Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ấn Độ chấn động về vụ cưỡng hiếp cụ bà 86 tuổi

Mặc dù ở độ tuổi gần đất xa trời, nạn nhân vẫn bị kẻ tấn công hành hung và cưỡng hiếp dã man. Hiện giới chức Ấn Độ yêu cầu xử tử hình thủ phạm.

Zing trích dịch bài đăng BBC, đề cập đến vấn nạn hiếp dâm tại xã hội trọng nam khinh nữ như Ấn Độ. Đa số nạn nhân là nữ, ở mọi độ tuổi, từ mới sinh đến ngoài 60.

Mới đây, cảnh sát thủ đô Delhi (Ấn Độ) đã bắt giữ một người đàn ông khoảng 30 tuổi vì tội cưỡng hiếp và hành hung cụ bà 86 tuổi.

“Thủ phạm tiếp cận người phụ nữ vào tối 7/9 khi bà đang ngồi ngoài cửa nhà đợi nhân viên giao sữa. Hắn nói với nạn nhân rằng người giao sữa sẽ không tới như thường lệ và đề nghị đưa bà đến tận cửa hàng”, Swati Maliwal, người đứng đầu Ủy ban Phụ nữ Delhi, nói với BBC.

cu ba 86 tuoi bi hiep dam anh 1

Nạn nhân vụ hiếp dâm đã gần 90 tuổi. Ảnh: BBC.

Cụ bà tin tưởng chàng trai và đi theo hắn ta tới một trang trại. Tại đó, thủ phạm thực hiện hành vi đồi bại với nạn nhân gần 90 tuổi.

“Nạn nhân đã liên tục khóc và cầu xin người đàn ông đó tha mạng. Nhưng hắn bỏ ngoài tai và tiếp tục hành hung, cưỡng bức người phụ nữ đáng tuổi bà của mình”, Maliwal nói thêm.

May mắn thay, những người dân địa phương đi ngang qua đã nghe thấy tiếng kêu cứu và ra tay kịp thời. Sau đó, họ giao kẻ tấn công cho cảnh sát. Ngày 8/9, Maliwal tới nhà thăm nạn nhân và cho biết cuộc gặp đó “thực sự rất đau lòng”.

“Đôi bàn tay của cụ bà đã nhăn nheo hết rồi. Có nhiều vết bầm tím trên mặt và cơ thể của người phụ nữ này. Thậm chí, bà còn bị chảy máu âm đạo. Bạn sẽ sốc khi nghe trực tiếp nạn nhân kể lại những gì phải trải qua vào chiều tối hôm đó”, cô chia sẻ.

Người đứng đầu Ủy ban Phụ nữ Delhi đã yêu cầu án tử hình cho kẻ tấn công vì “hắn không phải là con người nữa”. Maliwal cho biết cô đã viết thư cho chánh án của Tòa án Tối cao Delhi cùng phó thống đốc thành phố đề nghị tiến hành vụ án nhanh chóng và treo cổ thủ phạm.

Vấn nạn nhức nhối ở Ấn Độ

Hiếp dâm và bạo lực tình dục trở thành tâm điểm ở Ấn Độ kể từ tháng 12/2012, sau khi một nữ sinh 23 tuổi bị cưỡng bức tập thể trên một chiếc xe buýt đang di chuyển trên đường. Cô gái qua đời chỉ vài ngày sau đó. Bốn trong số các bị cáo nhận án tử hình bằng hình thức treo cổ vào tháng 3/2013.

cu ba 86 tuoi bi hiep dam anh 2

Từ lâu, nạn hiếp dâm luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội Ấn Độ. Ảnh: AFP.

Sau vụ án kinh hoàng đó, Ấn Độ đã ban hành bộ luật chống cưỡng hiếp mới, bao gồm án tử hình cho những trường hợp đặc biệt khủng khiếp. Chính quyền cũng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến trình xử lý các vụ hiếp dâm.

Theo Cục Hồ sơ tội phạm Quốc gia, chỉ tính riêng trong năm 2018, cảnh sát ghi nhận 33.977 trường hợp hiếp dâm ở Ấn Độ, tức cứ 15 phút sẽ có một vụ cưỡng bức.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội cho biết con số thực tế còn cao hơn nhiều do nhiều nạn nhân không lên tiếng. Hơn nữa, chỉ những vụ án tàn bạo hoặc gây sốc nhất mới được đưa tin trên báo chí.

Tuần trước, trong lúc quốc gia 1,3 tỷ dân đang phải vật lộn với đại dịch, một tài xế xe cấp cứu bị cáo buộc hãm hiếp bệnh nhân Covid-19 khi chở cô gái tới bệnh viện.

Tháng 8 vừa qua, một bé gái 13 tuổi bị cưỡng hiếp và sát hại tàn bạo trên cánh đồng mía. Theo lời của cha ruột nạn nhân, mắt của cô bé lồi ra và lưỡi cũng bị cắt. Tháng trước đó, một bé gái 6 tuổi bị bắt cóc và hiếp dâm. Thủ phạm thậm chí đã gây thương tích nặng ở mắt cô bé để nạn nhân không thể nhận dạng được anh ta.

Yogita Bhayana, một nhà hoạt động làm việc cho Tổ chức Những người chống đối nạn hiếp dâm ở Ấn Độ (PARI), cho biết không có nhóm tuổi nào là an toàn. “Tôi từng gặp nạn nhân mới chỉ một tháng tuổi và cả những người phụ nữ ngoài 60 bị hãm hiếp”, cô nói.

cu ba 86 tuoi bi hiep dam anh 3

Trung bình, cứ mỗi 15 phút lại có một vụ hiếp dâm xảy ra ở Ấn Độ. Ảnh: Nikkei.

Mặc dù Ấn Độ đưa ra hình phạt hà khắc đối với những kẻ hiếp dâm, tình hình vẫn không thay đổi nhiều. Hàng chục nghìn vụ cưỡng hiếp vẫn xảy ra mỗi năm và con số này ngày một tăng.

Theo Bhayana, chẳng có điều gì có thể làm cho vấn nạn bạo lực giới này biến mất trong một sớm một chiều. Chính quyền cần phải thay đổi rất nhiều, từ cảnh sát, luật sư đến hệ thống tư pháp, công cụ pháp y.

“Nhưng trên hết, chúng ta cần nâng cao nhận thức về giới và thay đổi tư duy để ngăn chặn những tội ác như vậy xảy ra ngay từ đầu”, cô nói.

Bản thân nhà hoạt động xã hội này đã viết hơn 100 lá thư gửi Thủ tướng Narendra Modi để đòi công lý cho nạn nhân bị hiếp dâm nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào.

“Không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Delhi hay chính phủ liên bang nghiêm túc trong việc giải quyết bạo lực giới. Tôi đã làm việc trong lĩnh vực này được 8 năm và chưa gặp được một ai thực sự quan tâm đến vấn nạn đó”, Bhayana khẳng định.

Sự ra đi của Chadwick Boseman là lời cảnh tỉnh về body shaming

Nhiều người dùng mạng xã hội sẵn sàng tấn công, chỉ trích ngoại hình một cá nhân bất kỳ chỉ qua vài tấm ảnh mà không quan tâm câu chuyện đằng sau đó.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm