Đầu tiên phải nói rằng tôi không phải chuyên gia ẩm thực. Tôi lớn lên ở New England, nơi người dân ăn chủ yếu rau và thịt, như gà với súp lơ, bò với khoai tây hoặc với rau củ… Tám năm qua, tôi sống ở New York và từng ăn tại những nhà hàng sang trọng. Nhưng tôi không thể nói tôi là chuyên gia ẩm thực, trừ khi đi du lịch. Lúc đó, đồ ăn không chỉ đơn thuần là đồ ăn, mà là văn hóa bản địa. Không có gì ngạc nhiên khi tôi trở nên phát cuồng trong chuyến đi gần đây đến Việt Nam. Đồ ăn quá ngon! Tôi dành nhiều ngày ăn liên tục ở các thành phố, làng quê. Và đây là những món ăn ưa thích của tôi.
Phở
Sẽ thật thiếu sót nếu không bắt đầu bằng món phở. Được biết đến chủ yếu như một loại thức ăn đường phố, phở được là tinh túy của ẩm thực Việt, và bởi vậy, tìm được quán phở ngon nhất rất quan trọng. Tôi tìm được một quán phở ngon trong một hẻm nhỏ ở TP HCM. Họ có tất cả những gì tôi muốn: sợi phở mềm, mượt, nước dùng thơm ngon và gia vị nêm vừa đủ.
Tuy nhiên, hương vị không chỉ là phần tuyệt nhất, mà chính là ở không gian xung quanh. Hôm đó tôi đi một mình. Một đầu bếp người Việt dặn tôi rằng bí quyết để biết một loại đồ ăn đường phố có an toàn không là theo dõi quán trong 10 phút. Nếu nhiều người dân địa phương vào ăn thì bạn nên vào, còn nếu không, hãy tìm nơi khác. Quán mà tôi tìm thấy có rất nhiều người dân địa phương vào ăn, vì vậy tôi tin đồ ăn ngon. Đó là thứ phở ngon nhất tôi ăn trong đời!
"Đây là món phở ngon nhất tôi từng ăn trong đời". |
Bánh mì
Một món rất nổi tiếng khác của Việt Nam là bánh mì. Bánh mì kẹp thịt, rau mùi, dưa chuột, dưa chua và các phụ gia khác. Tôi gọi chiếc bánh mì đầu tiên trong một nhà hàng ngay khi tới TP HCM. Tôi biết mình nên đợi mua ở ngoài phố để có loại bánh chuẩn nhất, nhưng lúc đó tôi như một đứa trẻ vào buổi sớm Giáng sinh vậy, tôi không thể chờ lâu hơn. Món bánh mì của tôi hóa ra lại ngon, nhưng tôi biết tôi có thể tìm được bánh ngon hơn thế. Cũng như phở, bánh mì được coi là một trong những món ăn đường phố ngon nhất.
Ngày hôm sau, khi tôi đang đi bộ thì bất chợt bắt gặp một anh chàng đang ngồi xe máy, vừa nhai bánh mì và mỉm cười liên tục. Tôi nghĩ bụng: “Anh chàng này biết phải làm gì đây”, và tôi bắt chước.
Như tôi đã nói, đồ ăn không đơn giản chỉ là đồ ăn, còn là văn hóa. Anh chàng này đối với tôi chính là một trải nghiệm thu nhỏ về món bánh mì. Hóa ra anh ấy ăn ở một quầy bánh mì rất nổi tiếng, khi đó có ít nhất 6 người đang đứng chờ mua bánh, và đáng chờ thật. Dưa chua rất tươi, thịt mềm, mềm hơn ở nhà hàng rất nhiều, và quá ngon. Hai tuần sau đó tôi vẫn nghĩ đến chiếc bánh đó.
Món bánh mì đường phố danh bất hư truyền của Việt Nam. |
Đồ uống
Trước khi đến Việt Nam, bạn trai tôi có giao một nhiệm vụ: uống thật nhiều cà phê Việt Nam. Lý do? Đó là thứ đồ uống ngon tuyệt, với 3 nguyên nhân. Thứ nhất, cà phê vốn đã rất ngon. Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, và họ là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Thứ hai, họ pha với hộp sữa đặc có đường. Và thứ ba, họ cho đá. TP HCM rất nóng nên uống cà phê nóng không phải là điều khôn ngoan cho lắm. Ba điều hoàn hảo này làm cho cà phê trở nên ngọt không ngờ, và làm tôi bồn chồn suốt cả chuyến đi.
Một món đồ uống đáng nhớ khác là trà mật ong. Tôi không biết có thứ gọi là trà mật ong cho tới khi tôi đi thuyền đến một trại nuôi ong ở một hòn đảo nhỏ có tên Cồn Lân trên sông Mekong, dòng sông dài nhất châu Á. Khi cả nhóm đến trại, một người địa phương pha trà đen và mật ong tự chế cùng nước cốt chanh ngay trước mặt chúng tôi. Tôi chỉ có một từ để tả: Tuyệt diệu! Món trà này ngon không tả nổi. Người hướng dẫn nói rằng món này rất tốt cho sức khỏe, giúp kéo dài tuổi thọ. Tôi có thể tự làm ở nhà, nhưng nó sẽ không giống như thế này được, vì mật ong và phấn hoa ở đảo hoàn toàn khác. Nhưng dù sao tôi cũng vẫn sẽ thử.
Các nguyên liệu pha trà chanh mật ong. |
Ăn trưa kiểu địa phương
Sau trại ong, nhóm chúng tôi đến một nhà hàng trên sông Mekong. Món ăn ưa thích của tôi là bánh nếp. Ở Mỹ, nói đến cơm nếp thường là thứ cơm trắng ngọt ăn với rau hoặc thịt. Nhưng ở đó lại hoàn toàn khác. Họ ngâm gạo, nghiền và nắm thành nắm to tròn rồi nấu với đường, rỗng ruột. Họ cắt thành từng miếng nhỏ, ăn trước bữa chính. Tôi ăn nhiều hơn mọi người cùng bàn.
Các món khác là cá tai tượng (dù cá trông không giống tai voi lắm), nem cuốn cắm trong trái dừa và tôm đựng trong trái dứa (tôi không ăn được tôm vì sợ mắt tôm). Nhưng thế vẫn chưa đủ, chúng tôi có món chính là lẩu. Lẩu có ở mọi nơi tại Việt Nam, cầu kỳ hơn phở một chút.
Đồ ăn vặt
Tôi là chúa ăn vặt và Việt Nam không hề làm tôi thất vọng. Việt Nam có rất nhiều hạt điều. Quốc gia này là nhà cung cấp điều lớn nhất thế giới. Điều được bán khắp nơi, từ chợ đến đường phố.
Việt Nam còn có rất nhiều loại trái cây ngon, đặc biệt ở những vùng nông thôn. Họ trộn muối với bột ớt và phủ lên trên trái cây. Vị ngọt của trái cây pha lẫn vị mặn của muối ngon tuyệt, làm cho trái cây càng hấp dẫn.Một loại quả khá to ở Việt Nam là mít, với vỏ xanh và lõi vàng, trông rất thú vị mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Điều kỳ quặc là mặc dù vỏ ngoài rất xù xì, ruột lại vô cùng mềm mại. Và một thứ nữa là kẹo dừa ở dọc sông Mekong. Những người nông dân nói với chúng tôi rằng họ cắt lõi dừa tươi ép lấy sữa dừa, sau đó đun sữa dừa cho tới khi cô đặc. Tiếp đó, họ để hỗn hợp nguội và ép phẳng, sau đó cắt ra thành các miếng nhỏ hình chữ nhật.
Chuyến đi Việt Nam của tôi phần lớn xoay quanh các món ăn. Khi trở về nhà, bạn bè và gia đình tôi hỏi về chuyến đi, phản ứng đầu tiên của tôi là: “Đồ ăn! Đồ ăn!”.