Mùa của những bức họa tuyệt bích, đẹp đến mê hồn
Người miền Tây có câu: “Sáu tháng đạp đất đồng khô, nửa năm đi trên mặt nước” để nói về chu kỳ con nước của sông Cửu Long. Cứ mỗi độ tháng 8 tới tháng 11 Âm lịch, An Giang lại chìm trong biển nước mênh mang. Nước từ thượng nguồn sông Mekong cứ đến hẹn ào ạt đổ về hạ lưu. Tỉnh An Giang nằm ở đầu nguồn, cũng là nơi đón lũ về sớm nhất. Cả vùng đồng bằng ngập tràn trong sóng nước, nước tràn qua khắp ruộng đồng, gò bãi, nhấn chìm cả những làng quê nghèo. Mặt nước trở thành tấm gương màu xanh ngọc bích khổng lồ phản chiếu cả bầu trời rộng lớn, lác đác mấy đám mây trắng lững lờ trôi vô định. Bóng thuyền in giữa biển nước xanh bất tận. Sóng gợn từng vệt dài theo những mái chèo khua nước, lan rộng ra rồi chìm dần vào mặt nước tĩnh lặng. Thiên nhiên như bức họa tuyệt bích, đẹp đến mê hồn.
Mùa nước nổi mang đến cuộc sống sung túc hơn
Những người dân quê đón lũ như thể đón người bạn phương xa trở về. Và không biết tự bao giờ, mùa lũ được họ chuyển qua gọi bằng cái tên “mùa nước nổi” thân thương, hào sảng đến thế. Mùa nước nổi về cùng với mùa của tôm cá, của những buổi chiều vàng người người rủ nhau thả lưới. Thuyền bè tấp nập trên mặt nước, dân chài thi nhau ném lưới, bắt cá. Niềm vui, niềm hạnh phúc, khát vọng về cuộc sống no đủ đong đầy trong từng mẻ cá trĩu nặng, đằng sau đó là cả những giọt mồ hôi, nước mắt, những mất mát in hằn trên khuôn mặt của người dân An Giang. Cuộc sống mưu sinh vất vả, khó khăn nhưng thiên nhiên đã không phụ lòng người. Mùa nước nổi đến, vùng đất của những hàng thốt nốt lại tấp nập, nhộn nhịp, cuộc sống con người nhờ đó cũng trở nên sung túc hơn.