Có lẽ từ khi vừa mới chào đời, Ngọc Anh (sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương) đã nhận được rất nhiều sự kỳ vọng từ mọi người. Bắt đầu từ khoảnh khắc bước chân ra khỏi vòng tay của cha mẹ để dấn thân vào sự nghiệp học tập, dường như không một giây một phút nào, cô không bị ám ảnh về việc phải là người giỏi nhất, phải hơn người khác.
Gia đình Ngọc Anh luôn cố gắng để cho con gái mọi thứ con cần, không thiếu một thứ gì, để con có thể bằng bạn bằng bè. Và để đáp lại phần công lao đó, không biết từ bao giờ, nữ sinh đã luôn lấy việc “nhất định phải giỏi, phải hơn người khác” làm mục tiêu phấn đấu.
Nguyễn Ngọc Anh nhận được nhiều kỳ vọng của gia đình nên luôn nỗ lực để giỏi hơn người khác. |
Cấp 1, cấp 2, Ngọc Anh học tập ở 2 môi trường có thể ví như cái giếng nhỏ của chú ếch xanh. Cô không biết thế giới ngoài kia ra sao, chỉ tập trung cố gắng trong “cái giếng” của mình. Cô hãnh diện lắm vì việc đứng nhất và được mọi người tán thưởng. Mọi thứ có vẻ như rất dễ dàng.
Nhưng mọi chuyện đã trở nên khác biệt hơn rất nhiều kể từ khi Ngọc Anh lên cấp 3. Có lẽ, lúc đó mới là lúc cô thực sự “vào đời”. Bến đỗ cấp 3 mà Ngọc Anh chọn là trường chuyên của tỉnh, nơi tụ tập toàn "con nhà người ta".
Thực sự, càng biết tới nhiều bạn bè hơn càng khiến Ngọc Anh ám ảnh những câu hỏi như “tại sao mình không được như các bạn ấy nhỉ?”, “có lẽ, mình không là một mảnh ghép phù hợp với tập thể này chăng?”… Đã vậy, thỉnh thoảng, nữ sinh lại nghe những câu chuyện về con bác A, cháu bà B, chắt ông C từ gia đình, cô lại càng thấy áp lực hơn.
Có lẽ, khi kể những câu chuyện đó, mọi người trong gia đình Ngọc Anh cũng không có ý kiểu ép con phải giỏi như người ta nhưng tự bản thân cô lại coi đó là “sự kỳ vọng”.
Và dần dần, không biết từ bao giờ, nữ sinh coi tất cả nhân vật "con nhà người ta" đó thành hình mẫu mà mình theo đuổi, các bạn ấy giỏi cái gì, cô cũng cố gắng mà tìm tòi một chút ít về cái đó.
Thậm chí, có một khoảng thời gian, Ngọc Anh bị ám ảnh về việc này. Cô nhớ là lúc đó, một bạn chia sẻ là dạo gần đây đang học ukelele. Cô cũng chẳng nghĩ ngợi gì mà đâm đầu vào bộ môn này (tất nhiên, chỉ được vài ngày thôi vì cô thực sự không có năng khiếu về nghệ thuật).
Nhiều người khi nghe những chia sẻ này sẽ có suy nghĩ chuyện này khá tiêu cực nhưng với bản thân cô mà nói, đây lại là sự tích cực không ngờ tới. Cô biết được nhiều thứ, nhiều lĩnh vực mà trước đó, cô còn không biết đến sự tồn tại của nó.
Nữ sinh tự biết sức bản thân đến đâu, và như mẹ cô vẫn thường căn dặn, người ta cố gắng một, con phải cố gắng 10, việc mình có thể làm cũng chỉ có cố gắng hơn nữa hơn nữa mà thôi.
Cô còn có một chuyện chưa chia sẻ với quá nhiều người. Đó là năm lớp 11, cô trượt kỳ thi chọn vào đội tuyển tham gia cuộc thi học sinh giỏi quốc gia của trường. Khoảng thời gian đó thực sự là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với nữ sinh. Đến giờ, cô vẫn còn rùng mình khi nghĩ về nó.
Sự cố gắng của cả năm lớp 10 khiến Ngọc Anh tự tin đến mức chủ quan về bản thân, mặc định một điều chắc chắn mình sẽ có “một chân” trong đội tuyển của trường. Giây phút mà tên của cô không có trong danh sách thực sự khiến cô gục ngã.
Ngọc Anh cảm thấy hổ thẹn và hơn hết là cảm thấy có lỗi với gia đình mình vì mọi người luôn tin con gái họ có thể làm được, nhưng thực tế, cô đã sai.
Khoảng thời gian đó, Ngọc Anh trở nên ít nói hơn rất nhiều, thoáng chốc từ một cô bé 24 tiếng đồng hồ không lúc nào thiếu chuyện để nói biến thành một cô nhóc hướng nội chỉ thích sống trong thế giới của mình. Khoảng 2 tuần như vậy, tự bản thân cô cũng cảm thấy không nên tiếp tục như vậy nữa, phải thay đổi khác đi.
Và Ngọc Anh lại tiếp tục hoàn thiện bản thân, nhủ lòng mỗi người đều sẽ có timeline khác nhau, mình không vào được đội tuyển quốc gia năm nay, năm sau mình sẽ vào. Lấy đó làm mục tiêu, cô lại cố gắng hơn nữa.
Đến năm lớp 12, cô thành công có mặt trong danh sách đội tuyển học sinh tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thậm chí còn đoạt giải ba - điều Ngọc Anh không dám mơ tới. Mặc dù giải ba nghe có vẻ không “oai” cho lắm, với cô, đó đã là điều mà cô không dám tưởng tượng tới.
Ngọc Anh học cách vượt qua áp lực để học tập tốt hơn. |
Ngọc Anh chia sẻ cô đã chỉ áp dụng công thức một cách máy móc mà thôi: SAD to ADS. Biến SAD (S: Stress, A: Anxiety, D: Depression) thành ADS (A: Accomplish , D: Dominate, S: Success).
Hiện, Ngọc Anh đã đến bến đỗ mới với nhiều những thử thách hơn là ĐH Ngoại thương, nơi nổi tiếng với áp lực đồng trang lứa. Nhưng nữ sinh đã không còn sợ. Cô luôn coi áp lực là động lực để cố gắng hơn nữa và trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân. Làm việc gì cũng vậy, cô chỉ lặp đi lặp lại trong đầu một câu duy nhất - “SAD to ADS".