Câu 1: Vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến nước ta khởi xướng tục cày ruộng tịch điền?
Lê Hoàn (Lê Đại Hành), người sáng lập nhà Tiền Lê (980-1009), là vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam khởi xướng tục cày tịch điền vào dịp mùa xuân hàng năm.
|
Câu 2: Lễ cày tịch điền lần đầu tiên trong lịch sử được tổ chức vào năm nào?
Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm 987, lần đầu tiên vua Lê Hoàn khởi xướng lễ cày tịch điền vào dịp tết Nguyên Đán, nhằm mục đích khuyến khích nhân dân phát triển nông nghiệp.
|
Câu 3: Vua Lê Hoàn tổ chức lễ cày tịch điền ở tỉnh nào?
Theo Đại Việt sử lược, "Đinh Hợi (987) là năm thứ bảy niên hiệu Thiên Phúc, vua bắt đầu cày tịch điền ở núi Đọi, bắt được hũ vàng. Lại một lần cày ở núi Bàn Hải bắt được hũ bạc. Đây là những địa điểm thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam trước đây.
|
Câu 4: Vùng ruộng vua cày được hũ vàng, bạc được gọi là?
Khoảnh ruộng vua cày trúng hũ vàng, hũ bạc được đặt tên là ruộng Kim Ngân (Kim Ngân Điền), tức ruộng vàng, ruộng bạc.
|
Câu 5. Phần nông sản thu hoạch được trên ruộng Kim Ngân được dùng vào mục đích gì?
Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, "thửa ruộng chính thiên tử tự cày lấy, hoa lợi sẽ dùng vào việc cúng tế". Sau khi đã làm lễ cúng Thần Nông, nhà vua đích thân xuống cày ba luống. Thửa ruộng này sẽ được chăm sóc và sản phẩm dùng để tế lễ năm sau.
|
Câu 6. "Tự mình cày tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên để cúng tôn miếu, dưới nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông, nên thay". Đó là lời khen của ai dành tặng cho lễ cày ruộng tịch điền?
Đó là lời của sử thần Ngô Sĩ Liên, tác giả bộ Đại Việt sử ký toàn thư dùng để ngợi ca ý nghĩa của lễ cày tịch điền vào dịp đầu xuân của các bậc đế vương.
|
Câu 7. Ngoài nhà Tiền Lê, triều đại nào ở nước ta cũng có lễ cày ruộng tịch điền?
Cày tịch điền là lễ hội mang nét đẹp văn hóa của dân tộc ta nhằm mục đích khuyến khích phát triển nông nghiệp. Sau khi được vua Lê Hoàn khởi xướng, lễ hội này tiếp tục được các triều đại phong kiến tiếp theo tiếp tục duy trì đến ngày nay.
|
Câu 8. Bàn về ý nghĩa của cày ruộng tịch điền, vua nào có nhận xét "thực là chính sự quan trọng của đấng vương giả"?
Đó là lời nhận xét của vua Minh Mạng, vị vua thứ hai của triều Nguyễn, được sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép lại.
|
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, "Mùa xuân (năm Đinh Hợi 987), vua lần đầu cày tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân (Kim Ngân điền).
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, hũ vàng, hũ bạc vua Lê Đại Hành cày được không phải ngẫu nhiên, đó là sự chuẩn bị trước của nhà vua và triều thần với ngụ ý cho thiên hạ biết rằng coi trọng nông nghiệp, siêng năng lao động, ruộng sẽ ban cho nông dân vàng, bạc.