Cứ mỗi chiều chạng vạng tại Quảng trường Thời đại vắng lặng, hàng trăm y tá mặc quần áo màu xanh tập trung lại để lên xe buýt đưa họ đến các bệnh viện trên khắp thành phố New York. Cảnh tượng này đã trở nên quen thuộc từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ.
Hàng nghìn nhân viên y tế, đến từ các tiểu bang khác nhau, đang tham gia cuộc chiến tại nhiều bệnh viện của New York. Hơn 4.000 người trong số đó xuất thân từ Midtown Manhattan.
Ban ngày, họ nghỉ ngơi tại khách sạn, giữa phố Broadway tối tăm với những con đường tĩnh lặng và cửa hàng đóng kín. Đêm về, họ phải đối mặt với hành lang bệnh viện đông đúc, bệnh nhân hoảng loạn và tình trạng căng thẳng ở các đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Cái chết cũng nằm trong số đó.
“Trước đây, tôi chưa bao giờ thấy bệnh nhân nào trở nặng đến vậy. Họ chết cho dù chúng tôi đã làm mọi thứ có thể”, Tamara Williams - y tá 40 tuổi đến từ Dallas - nói.
Các y tá tập trung lại để lên chuyến xe buýt đến các bệnh viện trên khắp thành phố New York. Ảnh: TNYT. |
Ám ảnh về cái chết và nỗi nhớ gia đình
Khi số người chết hàng ngày đã giảm trong những tuần gần đây, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng.
New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch ở Mỹ. Số lượng người nhập viện mới ở thành phố này vẫn ở mức cao, khoảng 1.000 người/ngày, dù con số này đã giảm từ mức hơn 3.000 người/ngày vào đầu tháng 4 vừa qua.
Các y tá ngoài tiểu bang đã bổ sung nguồn nhân lực cho các bệnh viện cần thay thế những người bị ốm hoặc cần nghỉ ngơi. Họ đang phải vật lộn với nỗi đau khi chứng kiến rất nhiều trường hợp tử vong cùng nỗi nhớ gia đình da diết.
Nhân viên y tế Williams cho biết cô không thể cứ ở nhà sau khi xem các báo cáo trên truyền hình về tình trạng căng thẳng tại các bệnh viện ở thành phố New York. “Lương tâm của tôi không cho phép mình làm điều đó”, cô nói.
Làm trái lại lời khuyên từ một số thành viên trong gia đình, cô lập tức thu xếp đồ đạc rồi tạm biệt chồng và đứa con nhỏ mới 8 tháng tuổi để lên đường.
Trong tuần đầu tiên hỗ trợ tại Trung tâm bệnh viện Bellevue ở Manhattan, cô đã băn khoăn và tự hỏi bản thân hết lần này đến lần khác rằng liệu lựa chọn này có đúng hay không.
Là một người lạc quan và vô tư, nhưng Williams đã run rẩy trong lần đầu tiên vào đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Chưa bao giờ cô gặp cảnh tượng nhiều bệnh nhân đang chờ điều trị đến vậy.
Cô cũng rất nhớ gia đình. Khi các y tá xung quanh có triệu chứng lây bệnh, cô hoang mang hơn vì lo sợ mình cũng sẽ nhiễm virus.
Các y tá ngoài tiểu bang đã cung cấp nguồn nhân lực huyết mạch cho các bệnh viện. Ảnh: CNBC. |
Trong một ca trực gần đây, Williams bắt gặp các đồng nghiệp của mình đứng khóc nức nở trong hành lang bệnh viện. Một bệnh nhân mà họ đã chăm sóc rất lâu vừa qua đời vì Covid-19.
“Tôi thấy họ khóc bởi cái chết của một bệnh nhân mà chúng tôi đã có thời gian gắn bó. Cảnh tượng đó làm tôi nghĩ đến người thân của mình đang ở nhà”, Williams bật khóc.
Heather Smith - đến từ đảo Topsail, ngoài khơi bờ biển Bắc Carolina - là nhân viên y tế đang làm việc tại Trung tâm bệnh viện Elmhurst ở Queens. Sau khi thấy rất nhiều bệnh nhân tử vong, cô dần mất đi niềm tin vào những đóng góp của mình.
“Mỗi ngày tôi đều tự hỏi: Mình có thể tiếp tục thêm một ngày nữa không?”, cô chia sẻ.
Một y tá khác, Maggie Scott (24 tuổi) đến từ San Diego, chia sẻ về nỗi đau buồn khi phải sắp xếp các cuộc gọi FaceTime cuối cùng giữa bệnh nhân đang hấp hối với gia đình của họ. Gần đây, cô phải thực hiện việc này không chỉ một, mà là 3 lần trong một ca trực.
“Nếu không cảm thấy sợ hãi khi ở đây, bạn không phải người thường”
Jim Malatras, chủ tịch của Đại học SUNY Empire State, là người đang hỗ trợ Thống đốc Andrew M. Cuomo trong cuộc chiến chống Covid-19 của New York. Ông cho biết đội ngũ y tá từ bên ngoài tiểu bang đã mang đến một nguồn cứu trợ lớn cho các bệnh viện.
Joseph Moscola, phó chủ tịch cấp cao của Northwell Health, cho biết 500 y tá ngoài tiểu bang đã được đưa vào 23 bệnh viện trong toàn hệ thống của mạng lưới chăm sóc sức khỏe. Đó là một đóng góp vô giá.
Nhưng các nhân viên y tế đang trở nên kiệt sức.
Olumide Peter Kolade (30 tuổi), người đã làm việc theo ca 12 tiếng trong suốt 34 ngày qua, nói rằng anh vừa bắt đầu tập ngồi thiền để cải thiện thể trạng và tinh thần.
Kolade chia sẻ những thói quen mà nhân viên y tế nên làm để giảm bớt sự mệt mỏi như tắm rửa, nói chuyện điện thoại với gia đình hay bất cứ thứ gì khác ngoài việc liên tục theo dõi tin tức.
Cô Dugger, mẹ của 6 con nhỏ, đã phải làm công tác tư tưởng cho các con trước khi hòa vào cuộc chiến chống đại dịch. Khi cô nói sẽ phải đi xa gia đình trong một thời gian dài, con gái 7 tuổi nói: “Mẹ ơi, mẹ sẽ trở thành siêu anh hùng!”. Đó cũng là điều các y tá mong muốn khi làm nhiệm vụ thiêng liêng này.
500 y tá ngoài tiểu bang đã được đưa vào 23 bệnh viện trong toàn hệ thống của mạng lưới chăm sóc sức khỏe New York. Ảnh: amNY. |
Trước đây, Dugger luôn muốn đến thăm New York. Khi đến đây làm việc, cô đã thăm tòa nhà Empire State, Madison Square Garden và Central Park. Tuy nhiên, cô nhận thấy giờ đây thành phố không hào nhoáng như tưởng tượng từ các bộ phim.
Mỗi buổi sáng, trước khi đến Trung tâm y tế Jacobi ở khu vực Bronx, Dugger nghe nhạc phúc âm và cầu nguyện cho người dân thành phố New York.
“Nếu bạn không cảm thấy sợ hãi khi ở đây, bạn không phải là người thường”, cô ấy nói.
Thỉnh thoảng, đội ngũ y tế vẫn có lý do để hy vọng. Ngày 26/4 vừa qua, 3 bệnh nhân ở Trung tâm y tế Jacobi đã được rút nội khí quản. Mỗi khi điều này xảy ra, bệnh viện sẽ bật bài “Fight Song” của Rachel Platten để ăn mừng.
“Đó là cảm giác tuyệt vời, chúng tôi đều hạnh phúc đến phát khóc. Tôi cũng rất nhớ gia đình mình nhưng chưa thể rời bệnh viện lúc này. Tôi có nhiệm vụ cao cả phải hoàn thành”, Dugger quả quyết chia sẻ.