Mới đây, Reuters đăng tải thông tin các tài liệu nội bộ của Johnson & Johnson cho rằng hãng này biết phấn rôm của họ nhiễm amiăng từ lâu nhưng lại giữ kín thông tin này.
Theo thông tin từ Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), các loại amiăng, kể cả amiăng trắng (Chrysotile), đều được khẳng định là có hại cho sức khỏe. Sau 40 năm nghiên cứu, từ năm 1973 Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người.
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho hay amiăng gây ung thư theo cơ chế cơ học. Cụ thể là amiăng chỉ khi nào ở dạng bụi, hạt, mảnh gãy rất nhỏ và con người hít phải mới gây ung thư. Khi amiăng kết rắn trong những tấm lợp xi măng không có tác hại gây ra căn bệnh này. Hơn nữa, những tấm lợp xi măng sử dụng dưới 10% amiăng nên không có khả năng tái tạo thành bụi.
Bụi amiăng là chất rất trơ như mảnh vụn thủy tinh, amiăng sợi rất mảnh nên khi người lao động khai thác, nghiền, chế tạo amiăng, những hạt bụi rất nhỏ nhưng sắc cạnh đi vào trong phổi, có thể đi vào tận đáy phế nang hoặc vào các nội bào. Khi phổi co giãn liên tục, các sợi amiăng tạo thành vết thương. Cơ thể tiết ra chất bọc lấy dị vật để dị vật không tiếp tục gây thương vong cho các bộ phận khác.
Các sợi amiăng xâm nhập vào phổi, tích tụ và gây tổn thương lâu dài. Ảnh: CDC. |
Nếu nhiều hạt amiăng trong phổi, nội bào gây tổn thương lâu dài, tạo ra khối u. Ban đầu, chúng chỉ là u lành nhưng trong quá trình biến đổi của cơ thể, khối u đó sinh sôi thành các khối u ác tính.
“Amiăng nguy hiểm khi ở dạng bụi và chủ yếu hại ở khâu khai thác, vận chuyển cũng như chế biến. Khi bụi amiăng thành vật để sử dụng thì không gây độc hại”, PGS.TS Trần Hồng Côn khẳng định.
Vì vậy, công nhân khi tham gia khai thác, sản xuất, chế biến amiăng nên được bảo hộ tốt để không hít phải bụi. Người dân sống gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa amiăng (tấm lợp, má phanh…), khi có các biểu hiện bệnh do bụi amiăng cần đi khám và báo cho các cơ quan có thẩm quyền (môi trường, y tế) để kiểm tra, xử lý và điều trị bệnh kịp thời.
Hiện nay, một số nước cũng cấm nhập khẩu, khai thác amiăng nhưng cũng tùy theo nền kinh tế và nhu cầu sử dụng. Khi nền kinh tế phát triển, đời sống con người được nâng cao, những chất gây độc hại sẽ bị loại trừ.
GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết hiện nay trên thế giới có 40 nước cấm sử dụng amiăng vì đây là một trong những tác nhân gây ung thư phổi, bụi phổi.
“Việt Nam hay dùng sản phẩm ngói có thành phần của bụi amiăng, theo tôi, để bảo vệ sức khỏe của chính mình, chúng ta nên hạn chế sử dụng. Nếu gia đình đang sử dụng tấm lợp A-C thì không tự ý tháo dỡ, vứt bỏ vật liệu chứa amiăng mà cần có tư vấn của cơ quan môi trường địa phương, không dùng các tấm amiăng vỡ để lát đường, làm chuồng trại. Tại Australia, những sản phẩm như ngói cũ hay mảnh vụn làm bằng amiăng rơi xuống đất, khi khảo sát làm nhà, nếu phát hiện còn sót những mảnh vụn đó, người dân cũng phải vứt bỏ”, GS.TS Nguyễn Bá Đức nói.
Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường. Các công việc phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất (xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn…) hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu amiăng để làm đường, đổ làm móng nhà….
Tác hại của amiăng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), mảng màng phổi, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng. Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau thời gian rất lâu từ 20-30 năm nên thường đến khi người lao động nghỉ hưu mới mắc bệnh.