. Trong khi đó, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 6 gồm 128 thành viên của 12 môn học và hoạt động giáo dục.
Thành phần các hội đồng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT, là bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan; có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Học sinh TP HCM với sách giáo khoa lớp 1 mới. Ảnh: Người Lao Động. |
Không chỉ chuyên môn mà cần bản lĩnh
Theo ông Thái Văn Tài, các thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã tiếp nhận và nghiên cứu độc lập các bản mẫu SGK trong 15 ngày.
Trong quá trình thẩm định, các hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 lần lượt nghe đại diện nhóm tác giả SGK trình bày quan điểm, ý tưởng biên soạn, thảo luận, trả lời câu hỏi của hội đồng và trình bày các học liệu bổ trợ đi kèm SGK (nếu có).
Sau đó, các hội đồng cũng nghe thành viên trình bày nhận xét về từng bản mẫu, thảo luận và thống nhất ý kiến về kết luận chung của hội đồng với từng bản mẫu SGK, bỏ phiếu đánh giá chất lượng từng bản mẫu.
Việc thẩm định diễn ra không quá 5 ngày đối với một bản mẫu. Bộ GD&ĐT cũng cho hay vai trò chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng, thư ký giám sát được tăng cường trong quá trình thẩm định.
Ông Tài nhấn mạnh nguyên tắc thẩm định là chuẩn mực và dứt khoát về mặt chuyên môn, công khai, minh bạch, công bằng giữa các nhóm tác giả và không chịu tác động từ bên ngoài.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng cho rằng thẩm định SGK là công việc khó khăn, đòi hỏi cao không chỉ về chuyên môn mà còn là bản lĩnh và trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Ông Độ khẳng định lại việc thẩm định phải bảo đảm tính nghiêm túc, khoa học, công bằng, khách quan, có chất lượng và không chịu bất cứ sức ép bên ngoài nào.
Rút kinh nghiệm từ bộ SGK lớp 1, ông Nguyễn Hữu Độ cũng yêu cầu các thành viên hội đồng thẩm định phải tuyệt đối không tham gia các công việc liên quan đến biên soạn, xuất bản SGK, đồng thời bảo mật thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động thẩm định SGK.
Ngoài ra, do chương trình phổ thông mới thiết kế theo hướng mở nên các hội đồng thẩm định phải vận dụng linh hoạt các tiêu chí để đánh giá khách quan, chính xác nhưng tôn trọng các ý tưởng sáng tạo và triết lý của mỗi bản mẫu SGK.
"Các thành viên hội đồng có quyền nhận định, đánh giá nhưng tác giả cũng có quan điểm riêng trong biên soạn SGK và đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12. Do đó, không thể đưa ra ý kiến chủ quan không phù hợp với yêu cầu của chương trình hay yêu cầu của thực tế giáo dục trong xu thế phát triển hiện nay", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Giáo viên cần mạnh dạn cho ý kiến
Trước lo lắng SGK có thể quá tải, gây áp lực đối với học sinh như đã có ý kiến phản hồi với SGK Tiếng Việt 1, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - cho rằng 1/3 số thành viên của Hội đồng thẩm định SGK lớp 6 là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học ở cấp THCS.
Chính vì thế, ông Thành đã đề nghị các thầy - cô giáo khi thẩm định cần mạnh dạn cho ý kiến để giúp hội đồng đưa ra các ý kiến thẩm định xác đáng, phù hợp với thực tiễn dạy học và tâm lý lứa tuổi học sinh cho các bản mẫu SGK.