Ấn Độ được dự báo vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào giữa tháng 4.
Hai “gã khổng lồ châu Á" đều có hơn 1,4 tỷ người và trong hơn 70 năm qua chiếm hơn 1/3 dân số toàn cầu. Tuy nhiên, dân số Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu giảm vào năm tới do tỷ lệ sinh giảm.
Vào năm 2021, Trung Quốc ghi nhận 10,6 triệu trẻ được sinh ra, nhiều hơn một chút so với số người chết.
Tỷ lệ sinh của Ấn Độ cũng giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây - từ 5,7 ca sinh/phụ nữ năm 1950 xuống còn 2 ca sinh/phụ nữ hiện nay. Nhưng tốc độ giảm chậm hơn, theo BBC.
'Soán ngôi' đông dân nhất thế giới của Trung Quốc
Tỷ lệ tăng dân số của Trung Quốc đã giảm khoảng một nửa, từ 2% vào năm 1973 xuống còn 1,1% vào năm 1983.
Các nhà nhân khẩu học cho rằng lý do dẫn đến xu hướng này phần lớn đến từ chính sách một con và các chính sách dân số khác trong thời gian dài.
Trong khi đó, Ấn Độ chứng kiến sự gia tăng dân số nhanh chóng, gần 2% mỗi năm, trong phần lớn nửa sau của thế kỷ trước.
Theo thời gian, tỷ lệ tử vong giảm, tuổi thọ tăng và thu nhập tăng. Thêm nhiều người, đặc biệt là những người sống ở thành phố, được tiếp cận nước uống sạch và hệ thống thoát nước hiện đại. “Trong khi đó, tỷ lệ sinh vẫn cao”, Tim Dyson, nhà nhân khẩu học tại Trường Kinh tế London, cho biết.
Ấn Độ triển khai chương trình kế hoạch hóa gia đình vào năm 1952 và lần đầu tiên đưa ra chính sách dân số quốc gia vào năm 1976, vào khoảng thời gian Trung Quốc đang bận rộn giảm tỷ lệ sinh.
Ấn Độ sắp thành nước đông dân nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
Nhưng việc triệt sản bắt buộc đối với hàng triệu người nghèo trong chương trình kế hoạch hóa gia đình, giữa lúc tình trạng khẩn cấp được áp đặt vào năm 1975, đã dẫn đến phản ứng dữ dội.
"Mức sinh ở Ấn Độ sẽ giảm nhanh hơn nếu tình trạng khẩn cấp không diễn ra và các chính trị gia chủ động hơn. Sự kiện đó cũng khiến các chính phủ sau này đều thận trọng khi nói đến kế hoạch hóa gia đình", giáo sư Dyson nói.
Ấn Độ có thêm hơn một tỷ người kể từ khi giành được độc lập vào năm 1947 và dân số của nước này dự kiến tăng trong 40 năm nữa.
Nỗi lo bùng nổ dân số ở Ấn Độ - nơi mà sự phát triển bị che phủ bởi “bóng ma” gia tăng dân số không thể kiểm soát, trong khi các nguồn tài nguyên cạn kiệt, khiến hàng triệu người chết đói - đã xuất hiện trong hơn một thế kỷ qua, theo Guardian.
Dù vậy, tỷ lệ tăng dân số của Ấn Độ đã chậm dần trong nhiều thập kỷ gần đây. Và bất chấp những dự đoán về "thảm họa nhân khẩu học", nỗi lo về sự “sụp đổ dân số” không còn được coi là thực tế.
Thu nhập tăng và khả năng tiếp cận với y tế cùng giáo dục được cải thiện đã giúp phụ nữ Ấn Độ sinh ít con hơn trước, làm phẳng đường cong tăng trưởng dân số một cách hiệu quả.
Tỷ lệ sinh đã giảm xuống dưới mức thay thế - mức 2 con/phụ nữ - ở 17 trong số 22 tiểu bang và vùng lãnh thổ do liên bang quản lý. Mức sinh thay thế là mức mà tại đó số trẻ mới sinh đủ để duy trì dân số ổn định.
Dù vậy, các hạn chế về gia tăng dân số không đồng đều trên khắp Ấn Độ, và sự phân chia về nhân khẩu đã diễn ra ở hai vùng Bắc - Nam. Tỷ lệ sinh ở miền Nam giảm nhanh hơn ở miền Bắc Ấn Độ - nơi đông dân hơn.
“Thật đáng tiếc là nhiều vùng khác của Ấn Độ không thể giống như miền Nam”, giáo sư Dyson nói. "Sự gia tăng dân số nhanh chóng ở các vùng phía Bắc Ấn Độ đã làm giảm mức sống".
Người dân mua sắm trước lễ hội Diwali ở Mumbai, Ấn Độ, hồi tháng 10/2022. Ảnh: Reuters. |
Cơ hội
Việc “soán ngôi" Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới có thể củng cố cho việc Ấn Độ muốn giành ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ấn Độ là thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc và luôn khẳng định rằng việc họ yêu cầu có chiếc ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an là chính đáng.
“Tôi nghĩ bạn có thể có những tuyên bố nhất định về mọi thứ (bằng cách trở thành quốc gia có dân số lớn nhất), John Wilmoth, Giám đốc Bộ phận Dân số của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc, nói.
Theo ông KS James của Viện Khoa học Dân số Quốc tế có trụ sở tại Mumbai, cách mà nhân khẩu học của Ấn Độ đang thay đổi cũng rất quan trọng.
Ông James cho biết bất chấp những hạn chế, Ấn Độ xứng đáng được ghi nhận vì đã quản lý "sự chuyển đổi nhân khẩu học lành mạnh" thông qua triển khai kế hoạch hóa gia đình trong một nền dân chủ mà trình độ kinh tế, học vấn chưa cao.
"Hầu hết quốc gia khác làm điều này sau khi họ đã đạt được trình độ học vấn và mức sống cao hơn", ông nói.
Gia tăng dân số cũng sẽ mang đến lực lượng lao động dồi dào, thị trường tiêu dùng khổng lồ và tạo cơ hội cho nền kinh tế Ấn Độ "cất cánh".
Cứ 5 người dưới 25 tuổi trên thế giới thì có một người đến từ Ấn Độ. 47% người dân nước này ở độ tuổi dưới 25. 2/3 dân số được sinh ra sau khi Ấn Độ tự do hóa nền kinh tế vào đầu những năm 1990.
Nhà kinh tế Shruti Rajagopalan cho biết nhóm thanh niên Ấn Độ này có một số đặc điểm độc đáo.
“Thế hệ thanh niên Ấn Độ này sẽ là nguồn lao động và người tiêu dùng lớn nhất trong nền kinh tế tri thức và mạng lưới hàng hóa. Người Ấn Độ sẽ là nguồn lao động toàn cầu lớn nhất”, bà nói.
Quốc gia Nam Á này đang trải qua thời kỳ dân số vàng, khi người trong tuổi lao động nhiều hơn người về hưu, nhưng New Delhi phải tranh thủ gặt hái trái ngọt của thời kỳ này trước khi quá muộn.
"Lợi ích từ nhân khẩu học không tự nhiên mà có, nhóm người thuộc độ tuổi lao động cần phải làm việc năng suất", Guardian dẫn lời giáo sư Stuart Gietel-Basten tại Đại học Khalifa, Abu Dhabi.
Một phụ nữ bế con trai trong xô sau khi lấy nước từ xe bồn của thành phố ở ngoại ô Chennai, Ấn Độ, vào năm 2019. Ảnh: Reuters. |
Thách thức
Ngoài những mặt tích cực như đóng góp vào hiện thực hóa tiềm năng kinh tế đất nước, báo cáo thanh niên ở Ấn Độ năm 2022 cho biết nhóm trẻ nước này sẽ gặp nhiều thách thức, như tiếp cận giáo dục, việc làm thu nhập cao, bất bình đẳng giới, tảo hôn, dịch vụ y tế và mang thai ở tuổi vị thành niên, Nikkei Asia đưa tin.
BBC nhận định Ấn Độ cần tạo đủ việc làm cho dân số trẻ trong độ tuổi lao động để thu được lợi tức nhân khẩu học. Nhưng chỉ 40% dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ làm việc hoặc muốn làm việc, theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE).
Nhiều phụ nữ sẽ cần việc làm hơn, trong khi họ dành ít thời gian hơn trong độ tuổi lao động để sinh con và chăm sóc con cái.
Thế nhưng, bức tranh hiện nay tương đối ảm đạm: Chỉ 10% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ tham gia lực lượng lao động vào tháng 10/2022, so với 69% ở Trung Quốc, theo CMIE.
Một vấn đề nữa là việc chuyển dịch lao động. Khoảng 200 triệu người Ấn Độ đã di chuyển trong nước - giữa các bang và quận - và con số này chắc chắn sẽ tăng lên. Hầu hết là người lao động bỏ làng ra thành phố tìm việc làm.
"Các thành phố của chúng ta sẽ phát triển khi lượng người di cư tăng lên do thiếu việc làm và mức lương thấp ở những ngôi làng. Liệu họ có được cung cấp mức sống hợp lý không? Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều khu ổ chuột và bệnh tật hơn", S Irudaya Rajan, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Di cư và Phát triển Quốc tế Kerala, cho biết.
Bộ sách cung cấp cái nhìn toàn diện về Ấn Độ
Mục Thế giới giới thiệu bộ sách thuộc nhiều lĩnh vực giúp độc giả hiểu hơn về đất nước, văn hóa, xã hội, kinh tế, con người Ấn Độ.
Bộ sách gồm 8 cuốn, gồm cả sách dịch và sách được biên soạn như Ấn Độ: Đất nước - Xã hội - Văn hóa, Người Ấn Độ - Sự thật về lý do tại sao thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Ấn Độ, Người Ấn Độ thích tranh luận… Bộ sách được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt - Ấn vào năm 2018.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.