Bên cạnh khiếm khuyết về thể chất và tinh thần, dị tật thai nhi còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh tử vong sớm dưới 1 tuổi. Chế độ dinh dưỡng hợp lý của người phụ nữ trước và trong giai đoạn mang thai có thể giúp ngăn ngừa một số loại dị tật cho thai nhi.
1. Khuyết tật ống thần kinh do thiếu vitamin B9 và B12
Thiếu vitamin B9 (hay còn gọi là folate hay a-xít folic) trong khẩu phần ăn uống của người mẹ có thể dẫn tới những khiếm khuyết về ống thần kinh ở thai nhi. Những dị tật ở ống thần kinh như tật nứt đốt sống và khuyết não là những khuyết tật phát triển ở não và tủy sống, thường xảy ra ở ngay thời kỳ đầu của thai kỳ. Cột sống của trẻ bị nứt đốt sống sẽ không thể khép chặt hoàn toàn, gây tổn hại các dây thần kinh và liệt chi dưới. Với tật khuyết não, trẻ không thể sống được vì não không phát triển.
Bổ sung đủ lượng a-xít folic trước và trong suốt quá trình mang thai, đặc biệt là ba tháng đầu của thai kỳ sẽ ngăn ngừa được các khuyết tật ở ống thần kinh. Theo khuyến nghị Chế độ dinh dưỡng tham khảo của Hoa Kỳ, các bà bầu cần 400mcg a-xít folic mỗi ngày, từ cả thuốc bổ sung vitamin tổng hợp lẫn những thực phẩm cung cấp folate - dạng a-xít folic từ tự nhiên. Thực phẩm giàu folate gồm có rau có nhiều lá, ngũ cốc tăng cường, nước cam, các loại đậu khô, đậu Hà Lan và trái cây.
Một loại vitamin khác cũng có vai trò trong việc ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh là vitamin B12. Những phụ nữ có hàm lượng vitamin B12 thấp trong cơ thể thường là những người đang mắc những bệnh về tiêu hóa, khiến khả năng hấp thu loại vitamin này từ thực phẩm bị giảm sút. Liều lượng chuẩn mực dành cho phụ nữ là 2,4 mcg và 2,6 mcg trong giai đoạn mang thai. Những nguồn cung cấp vitamin B12 dồi dào bao gồm các sản phẩm từ sữa, thịt, thịt gia cầm và trứng.
2. Bệnh tim bẩm sinh
Phụ nữ mang thai có chế độ ăn uống thiếu riboflavin (vitamin B2) và niacin (vitamin B3) sẽ khiến thai nhi có nguy cơ mắc các bệnh về tim bẩm sinh, đặc biệt là khi họ tiêu thụ nhiều các loại chất béo bão hòa. Những sản phẩm từ sữa (ít béo hoặc không chứa chất béo sẽ giúp bạn tránh được chất béo bão hòa), gan và rau xanh nhiều lá là những nguồn bổ sung vitamin B2 tốt nhất. Trong khi đó, vitamin B3 lại hiện diện phong phú trong thịt gà, cá, gan, các loại quả hạch và ngũ cốc, lương thực thô.
3. Bệnh nứt thành bụng (hay còn gọi là sổ tạng bẩm sinh)
Chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng trong lúc mang thai là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh nứt thành bụng, một dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh có vết nứt rách trên thành bụng. Nếu khẩu phần ăn của người mẹ không có đủ lượng protein, kẽm hoặc những thai phụ có chỉ số khối cơ thể (BMI) quá thấp, thai nhi có nguy cơ gặp phải chứng bệnh này. Ngoài ra, việc hút thuốc lá trong giai đoạn mang thai cũng là yếu tố góp phần gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng cho thai nhi, trong đó có chứng nứt thành bụng.
4. Thoát vị cơ hoành bẩm sinh (CDH)
Thai phụ có chế độ ăn uống thiếu vitamin B12, vitamin E, can-xi, retinol và se-len sẽ phải đối mặt với nguy cơ em bé mắc bệnh thoát vị cơ hoành bẩm sinh với đặc trưng là có sự tồn tại của một lỗ hở trên cơ hoành (tấm cơ tách phần ngực với bụng, thường được hình thành đầy đủ khi thai nhi được chín tuần tuổi). Khi thai nhi phát triển lớn hơn, các thành phần trong bụng sẽ chui qua lỗ hở này vào khoang ngực, chèn ép các mô phổi và ngăn cản chúng phát triển bình thường.
Bổ sung vitamin tổng hợp được xem là biện pháp hữu hiệu để hạn chế nguy cơ mắc phải dị tật này cho trẻ.
5. Hở hàm ếch
Đây là một loại dị tật bẩm sinh có liên quan đến chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất của người mẹ trong thời kỳ mang thai. Những phụ nữ ăn uống kiêng khem hoặc thiếu chất dinh dưỡng sẽ làm tăng nguy cơ bị hở hàm ếch cho thai nhi. Thiếu a-xít folic và vitamin A trong chế độ ăn uống của người mẹ cũng có liên quan đến căn bệnh này. Thực phẩm giàu vitamin A gồm có gan, khoai lang, bí ngô, các sản phẩm từ sữa, rau xanh nhiều lá, cà chua, trứng, cà rốt…
6. Hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi (FAS)
Các chuyên gia về sản khoa cảnh báo phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ chất cồn nhằm loại trừ trường hợp thai nhi mắc phải Hội chứng ngộ độc rượu (FAS). Những đứa trẻ được sinh ra với chứng ngộ độc rượu ở thai nhi thường có thể trạng bé nhỏ, phát triển chậm và gặp nhiều rắc rối về sức khỏe.