Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ám ảnh cô giáo đánh trẻ không thương tiếc ở trường mẫu giáo Trung Quốc

Trước nhu cầu của người dân, trường mầm non được mở tràn lan ở Trung Quốc. Nhiều giáo viên chưa qua đào tạo đã phụ trách lớp dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ khá phổ biến.

Nhiều trường mầm non ở Trung Quốc hoạt động bát nháo, thường xuyên xảy ra các vụ bạo hành trẻ và không ít giáo viên vướng vòng lao lý.

Ngày 27/11, tòa án quận Trường Ninh (Thượng Hải, Trung Quốc) tuyên án tù đối với một hiệu trưởng và 7 giáo viên mẫu giáo vì ép trẻ ăn mù tạt. Những người này đồng thời bị cấm làm việc liên quan trẻ em với thời hạn cao nhất lên đến 5 năm. Đây là một trong số nhiều vụ bạo hành trẻ xảy ra tại nước này.

Giáo viên đánh trẻ không thương tiếc

Tháng 4 năm ngoái, một trẻ mầm non ở Bắc Kinh phàn nàn với mẹ việc mình bị giáo viên đánh. Ngay lập tức, phụ huynh đến trường, yêu cầu ban giám hiệu kiểm tra camera giám sát. Khi thấy cảnh hai giáo viên ném, đá con mình, bà không kìm nổi cơn giận, túm tóc một cô giáo, ép quỳ xuống sàn và đá liên tục vào người cô.

giao vien mam non danh tre anh 1
Nhiều người không hiểu tại sao giáo viên có thể ra tay đánh đập những đứa trẻ chưa đủ năng lực phản kháng. Ảnh cắt từ clip.

Cuối tháng 12/2016, clip ghi cảnh giáo viên mầm non ở An Huy đánh hai trẻ tàn bạo vì quên động tác múa lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội khiến cộng đồng mạng rất phẫn nộ. Hai bé gái khoảng 4-5 tuổi đang múa cùng các học sinh khác, bị một giáo viên (giấu tên) kéo ra khỏi đội hình, đẩy vào tường, liên tiếp đá vào người, tát vào mặt.

Tháng 4 cùng năm, giáo viên mầm non ở Trùng Khánh đánh liên tục vào đầu bé gái 4 tuổi khiến em phải nhập viện. Đáp trả hành vi trên, bà của nạn nhân xông vào lớp đánh cô giáo.

Tháng 10/2012, cảnh giáo viên trường mầm non Sky Montessori ở thành phố Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) bạo hành trẻ khiến người dân Trung Quốc kinh sợ và xót thương. Trong đoạn video được đăng trên mạng xã hội, giáo viên tên Li Zhuqing xúc phạm thân thể và tinh thần trẻ trong hơn 10 phút vì các em không thể trả lời đúng kết quả của phép tính 10 cộng 1.

Cụ thể, người này tát một bé gái khoảng 70 cái, đá em 2 cái. 3 đứa trẻ khác bị đánh lần lượt 43, 10 và 27 lần. Trong quá trình đánh, cô Li còn xô đẩy học trò.

Cũng trong thời gian này, một vụ việc đau lòng khác diễn ra khi bức ảnh Yan Yanhong (20 tuổi, giáo viên trường Mầm non Blue Peacock ở Ôn Lĩnh, Chiết Giang) túm tai nhấc bé trai rò rỉ trên mạng. Trong khi cậu bé khóc lóc, tỏ ra đau đớn, gương mặt của cô giáo hiện rõ vẻ hả hê. Sự đối lập này khiến nhiều người cảm thấy ác cảm với người làm trong ngành giáo dục, đặc biệt giáo viên mầm non.

Nhiều người vướng lao lý

Những vụ việc trên khiến dư luận phải đặt câu hỏi tại sao những người thiếu đạo đức và kỹ năng sư phạm như vậy lại được phép làm việc trong ngành giáo dục, tiếp xúc trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ.

Hầu hết vụ bạo hành đều được xử lý thích đáng. Thậm chí, việc phụ huynh đến trường đánh giáo viên vì hành hạ con họ, dù trái với đạo lý tôn sư trọng đạo, vẫn được cộng đồng bỏ qua.

giao vien mam non danh tre anh 2
Một hiệu trưởng và 7 giáo viên mầm non ở Thượng Hải vừa vướng vòng lao lý vì bạo hành trẻ. Ảnh cắt từ clip.

Giáo viên thường xuyên áp dụng bạo lực lên học trò, nhiều người cho rằng trường hoạt động bát nháo, thiếu quản lý. Khi lãnh đạo trường không có biện pháp thích đáng để bảo vệ trẻ em, cha mẹ họ có quyền dùng bạo lực để giúp con chống lại bạo lực.

Dù vậy, đây hoàn toàn không phải phương án xử lý phù hợp. Nó khiến môi trường giáo dục mầm non càng thêm rắc rối, phức tạp. Do đó, khi chưa có phương án giải quyết triệt để, các vụ bạo hành trẻ mầm non vẫn thường kết thúc bằng việc kỷ luật hoặc sa thải giáo viên. Nặng hơn, trường phải đóng cửa, giáo viên liên quan vướng lao lý.

Trong vụ giáo viên đánh 2 bé gái vì múa sai, phụ huynh 2 em đâm đơn kiện nhà trường. Giáo viên bị sa thải theo yêu cầu của gia đình nạn nhân. Trường cũng thỏa thuận bồi thường vì sai phạm của nhân viên.

Lãnh đạo trường mầm non ở Trùng Khánh cũng đuổi việc nữ giáo viên, chịu trách nhiệm cho quá trình chữa trị của bé gái. Trong khi đó, các vụ ở Thái Nguyên và Ôn Lĩnh, cảnh sát tạm giam cô giáo mầm non để điều tra, xem xét khởi tố vụ án. Trường học cũng bị đóng cửa vì sai phạm nghiêm trọng này.

Luật pháp không đủ bảo vệ trẻ

Điều đáng nói, hầu hết giáo viên bạo hành trẻ đều hành nghề không bằng cấp hay giấy phép. Đây là tình trạng chung ở Trung Quốc khi 40% trong số 100.000 giáo viên mầm non ở nước này không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm (số liệu năm 2012). Các vụ bạo lực khiến phụ huynh lo sợ việc gửi con đến nhà trẻ sẽ vô tình đẩy các bé vào tình huống nguy hiểm.

giao vien mam non danh tre anh 3
Nhiều trường mầm non được mở tràn lan, thuê giáo viên không qua đào tạo sư phạm về dạy học. Ảnh: VCG.

Guo Wenhao - phụ huynh có con gái 2 tuổi ở Bắc Kinh - cho biết ông dự định hoãn cho con học mẫu giáo vì sợ con gặp giáo viên không tốt và bị bạo hành.

Li Jing - Phó giám đốc Nhà trẻ Quốc tế Highscope ở Bắc Kinh - cho rằng những vụ bạo hành không quá phổ biến. Bà nói thêm các trường phải đối mặt nhiều áp lực đến từ việc tuyển dụng. Thậm chí, nhiều người được đào tạo sư phạm cũng không đủ tiêu chuẩn để làm giáo viên mầm non.

"Các trường mẫu giáo có doanh thu cao. Hầu hết trường, kể cả những trường ở thủ đô, thường xuyên tuyển dụng giáo viên", bà Li nói.

Bà nhấn mạnh tất cả giáo viên trường mình có đủ chứng chỉ. Tuy nhiên, họ vẫn không thể quản lý hết lớp với quy mô nhỏ. Vì thế, trường quyết định lắp camera ở phòng học, hành lang. Nếu phạt hiện trường hợp bạo hành trẻ, trường sẽ sa thải ngay lập tức.

Trong khi đó, Den Yinghua, 35 tuổi, hiệu trưởng trường mầm non ở Ngũ Liên, Sơn Đồng, cho biết dù không đủ chứng chỉ, trường của bà vẫn hoạt động tốt. Nguyên nhân nằm ở chỗ khu vực chỉ có một trường mầm non công lập và không nhận học sinh dưới 5 tuổi. Vì thế, phần lớn chọn gửi con đến trường bà để học một số kỹ năng ngôn ngữ cơ bản.

Từ một thợ cắt tóc, bà thành chủ sở hữu nhà trẻ với gần 30 học sinh. Mức phí 800 nhân dân tệ/năm phù hợp mức sống của người dân, đồng thời mang lại cho bà tài chính thoải mái.

Cùng với tình trạng trường mẫu giáo được mở tràn lan, luật pháp lại chưa đủ nghiêm để ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ. Trong nhiều trường hợp, giáo viên chỉ bị xử lý với hình thức cao nhất đuổi việc, thay vì xử lý hình sự.

"Tội bạo hành trẻ em được quy định đối với các thành viên trong gia đình. Do đó, giáo viên nằm ngoài phạm vi của luật. Tội cố ý gây thương tích cũng không được áp dụng do việc bạo hành ở nhà trẻ không gây ra vết thương nghiêm trọng. Còn tội xúc phạm người khác yêu cầu nạn nhân đứng ra khởi kiện. Trẻ em lại không làm được điều đó", ông Cai Liming - Giám đốc tư pháp thuộc Công an Ôn Lĩnh - giải thích lý do bạo hành diễn ra thường xuyên ở trường mầm non.

Giáo viên bắt trẻ mầm non ăn mù tạt trong lớp Hiệu trưởng và giáo viên trường mầm non thuộc công ty du lịch Ctrip ở Thượng Hải, Trung Quốc, vừa phải hầu tòa vì liên quan việc ép trẻ ăn mù tạt.

Hiệu trưởng và 7 giáo viên Trung Quốc đi tù vì ép trẻ ăn mù tạt

Hiệu trưởng một trường mầm non ở Trung Quốc hướng dẫn giáo viên phạt học sinh bằng cách ép các em ăn mù tạt. Họ đã phải trả giá cho hành vi phản giáo dục này.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm