TAND tỉnh Đắk Nông vừa xử phúc thẩm vụ cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn và đã đình chỉ vụ án đối với 10 bị cáo. Điều đáng nói là trước đó, dù bản án sơ thẩm bị kháng cáo toàn bộ nhưng tòa huyện đã buộc một bị cáo đi thi hành án (THA) phạt tù.
Thi hành bản án chưa có hiệu lực
Theo hồ sơ, tối 16/1/2018, trong một tiệc cưới ở huyện Đắk Song, Đắk Nông, do thấy khó chịu với việc C. từ chối uống rượu nên có một người nói rằng đợi C. ra về sẽ chặn đường đánh cảnh cáo. Sau đó, nhóm của C. đã dùng dao, cơ bi da (được làm bằng gỗ) là hung khí nguy hiểm đánh gây thương tích cho Đ. với tỷ lệ thương tật 4%. Cạnh đó, Đ. cũng dùng dao tấn công làm cụt 1/3 dưới cẳng tay phải của C., gây tỷ lệ thương tật 55%.
Đ. bị bắt tạm giam và bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 134 BLHS.
Riêng nhóm của C. (gồm 10 người) cùng bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS. Trước đó nhóm này bị khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
Ngày 18/6, TAND huyện Đắk Song xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Đ. 5 năm 6 tháng tù, C. lĩnh 12 tháng tù. Chín bị cáo còn lại bị phạt từ 6 tháng tù treo đến 11 tháng 29 ngày tù.
Sau đó, Đ. kháng cáo toàn bộ bản án và một số bị cáo trong vụ án cũng kháng cáo.
Dù bản án đang bị kháng cáo toàn bộ, ngày 25/7, Chánh án TAND huyện Đắk Song ra quyết định THA phạt tù đối với M. (bị phạt 8 tháng tù nhưng không kháng cáo).
Đến ngày 29/8, chánh án mới căn cứ vào đơn kháng cáo toàn bộ bản án ngày 20/6 của Đ. (vừa là bị cáo, vừa là bị hại trong vụ án) để hủy quyết định đi THA hình phạt tù đối với M.
Quyết định nêu rõ: Khi nhận được quyết định này, Trại giam Đắk P’lao, Cục C10, có trách nhiệm trả tự do ngay cho người bị kết án M.
Sáng 13/9, M. mới được trả tự do. Lúc này M. đã THA tù được hơn một tháng.
Đình chỉ vụ án do bị hại rút đơn
Ngày 24/9 vừa qua, TAND tỉnh Đắk Nông đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại tòa phúc thẩm, Đ. đã rút đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với tất cả 10 bị cáo trong nhóm của C. Ngược lại, có bị cáo trong nhóm của C. cũng viết đơn bãi nại hoặc xin giảm nhẹ hình phạt cho Đ.
Từ đó TAND tỉnh Đắk Nông đã đình chỉ vụ án đối với 10 bị cáo (trong đó có C. và M. - người từng bị bắt đi tù hơn một tháng). Đồng thời, tòa giảm nhẹ hình phạt cho Đ. từ 5 năm 6 tháng tù xuống còn 5 năm tù.
Để tìm hiểu lý do vì sao khi bản án chưa có hiệu lực mà tòa đã ra quyết định đi THA đối với bị cáo M., PV đã liên hệ với chánh án TAND huyện Đắk Song nhưng vị này không nghe điện thoại.
Một chánh án quận thuộc TP.HCM cho biết nếu bị cáo M. không có đơn kháng cáo và các bị cáo khác cũng như bị hại trong vụ án không kháng cáo phần liên quan tới hình phạt của M. thì tòa án huyện sẽ phải ra quyết định đi THA đối với M. Tuy nhiên, trong vụ án này, Đ. (vừa là bị cáo, vừa là bị hại) đã kháng cáo toàn bộ bản án thì việc tòa Đắk Song ra quyết định buộc M. phải đi THA là trái với quy định của pháp luật. Lý do, bản án bị kháng cáo toàn bộ thì chưa có hiệu lực pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo M. được đình chỉ do bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố (chứ không phải do oan sai) nên M. không phải bị THA phạt tù. Nhưng do việc sai sót của tòa dẫn đến M. phải đi tù “oan” một tháng, ảnh hưởng đến thân phận, tâm lý và cuộc sống của M.
Bản án có hiệu lực khi nào?
Điều 343 BLTTHS quy định: Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Thủ tục ra quyết định thi hành án
1. Chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định THA hoặc ủy thác cho chánh án tòa án khác cùng cấp ra quyết định THA.
2. Thời hạn ra quyết định THA là 7 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm thì chánh án tòa án được ủy thác phải ra quyết định THA.
3. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì quyết định THA phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan THA hình sự công an cấp huyện để THA.
Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì chánh án tòa án đã ra quyết định THA yêu cầu cơ quan THA hình sự công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã.
(Trích Điều 364 BLTTHS)