'Ăn chắc, mặc bền' nghề buôn xe cũ
Xe nhập “chết”, xe mới ảm đạm. Nghề buôn xe cũ bỗng chốc “lên đời” nhờ kiểu kinh doanh “ăn chắc, mặc bền” và hợp thời.
Sau Thông tư 20/2011, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô như nhận được một “bản án khai tử”. Nhiều doanh nghiệp chuyển hẳn sang kinh doanh lĩnh vực khác. Số khác cố vớt vát bằng cách “lách” thông tư nhập xe ở dạng Việt kiều hồi hương nhưng cuối cùng cũng “chui đầu và rọ”. Còn lại số ít chuyển hướng kinh doanh xe đã qua sử dụng, và đó là cách làm xem ra “an toàn” mà vẫn “sống” được qua cơn bĩ cực.
Kinh doanh xe cũ sống tốt ngay cả ở thời điểm khó khăn. |
Anh Dũng (công ty D.N.T) trên đường Lê Văn Lương cho biết: “Ngay sau khi Thông tư 20 ra, mình chuyển ngay sang kinh doanh xe cũ. Hai năm làm xe cũ, lãi suất không cao như thời làm xe nhập nhưng vẫn túc tắc sống khỏe”.
Theo anh Dũng, buôn xe cũ dù ăn lãi ít nhưng được cái là không sai luật. Hơn nữa, nhu cầu của nười dân mua xe đã qua sử dụng lúc nào cũng có. Dù vẫn còn khó khăn, nhưng thị trường xe cũ hồi phục nhanh hơn xe mới do xe cũ không phải chịu khoản phí trước bạ và phí cấp biển cao, lại phù hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng.
Buôn xe cũ, lãi ít nhưng “an toàn”. |
Mặc cho các doanh nghiệp kinh doanh ôtô mới liên tục khuyến mại rầm rộ để thu hút khách hàng, nhưng chi phí cho xe mới quá cao đã giúp cho ôtô cũ có sức hấp dẫn hơn hẳn trong thị phần khách hạng trung.
Lấy ví dụ, mua một chiếc xe mới giá 500 triệu đồng, chủ xe không đi ngay được mà còn phải bỏ thêm ít nhất khoảng 100 triệu nữa cho lệ phí trước bạ, phí cấp biển số, bảo hiểm vật chất… mới chạy được. Nhưng với xe cũ, không cần đến những chi phí này, mua xong là đi ngay, thủ tục mua bán cũng hết sức đơn giản và nhanh gọn. Thêm vào đó, do phải khấu hao mỗi năm từ 10-15%, vì vậy giá xe cũ giảm nhiều, rất hợp lý với nhiều người túi tiền vừa phải lại đang khao khát có xe 4 bánh.
Kỹ nghệ buôn xe cũ
Với những người buôn xe lâu năm, việc nhận ra lợi thế khi kinh doanh xe đã qua sử dụng là điều họ biết rõ hơn ai hết. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được.
Anh Việt (Chủ tịch Hội đồng Quản trị – công ty cổ phần A.V – Gia Lâm) – người đã có thâm niên làm xe cũ từ năm 2009 cho hay: “Bạn bè tôi chuyển sang kinh doanh xe cũ cũng nhiều, nhưng những người phải 'bỏ cuộc' cũng nhiều. Vì kinh doanh xe cũ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: quan hệ, nguồn xe, phải có kiến thức về xe và định được giá xe”.
“Giả dụ anh có khách mà không có xe hoặc không sớm tìm ra chiếc xe phù hợp với yêu cầu của họ thì cũng vứt. Ngược lại, nhập một đống xe về mà xe lại đắt quá, sang quá hay tốn xăng quá thì cũng chẳng ma nào đến mua ở cái thời điểm khó khăn này” – Anh Việt cho biết thêm.
Người buôn xe cũ luôn biết nâng giá trị của chiếc xe khi bán ra. |
Vì thế, những ông chủ buôn xe cũ như anh Dũng, anh Việt đều phải liên kết với một đội quân chuyên săn xe cũ. Cần mua xe thì yêu cầu họ tìm mà cần bán xe thì nhờ họ giới thiệu khách. Sau đó, trích phần trăm hoa hồng cho “đội quân” này.
Bên cạnh đó, những người làm xe cũ cũng phải giỏi thương thảo và định giá chuẩn chiếc xe. Thương thảo tốt, định giá sát thì càng có lãi. Chuyện bán được chiếc xe lãi 5-10 triệu hay cả mấy chục triệu đồng hóa ra lại dựa vào tài “buôn nước bọt”.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất với giới buôn xe cũ là họ phải nâng được giá trị chiếc xe mà mình định bán. Anh Cảnh (Hương Cảnh Auto – Định Công) một người đang “phát” trong nghề buôn xe cũ chia sẻ: “Buôn xe cũ muốn 'ăn' thì phải có xưởng. Gara của mình, thợ thuyền của mình. Xe về mà hỏng nặng thì sửa hay đại tu lại. Xe cũ, có hình thức kém thì phải tút tát, lắp thêm hay thay thế sao cho xe thật 'ngon', bán lại mới được giá”.
Đi buôn phải gặp thời
Mới đây, thông tin về quy định giảm lệ phí trước bạ với ôtô đăng ký lần đầu xuống mức chung 10% và không quá 15%, lần 2 trở đi là 2% trên toàn quốc đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh xe cũ như được chắp thêm cánh.
Mức lệ phí trước bạ của xe cũ xuống mức 2%, dù chưa thành hiện thực, nhưng đã khiến cho thị trường xe ôtô cũ trong những ngày gần đây “ấm áp” hẳn lên.
Đại diện một số sàn, showroom chuyên doanh ôtô cũ tại khu vực Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ, Giải Phóng, Lê Văn Lương… cho biết, sau khi có thông tin về việc Chính phủ có thể sẽ đồng ý giảm lệ phí trước bạ với xe cũ xuống còn 2%, lượng khách hàng tìm mua các loại xe cũ đã tăng hẳn.
“So với thời điểm cuối năm ngoái, đến giờ lượng khách gọi điện rồi đến xem và lấy xe đã tăng hơn hẳn. Trung bình một tuần cũng xuất được từ 3 đến 5 chiếc” - Anh Luân, chủ một showroom xe cũ trên đường Lê Văn Lương cho hay.
Cũng theo đại diện các trung tâm mua bán xe cũ, các dòng xe hạng thấp và trung vẫn là dòng được nhiều người xem và chọn mua. Các dòng như Kia Morning, Matiz, Toyota Vios, Hyundai Getz… nhận được nhiều lời hỏi và xem của khách hàng, thậm chí dòng xe Kia Morning các đời 2009, Matiz còn được thông báo phải đặt trước chờ mới có hàng.
Các dòng xe cũ hạng thấp và trung đắt khách. |
Chính vì nhu cầu tăng mạnh cũng đã khiến cho giá của các dòng xe hạng thấp và trung tăng hơn so với thời điểm cuối năm 2012 từ vài triệu đến vài chục triệu/xe.
Hiện tại, giá của dòng Kia Morning đời 2009 từ 340 – 355 triệu đồng/xe, Toyota Vios đời 2007 giá khoảng 380 triệu đồng/xe, Daewoo Lacetti đời 2009 giá từ 450 – 455 triệu đồng/xe, Hyundai Getz đời 2008, 2009 giá từ 365 – 385 triệu đồng/xe, Toyota Innova đời 2007, 2008 giá hơn 500 triệu/xe…
Thực tế, giá xe cũ dòng trung và thấp tăng trong thời điểm này cũng là do nguồn cung không phải lúc nào cũng có sẵn mà cầu lại cao lên, vì thế việc tăng giá là hiển nhiên. Bởi vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xe cũ cứ ngày càng “ấm” lên do lãi suất bán xe ở thời điểm này cao hơn trước đó.
Theo AutoDaily