Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bi kịch cụ bà 28 năm mang án oan giết chồng

Nửa cuộc đời sống trong tủi nhục vì mang tiếng oan giết chồng, đến nay cụ bà 80 tuổi vẫn đang vất vả đi kiện để được bồi thường oan.

Mới đây, TAND tỉnh Điện Biên có thông báo trả lại đơn khởi kiện của cụ Đặng Thị Nga (80 tuổi, trú tại Tuần Giáo, Điện Biên) cùng các con, liên quan đến việc đòi bồi thường oan sai. Cụ Nga và hai con trai là những người từng phải mang tiếng oan giết hại chồng, cha của mình suốt 28 năm và đã được công khai xin lỗi vào cuối năm 2017.

Mệt mỏi đến cùng cực

Quyết định (QĐ) trên của TAND tỉnh là diễn biến mới nhất sau khi gia đình cụ Nga có đơn khởi kiện vì không chấp nhận số tiền bồi thường 3,6 tỷ đồng do tòa này đưa ra. Lý do tòa trả đơn vì cụ Nga không bổ sung đơn khởi kiện.

Phía cụ Nga thì cho rằng mình yêu cầu hủy QĐ của tòa về việc bồi thường 3,6 tỷ đồng nhưng tòa lại yêu cầu cụ bổ sung đơn kiện theo thủ tục dân sự nên cụ không làm. Cụ Nga cũng cho biết sẽ khiếu nại việc trả đơn kiện này.

Chiều tối 3/10, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của cụ Nga nằm ngay dưới chân đèo Pha Đin, huyện Tuần Giáo. Mái tóc bạc trắng cùng khuôn mặt khắc khổ, cụ nói: “Mệt mỏi lắm rồi nhưng còn sống ngày nào thì tôi nhất định sẽ theo đuổi đến cùng”.

Cụ bảo do tuổi già, cộng với thời gian quá dài đi kêu oan, hiện sức khỏe đã giảm sút trầm trọng. Vì không biết sống thêm được bao lâu nên cụ mong muốn nhanh chóng được bồi thường oan sai để bù đắp cho những gì đã mất.

“Nhà xuống cấp, với đồng lương hưu 4 triệu đồng tôi vừa phải phụ đứa con gái lớn đến nay vẫn chưa lập gia đình, vừa nuôi thằng con trai bị bệnh tâm thần, thực sự là quá khó khăn. Có tiền bồi thường rồi, tôi sẽ cất một căn nhà tử tế, lo cho mấy đứa tốt hơn sau bao năm chúng phải khổ cực” - cụ Nga tâm sự.

An oan giet chong anh 1
Cụ Đặng Thị Nga cùng con gái Trịnh Thị Ngọc tại nhà.

Cụ Nga có năm người con. Thời điểm xảy ra vụ án, cụ và hai con bị bắt, ba người con còn lại ở nhà phải tự rau cháo nuôi nhau. 30 năm sau, một người chết, một người bị bệnh tâm thần, một người thì vẫn ở giá.

Ba người con cụ kể là ông Trịnh Công Hiến, ông Trịnh Việt Dũng và bà Trịnh Thị Ngọc. Ông Hiến vì mang tiếng oan giết cha mà buồn chán, sau đó bệnh tật rồi qua đời. Bà Ngọc vì tần tảo lo cho em khi mẹ phải đi kêu oan mà bỏ lỡ tuổi thanh xuân. ông Dũng vốn là một thanh niên nhanh nhẹn nhưng sau vụ việc đau buồn đã mắc bệnh tâm thần, hiện sống phụ thuộc hoàn toàn vào cụ và chị.

Cụ Nga gạt nước mắt kể: “Mỗi lần tôi đi ra ngoài, họ lại hỏi được đền bù chưa. Rồi thằng Dũng, vốn chẳng nhận thức được gì, thấy người ta liên tục hỏi tiền, nó cũng về hỏi lại tôi “thế chưa được đền bù à” trong vô thức. Tôi chỉ biết khóc, khóc vì những lúc tủi nhục không thấy ai hỏi tới, nay người ta nghĩ rằng mình có nhiều tiền thì ai cũng hỏi…”.

Kiệt quệ vì án oan

Cụ cho biết ngay từ khi lặn lội đi kêu oan, mong mỏi lớn nhất của cụ là được gột sạch tiếng oan. Nhưng khi đã quyết định bồi thường thì phải hợp lý, hợp tình, đúng pháp luật.

Ngồi cạnh mẹ, bà Trịnh Thị Ngọc, đặt vụ án của gia đình mình bên cạnh vụ Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, Trần Văn Thêm… Bà nói nếu so sánh với những người tù oan này thì mức bồi thường cho ba người thân của bà là không tương xứng.

Vụ án của cụ Nga và hai con trai có lẽ là một trong những sai sót tố tụng gây oan nghiệt lớn nhất, bởi người bị kết án oan là ba mẹ con. Họ bị mang tiếng là kẻ sát hại chính người ruột thịt của mình. Bốn ngày kể từ đám tang, khi cụ và các con chưa kịp thấm hết nỗi đau mất chồng, mất cha thì cụ và con lần lượt bị công an bắt giữ.

Gạt nước mắt trên khóe mắt đã nhăn nheo, cụ Nga kể về những ngày tháng địa ngục cách đây gần 30 năm, tất cả vẫn như vừa mới xảy ra.

“Có người nói với tôi bị oan nhưng có làm sao đâu, vẫn sống đó thôi, bây giờ lại được một đống tiền bồi thường. Nghe vậy, tôi đau lắm, họ đâu hiểu cuộc sống khi phải chịu tiếng gièm pha, dè bỉu của thiên hạ, đi ra ngoài mà không dám ngẩng đầu…” - cụ Nga nói.

Cụ Nga kể về những lần có người lạ hay đám trẻ con đi qua nhà, chỉ trỏ và nói “nhà này giết người đó”, cụ chỉ biết ôm các con vào lòng mà nuốt nước mắt. Cụ cũng nói có hai nỗi đau khiến cụ không nguôi, đó là việc con trai cụ chết mà vẫn chưa kịp được minh oan và thủ phạm sát hại chồng cụ vẫn chưa được tìm ra.

Khi còn trong trại giam, ông Hiến xăm lên mình ba chữ “đời oan trái”, nói khi nào được minh oan sẽ tự tay xóa đi. Thế nhưng vì áp lực tiếng xấu của một kẻ “giết cha”, ông suy sụp, từng tự sát bất thành rồi qua đời vào năm 2004.

Năm lần thương lượng bồi thường oan

Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần phản ánh, năm 1989, thi thể ông Trịnh Huy Tùng (chồng cụ Nga) được tìm thấy dưới giếng. Công an huyện Tuần Giáo đã khởi tố, bắt giam ba mẹ con cụ Nga để điều tra về tội Giết người.

Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) xử sơ thẩm, tuyên phạt cụ Nga 36 tháng tù treo về tội Che giấu tội phạm. Hai con trai của cụ là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị tòa buộc tội đã giết ông Tùng, tuyên án lần lượt 18 năm tù và 12 năm tù.

“Được” hưởng án treo, cụ Nga đến khắp các cơ quan kêu oan cho mình và hai con. Tháng 10/2017, cơ quan tố tụng đã quyết định đình chỉ bị can, tuyên bố cụ Nga và hai con trai không phạm tội. Sau đó gia đình cụ Nga và TAND tỉnh Điện Biên trải qua năm lần thương lượng (thấp nhất là hơn 3 tỷ đồng, cao nhất là gần 13 tỷ đồng).

Tháng 7/2019, tòa ra quyết định bồi thường cho ba mẹ con cụ Nga với tổng 3,6 tỷ đồng. Cho rằng số tiền trên là quá thấp nên cụ Nga và ông Dương yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định, xem xét bồi thường thỏa đáng theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (chấp nhận số tiền gần 13 tỷ đồng ở lần thương lượng thứ hai).

Cụ Đặng Thị Nga nên làm gì?

Theo khoản 8 Điều 46 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017, nếu thương lượng không thành thì người yêu cầu có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Như vậy, nếu gia đình cụ Nga và tòa tỉnh không thể thống nhất số tiền bồi thường thì tòa cần hướng dẫn để gia đình cụ Nga khởi kiện tới TAND TP Điện Biên Phủ (nơi TAND tỉnh đặt trụ sở) để yêu cầu giải quyết bồi thường.

Tuy nhiên, TAND tỉnh tự ra QĐ giải quyết bồi thường 3,6 tỷ đồng, đây có thể coi là quan điểm riêng của tòa. QĐ của TAND tỉnh chỉ là một trong những tài liệu khi giải quyết vụ án dân sự. Đây không phải là QĐ hành chính nên cụ Nga kiện yêu cầu hủy QĐ này theo thủ tục tố tụng hành chính là nhầm lẫn. Việc tòa án yêu cầu cụ bổ sung đơn kiện theo thủ tục tố tụng dân sự là đúng.

Do vậy, gia đình cụ Nga không cần khiếu nại QĐ trả lại đơn khởi kiện nêu trên mà việc cần làm là khởi kiện TAND tỉnh ra TAND TP Điện Biên Phủ để yêu cầu bồi thường oan.

Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư Hà Nội

https://plo.vn/phap-luat/bi-kich-cu-ba-28-nam-mang-an-oan-giet-chong-862401.html

Theo Tuyến Phan/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm