Ăn bốc thế nào cho đúng chuẩn người Ấn Độ, Malaysia
Thứ bảy, 8/12/2018 12:26 (GMT+7)
12:26 8/12/2018
“Ăn bốc” là nét văn hóa độc đáo của một số quốc gia châu Á. Nếu tuân thủ những quy tắc dưới đây, bạn sẽ cảm thấy thức ăn dường như ngon hơn khi thưởng thức theo phong cách này.
1. Xem việc ăn bốc là một chuyện bình thường: Điều đầu tiên, nếu đã quen với việc sử dụng đồ dùng như đũa, muỗng, hãy nhớ rằng, bạn từng dùng tay để cầm, nắm ít nhất một vài lần trong các món pizza, gà rán... Tuy nhiên, bữa "ăn bốc" truyền thống không đơn giản như vậy. Các món đưa lên bàn tiệc đều liên quan đến gạo. Bạn phải thao tác đúng một số kỹ thuật để nắm thức ăn thật gọn, đưa vào miệng mà không tràn khắp nơi. Nếu cảm thấy điều ấy khó khăn, nghĩ rằng mọi người cũng đang làm việc đó, bạn có thể sẽ dễ dàng hơn một chút. Ảnh: Athletbook.
2. Rửa tay trước khi dùng bữa: Để đảm bảo an toàn vệ sinh, mỗi nhà hàng theo tiêu chuẩn ở Malaysia, Indonesia, Sri Lanka hay Ấn Độ đều đặt sẵn bồn rửa hoặc bình nước sạch, một số nơi có thể thêm xà phòng cho thực khách. Để phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa và bảo vệ sức khỏe của bản thân, trước khi vào tiệc "ăn bốc", bạn không thể bỏ qua công đoạn rửa tay sạch sẽ. Ảnh: Medical Xpress.
3. Chỉ sử dụng tay phải để nắm thức ăn: Thay vì cầm, nắm thức ăn bằng hai tay, thưởng thức đúng chuẩn và tốt nhất là sử dụng tay phải. Người dân ở đây cho rằng, vì thường dùng khi đi vệ sinh nên trong bữa ăn, tay trái chỉ để lấy ly nước trên bàn. Điều này có vẻ khó khăn lúc đầu nhưng khi đã quen, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu có một miếng thịt lợn, bạn nên xé nhỏ hoặc cắn từng chút một. Ảnh: Braingroom.
4. Sử dụng đầu ngón tay để trộn thức ăn: Những món ăn ở Nam Á, Đông Nam Á chủ yếu là gạo, cà ri, rau, nước sốt. Khi thưởng thức, bạn không nên dùng toàn bộ bàn tay để trộn cơm và các thực phẩm khác lại với nhau. Thay vào đó, người dân ở đây thường trộn chúng bằng năm đầu ngón tay, tạo thành những mẩu nhỏ và để vào một góc đĩa ăn hoặc lá chuối. Ảnh: Qraved.
5. Sử dụng nước sốt để làm cho gạo dính với nhau: Trước khi thưởng thức, bạn nên trộn những thứ ngon ngọt như nước sốt, cà ri để chúng dính vào nhau, tránh việc thức ăn dễ bị rơi ra. Mặc dù mất chút thời gian, việc căn chỉnh cho mẩu thức ăn vừa vặn khi đưa lên miệng là điều quan trọng giúp bữa tiệc trông bớt lộn xộn hơn. Ảnh: Darmasalanka.
6. Sử dụng bánh mì làm muỗng: Mỗi món ăn thường sẽ có một loại bánh mì khác nhau như papadum, naan, rotti... Điều này thực sự tiện dụng vì bạn có thể sử dụng đồ đi kèm giống một cái muỗng tạm thời. Nếu việc bốc thức ăn bằng tay khá khó khăn, bánh mì là vật dụng hữu ích để gắp thực phẩm hoặc xắn một ít cơm đã trộn. Ảnh: Colourful India.
7. Ngả đầu về phía bàn ăn: Khi đã nắm thức ăn vừa vặn trong tay, bạn hãy ngả đầu về phía bàn một chút và hơi nghiêng sang một bên để thực hiện động tác đưa thức ăn vào miệng. Nghiêng đầu là cách tốt nhất để thưởng thức được phần nhiều thức ăn. Hơn nữa, dù khéo léo cỡ nào, bạn cũng không tránh được việc một ít cơm bị rơi ra ngoài. Vì vậy, kỹ thuật này giúp thức ăn sẽ rớt xuống đất hoặc vào đĩa (lá chuối), tránh làm bẩn đồ áo. Ảnh: Hopscotch.
8. Đẩy thức ăn vào miệng bằng ngón cái: Để có một bữa ăn tuyệt vời, bạn hãy thực hiện một số kỹ thuật sau: Đặt ngón cái phía sau mẩu thức ăn đã nằm gọn trong nắm tay, bạn đưa mặt đến gần nhất với bàn tay phải, sau đó dùng ngón cái, đẩy thức ăn vào miệng. Bạn không phải đưa cả đầu ngón tay vào trong miệng nhưng có thể liếm nếu cảm thấy thức ăn ngon. Những thao tác đó sẽ được lặp lại và không cần thiết rửa sạch cho đến khi thưởng thức xong bữa ăn. Ảnh: Bestie.
Roti canai là loại bánh mì truyền thống rất nổi tiếng ở Malaysia, gần như mọi con phố đều tỏa ra hương thơm khó cưỡng của loại bánh này cùng mùi cà ri gà chấm kèm.
Ẩm thực đường phố của Malaysia là sự pha trộn hài hòa giữa các hương vị của nhiều đất nước. Nếu đặt chân đến nơi này, bạn đừng bỏ qua những món ăn ngon tuyệt dưới đây.
Ăn bằng tay phải ở Ấn Độ hay không ăn trước khi người lớn tuổi dùng bữa ở Hàn Quốc là những quy tắc bạn nên nhớ để “nhập gia tùy tục” khi đi du lịch các nước.