Lấy cảm hứng từ vụ tham nhũng Abscam của FBI gây chấn động nước Mỹ, American Hustle muốn khắc họa hình tượng những nhân vật nổi loạn, mưu mô và toan tính. Khi ấy, con người sống liều lĩnh, chấp nhận mọi rủi ro để tiến thân.
Thời trang trong American Hustle là “nhân vật” trung tâm để nhà làm phim kể cho khán giả một câu chuyện có thật. Ở đó, nội tâm phóng khoáng đến có phần nổi loạn được bộc lộ qua các mẫu váy quấn khoét lưng, cổ sâu, bộ suit ống loe đỏm dáng hay hình ảnh các chàng trai thoải mái uốn tóc tại nhà. Và với tài năng vượt trội, Michael Wilkinson, nhà thiết kế trang phục American Hustle hoàn toàn chinh phục được khán giả khi tái hiện chân thực bối cảnh nước Mỹ thập niên 1970 thông qua thời trang.
Thời trang của sự tự do
Giai đoạn 1970 mang tên là thời đại disco bởi vẻ phô trương, hoa mỹ. Khi ấy, mọi xu hướng thời trang thịnh hành đều được giới trẻ “trình diễn” trên sàn nhảy disco. Để miêu tả vẻ phù phiếm, hoa lệ nhưng nổi loạn ấy, Michael Wilkinson dùng chất liệu nhung, lông thú, kim sa.
Nữ diễn viên Jennifer Lawrence vào vai một bà vợ an phận sống ở ngoại ô khu Long Island buồn tẻ. Cô chỉ quanh quẩn trong nhà. Vì thế, trang phục của cô trong phim hầu hết là những bộ đầm mặc nhà có phần luộm thuộm. Mái tóc uốn búi cao và bộ móng tay sơn đỏ là điểm nhấn được lặp đi lặp lại nhiều lần xuyên suốt bộ phim.
Tuy nhiên, không vì thế mà nhân vật của Jennifer Lawrence mất đi vẻ nổi loạn, táo bạo của phụ nữ giai đoạn này. Khi xuất hiện trong bữa tiệc tại sòng bạc, từ một bà vợ luộm thuộm, Jennifer Lawrence đã “lột xác” với bộ đầm trắng ôm sát, khoét lưng sâu. Cô cũng lột tả đầy đủ vẻ phù phiếm của xã hội Mỹ khi khoác lên mình chiếc váy quấn họa tiết da báo, áo khoác lông thú.
Các mẫu phác thảo trang phục dạ tiệc ấn tượng. |
Michael Wilkinson cho biết, thách thức của anh là phải thiết kế trang phục theo từng tính cách nhân vật. Nếu Jennifer Lawrence mang vẻ ngoài luộm thuộm thì nhân vật của Amy Adams phải thật lôi cuốn. Vào vai một cô gái giả vờ làm quý tộc Anh để lừa tiền người khác, Amy Adams dùng thời trang để quyến rũ người đối diện. Đó là những thiết kế áo, đầm xuyên thấu, khoét cổ sâu mà cô diện khi lần đầu đến tiệm giặt là, khi gặp nhân viên FBI hay khi đến khách sạn gặp ngài thị trưởng. Đó là chiếc váy kim sa cổ yếm, khoe trọn phần lưng trần khi cô xuất hiện tại bữa tiệc trong sòng bạc. Đó là mẫu áo khoác lông thú trắng khi xuất hiện tại sân bay New Jersey. Thông qua thời trang, nhân vật của Amy Adams bộc lộ tính cách liều lĩnh, nổi loạn và giấc mơ phù phiếm, xa hoa.
Thập niên 1970 cũng là giai đoạn cuối cùng nam giới thoải mái chọn lựa mọi màu sắc, chất liệu và phụ kiện. American Hustle đã mang đến không khí thời trang nam cởi mở, phá cách. Nhân vật của Bradley Cooper có thể thoải mái diện quần ống loe, suit sẫm màu cùng cà-vạt lòe loẹt. Là nhân viên FBI, dĩ nhiên anh thường xuất hiện với bộ suit polyester bình dân. Ở một thái cực khác, thời trang của Christian Bale lại phô diễn đầy đủ vẻ hào nhoáng, xa hoa của thời đại disco. Bộ suit nhung đỏ anh vận trong khách sạn, suit ca-rô khi đến bảo tàng nghệ thuật… đều góp phần tạo nên ấn tượng về người đàn ông đáng tin cậy. Với Christian Bale, đây là những thiết kế trang phục anh thích nhất từ trước đến nay, bởi chúng “thể hiện sự đa dạng trong phong cách, cá tính và cảm nhận của phái mạnh về thời trang”.
Cuộc tái hiện kỳ công
Trang phục của American Hustle chủ yếu do Michael Wilkinson phác thảo. Một phần khác lại đến từ các… tiệm đồ cũ. Để tìm đúng những thiết kế từ thập niên 1970 còn lại đến ngày nay, Wilkinson và ê-kíp đã gọi điện đến từng cửa hàng đồ cũ trên khắp nước Mỹ để tìm kiếm từng mẩu trang phục.
American Hustle cũng không thể thiếu sự hiện diện của các ông lớn thời trang. Chiếc váy quấn của Diane von Furstenberg là một trong những trang phục xuất hiện nhiều nhất phim. Tiếp đó là sự góp mặt của Gucci, thương hiệu thời trang vốn được biết đến với các trang phục phá cách đến có phần hoang dại. Sự xuất hiện của Gucci phần lớn nằm ở trang sức, phụ kiện như túi xách, mắt kính, giày đế xuồng.
Đến nay, váy quấn vẫn là một trong những trang phục căn bản, xuất hiện trong hầu hết các bộ sưu tập thời trang. American Hustle còn thổi bùng lên xu hướng trang phục cổ yếm. Mùa mốt 2014, cổ yếm đã trở thành một trong những xu hướng thảm đỏ nổi bật. Ca sĩ Rihanna, các nữ diễn viên Anne Hathaway, Naomi Watts, Mila Kunis… đều là tín đồ của trào lưu đầm cổ yếm khoét sâu này.
American Hustle khép lại một năm mỹ mãn khi được Hiệp hội Điện ảnh New York bầu chọn là bộ phim Mỹ hay nhất năm 2013. Với công chúng yêu thời trang, sức cuốn hút của bộ phim còn đến từ trang phục. Với màn trình diễn thời trang ngoạn mục và kỳ công, American Hustle còn được xem là một “cuốn từ điển” mô tả chân thực, sống động và đầy đủ bức tranh thời trang và xã hội Mỹ thập niên 1970.
Tung hứng với phụ kiện
Phụ kiện là một phần quan trọng để nữ diễn viên Amy Adams trở thành quý cô New York thập niên 1970 “chính hiệu”:
Khăn choàng lông thú là một trong những phụ kiện được Amy Adams diện thường xuyên. |
Nổi bật trên đường phố với chiếc túi xách biểu tượng của nhà Gucci: Bamboo Lady Lock. |
Nhà thiết kế của những bộ phim mới
Michael Wilkinson là người gốc Úc sinh năm 1971 hiện đang sống tại Los Angeles. Mới đây, tạp chí Variety đã bầu chọn Michael Wilkinson là một trong những tên tuổi có ảnh hưởng lớn đến ngành điện ảnh Hollywood.
Trong sự nghiệp thiết kế phục trang phim, Michael Wilkinson từng đoạt giải Thiết kế trang phục xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Hamilton 2013 và Liên hoan phim Hollywood 2013. Wilkinson cũng từng nhận được đề cử tại Liên hoan phim BAFTA, Oscar…
Hiện nay, anh là thành viên Viện hàn lâm, Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh, đơn vị tổ chức Oscar thường niên. Tuy không còn sinh sống tại quê nhà, nhưng Michael Wilkinson vẫn là niềm tự hào của người dân Úc. Anh cũng là nhà thiết kế trang phục cho Lễ khai mạc Olympic Sydney 2000.
Hiện nay, Michael Wilkinson là nhà thiết kế trang phục phim hàng đầu Hollywood. Tên tuổi anh gắn liền với những phim “bom tấn” như Man of Steel (2013), Twilight (2012), Tron: Legacy (2010), Moulin Rouge! (2001)…