Một lần nữa, cụm từ "ngáo đá" lại khiến xã hội hoang mang khi một thanh niên mới 19 tuổi ở Bình Dương ra tay sát hại dã man một cụ ông 84 tuổi sau khi sử dụng ma túy đá. Người này sau đó đã tử vong tại bệnh viện do có biểu hiện sốc thuốc.
Đáng sợ cơn loạn thần cấp
Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần Khu vực TP.HCM, ma túy đá hay "hàng đá" tức amphetamin hay methamphetamin có thể kích hoạt cơn loạn thần cấp, dẫn đến nhiều hành vi nguy hiểm ngay sau khi sử dụng. Đó thường là những cơn ảo giác, hoang tưởng bệnh lý mà nguy hại nhất là tình trạng ảo thanh ra lệnh và hoang tưởng bị hại. Ảo thanh là khi họ cứ nghe tiếng nói lạ trong tai, tiếng nói đó có thể xúi giục làm những hành vi nguy hiểm. Hoang tưởng bị hại khiến họ cứ nghĩ người xung quanh đang tìm cách hãm hại mình, nên nhiều khi sẽ "ra tay" trước.
Thường xuyên tiếp nhận các đối tượng được đưa đến giám định vì "ngáo đá", ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang cho biết có đủ dạng án liên quan đến ma túy đá, từ cướp giật, cố ý gây thương tích cho đến các trọng án như hiếp dâm, giết người. Trong đó, có cả những vụ giết chính người thân.
BSCKII Đinh Hữu Hào, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM), cũng cho biết bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp "ngáo đá" đưa vào cấp cứu. Gần đây, một người đàn ông sau khi bị "ngáo" đã lao ra chặn đầu xe lửa dẫn đến bị thương nặng.
Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) cũng vừa tiếp nhận cứu chữa một nam công nhân trẻ sau khi sử dụng ma túy đá, bị ảo giác, mất kiểm soát hành vi, tự dùng dao đâm vào người ở cổ, ngực, bụng (gần 20 nhát dao). Bệnh viện phẫu thuật khẩn cấp, phối hợp đa chuyên khoa mới giúp bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch.
Một trường hợp ngáo đá rồi chặn đầu xe lửa, được chữa trị tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM) Ảnh: Nguyễn Thạnh. |
Vai trò gia đình rất quan trọng
ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang cảnh báo không chỉ ma túy đá, lạm dụng các loại ma túy tổng hợp khác, chất kích thích nói chung đều gây thiệt hại cho sức khỏe tức thời lẫn lâu dài. Tức thời là các trường hợp loạn thần cấp nói trên. Lâu dài là các rối loạn thần kinh như giảm trí nhớ - giảm tập trung, rối loạn nhận thức, rối loạn hành vi, ảo giác kéo dài... các vấn đề thực thể như rối loạn nhịp tim, nước, điện giải, suy gan, thận, tim...
BSCKII Lưu Kính Khương, khoa Gây mê hồi sức Ngoại - Bệnh viện Nhân Dân 115, cung cấp thêm thông tin hiện trên thế giới chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị nghiện ma túy đá. Hơn nữa, thời gian điều trị loạn thần cũng tùy từng trường hợp, thậm chí có người không đáp ứng. Ma túy đá nếu sử dụng trên 6 tháng là đã có thể gây loạn thần và các tổn thương não không thể hồi phục.
Nói về việc để người bình thường có thể nhận diện người lạm dụng ma túy đá, ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang cho rằng rất khó khăn do nhiều người không hề có biểu hiện gì trong đời sống bình thường. ThS.BS Quang ví dụ một trường hợp từng gây hoang mang dư luận là câu chuyện người dùng mã tấu chặt hàng loạt kính ôtô trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM cuối năm 2017. Khi công an bắt và đưa đi giám định tại Trung tâm Pháp y tâm thần Khu vực TP.HCM, anh ta ngồi rất ngoan, hiền lành, nói chuyện lễ phép.
"Ma túy tổng hợp không gây hội chứng cai nặng nề như ở người nghiện heroin (những cơn vật vã đói thuốc) nhưng nó gây nghiện nặng về mặt tâm lý, khiến trong nhiều hoàn cảnh người nghiện nhớ thuốc mà dùng trở lại. Vì vậy, sự hỗ trợ của người nhà giúp người từng dùng ma túy đá thay đổi môi trường, sống lành mạnh là rất quan trọng. Chỉ có người thân của họ, có điều kiện tiếp xúc lâu dài, đôi khi quan sát được một số biểu hiện lạ. Nếu thấy người thân của mình có các biểu hiện bất thường như nói lảm nhảm một mình, bảo rằng nghe tiếng nói lạ trong tai, có các suy nghĩ hoang tưởng, thay đổi tính tình... nên sớm đưa họ đến BS chuyên khoa tâm thần" - ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang khuyến cáo.