Bà C. có ăn 2 miếng bỏng ngô do con đặt mua trên mạng. Ảnh: Eatthis. |
Ngày 5/12, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin hiện điều trị cho bệnh nhân P.T.C. (nữ, 56 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) được chẩn đoán bị ngộ độc sau khi ăn nhầm bỏng ngô nghi có tẩm cần sa.
Người nhà bệnh cho hay khoảng 16h30 ngày 29/11, bà C. có ăn 2 miếng bỏng ngô (do con đặt mua trên mạng). Sau một tiếng, người phụ nữ này cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn. Sau đó, bà C. ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho hay bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ nên đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo hiện nay có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không chỉ dưới các dạng truyền thống như viên, bột, tem…mà còn được trộn vào các loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống.
Trước đó, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và thuốc lá điện tử, thuốc lào. Đây là lần đầu tiên ngộ độc cần sa sau ăn bỏng ngô được phát hiện.
Bác sĩ Nguyên cũng nhấn mạnh cần sa là một loại ma túy tự nhiên và cổ điển, việc xét nghiệm phát hiện dễ dàng. Tuy nhiên, hầu hết ma túy khác hiện nay là các chất mới, được thay đổi và tạo mới hàng ngày (thường được gọi dưới tên không chính xác là các chất cần sa tổng hợp).
"Các phòng xét nghiệm hiện đại của nước ta còn chưa kịp nghiên cứu tìm ra cách phát hiện, nhà nước còn chưa đưa vào danh sách cấm thì đã có chất mới xuất hiện thêm", bác sĩ Nguyên nói.
Hiện nay, ngoài một vài phòng xét nghiệm thuộc hệ thống pháp y, khoa học hình sự, tất cả phòng xét nghiệm ở các bệnh viện và đơn vị cơ động kiểm tra ma túy nhanh trên cả nước đều không thể phát hiện những loại ma túy mới này. Do đó, tất cả ma túy này dễ dàng đi qua cửa khẩu hải quan.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.