3h, Yuan, một nhân viên văn phòng Trung Quốc, đăng lên mạng xã hội hình ảnh chai thủy tinh chứa nước màu vàng cùng miếng nhân sâm nhỏ. Cô ca ngợi thức uống này là “trà bổ dưỡng cho dân văn phòng”, giúp mọi người có thể thức khuya hơn mà không mệt mỏi.
Đồ uống dành cho “cú đêm”, hay Yangsheng, là một sản phẩm mới được quảng cáo có thể bù đắp cho hai lối sống phổ biến nhất tại đô thị Trung Quốc: thức khuya và ăn thực phẩm cay, béo.
Ưa chuộng thức uống tăng lực
Theo Sixth Tone, tại đô thị Trung Quốc, nhiều người trẻ sống theo phương châm: “Thức khuya, sau đó sử dụng các sản phẩm chăm sóc đắt tiền nhất để cải thiện sức khỏe”.
Gần 80% người ngủ muộn sau nửa đêm ở đất nước tỷ dân đều ở độ tuổi từ 18 đến 34. Trong khi đó, gần 2/3 số nhân viên văn phòng mua các sản phẩm sức khỏe nêu hai lý do hàng đầu là duy trì thể lực và đối phó với tác động của việc thức khuya.
Thức uống tăng lực ra đời đã đánh trúng tâm lý của người trẻ, giúp họ xoa dịu nỗi sợ hãi.
Một nhân viên cầm chai Night Owl, loại đồ uống được quảng cáo cung cấp dinh dưỡng cho những người thức đêm. Ảnh: Weibo. |
Đóng trong những chai thủy tinh có thiết kế cổ điển, thức uống tăng lực được quảng cáo là cung cấp “chất dinh dưỡng” và mang đến “sức khỏe”. Thành phần của loại đồ uống chứa các thành phần được cho là có dược tính như nhân sâm, táo tàu, hoa cúc hoặc rễ cây sắn dây.
Bên cạnh loại thức uống tăng lực dành cho “cú đêm”, thị trường còn bày bán nhiều loại đồ uống sức khỏe khác, hứa hẹn mang lại kết quả hấp dẫn như làm sáng da, bổ sung năng lượng, giảm cân và giảm phù nề. Mỗi chai đồ uống có giá từ 20 đến 40 nhân dân tệ (tương đương 3 đến 6 USD). Đây không phải mức giá rẻ thế nhưng giới trẻ Trung Quốc vẫn rầm rộ đầu tư.
Những chai đồ uống tăng lực có các thành phần y học cổ truyền. Ảnh được chụp vào tháng 3/2021. Ảnh: Weibo. |
Hiện không có số liệu bán hàng công khai, nhưng nền tảng mạng xã hội về phong cách sống Xiaohongshu đã có hơn 400.000 bài đăng liên quan đến những loại đồ uống cho “cú đêm”.
Các KOL rầm rộ quảng cáo về những chai nước này với nhiều lời hoa mỹ như “giải pháp kỳ diệu cho đêm muộn”, “thứ mà mọi con cú đêm rụng tóc đều xứng đáng có được” hay “bạn phải thử món này sau một đêm trắng”...
Một blogger còn viết: “Bạn có thấy thành phần táo tàu, hoa cúc, quả tỳ bà không? Không yêu luôn thì là gì?".
Giá trị thực bên trong chai nước tăng lực
Nhiều thương hiệu trà tại Trung Quốc đã bắt đầu bán đồ uống tăng lực dành cho người thức khuya. Một số công ty y học cổ truyền Trung Quốc nổi tiếng thậm chí cũng đã nhảy vào thị trường với các loại trà thảo mộc lạnh, đóng chai.
Nhưng các chuyên gia đặt câu hỏi về lợi ích sức khỏe thực sự của những thức uống này. Một ngụm nước giải khát có thực sự làm giảm tác động của việc thức khuya?
Nhà phân tích ngành công nghiệp thực phẩm Zhu Danpeng cho biết: “Nếu không có dữ liệu lâm sàng, rất khó để xác định đồ uống tăng lực có thể thực sự dẫn đến cải thiện sức khỏe hay không”.
Hơn nữa, theo lý thuyết y học cổ truyền, các thành phần dược tính cần phải được tính toán cẩn thận với từng cá nhân, điều mà các sản phẩm đồ uống bán đại trà không bao giờ có thể làm được.
“Nếu bất kỳ thực phẩm hoặc đồ uống nào không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Nhà nước chấp thuận là sản phẩm chăm sóc sức khỏe thì nó không thể được bán trên thị trường với những quảng cáo như trên mạng xã hội. Nếu họ bán hàng như vậy mà không chứng minh được hiệu quả, họ có thể vi phạm Luật An toàn thực phẩm và Luật Quảng cáo”, Zhu Danpeng giải thích thêm.
Thức uống tăng lực được chụp tại Thượng Hải vào tháng 6/2019. Ảnh: Weibo. |
Tuy vậy, sự hấp dẫn của các loại đồ uống tăng lực, cải thiện sức khỏe vẫn đang bùng nổ tại Trung Quốc với những minh chứng rõ ràng.
Theo báo cáo từ Diễn đàn Đổi mới Thực phẩm & Đồ uống (FBIF), Water Store, một thương hiệu trà tăng lực, đã được đầu tư đến 10 triệu nhân dân tệ trong ba tháng. Khi Water Store mở cửa hàng đầu tiên ở Thanh Đảo vào năm 2020, họ đã bán được hơn 3.000 đơn hàng ngay trong tháng đầu tiên.
Chunfeng, một thương hiệu cũng bán đồ uống sức khỏe, đã huy động được hàng chục triệu nhân dân tệ. Người sáng lập Chunfeng, Hu Kaiji, từng tiết lộ rằng doanh thu hàng tháng của mỗi cửa hàng dao động từ 200.000 đến 600.000 nhân dân tệ và công ty hiện đã có hơn 60 địa điểm.
Zhima Health, một thương hiệu dược phẩm, cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Tờ Beijing Business Today đưa tin Zhima Health đang có kế hoạch mở thêm 300 cửa hàng trên khắp Bắc Kinh trong năm tới.