Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Án 'lạ' ở Long An: Mẹ bị tố cáo, con bị khởi tố

Tưởng con cần tiền làm ăn, người mẹ đứng ra vay mượn số tiền lớn giúp con xoay sở. Không ngờ, con bà “nướng” tiền vào sòng bạc. Hai mẹ con bị vướng vào một vụ án kỳ lạ ở Long An.

Từng được xem là người con hiếu thảo, tu chí làm ăn, Tạ Tấn Lộc (sinh năm 1976, ở phường 2, TP Tân An, tỉnh Long An) được cha mẹ yêu quý và tạo điều kiện.

19 tuổi, Lộc được cha mẹ mua cho chiếc xe tải để làm phương tiện kiếm kế sinh nhai. Nhờ chăm chỉ làm lụng, chịu thương chịu khó, sau một thời gian, kinh tế gia đình Lộc khấm khá có tiếng ở địa phương. Lộc mua được nhiều nhà, đất, đồng thời làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng, cuộc sống gia đình rất đầy đủ.

Rắc rối vì kiếp đỏ đen

Tuy nhiên, thành công sớm đã khiến chàng thanh niên miền Tây không giữ được mình. Có tiền, Lộc sinh ra tật xấu. Cuối tháng 2/2013, Lộc cùng đám bạn qua Campuchia đánh bạc và mất 240 triệu đồng.

Bà Nhung bức xúc kêu oan cho con.
Bà Nhung bức xúc kêu oan cho con.

Do muốn gỡ gạc, Lộc đã vay mượn người trong sòng bạc số tiền 900 triệu đồng để đánh tiếp, nhưng càng đánh càng thua. Hơn một tháng trôi qua, xoay đủ mọi cách Lộc vẫn không có tiền trả nợ.

Sợ chủ nợ từ Campuchia về đòi và “xử”, Lộc đã nói dối mẹ là bà Tô Thị Nhung rằng, có người bạn ở Tiền Giang cần 2,8 tỷ đồng để đáo nợ ngân hàng.

Tưởng con nói thật, bà Nhung đưa cho Lộc 800 triệu đồng vì trong nhà không còn tiền. Rồi bà còn đi vay mượn thêm 2 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Dương (Thủ Thừa, Long An) và hẹn 4 ngày sau sẽ trả lại. Do là chỗ làm ăn uy tín bấy lâu nên khi được bà Nhung hỏi mượn, bà Nguyễn Thị Dương liền gật đầu.

Ngày 4/4/2013, bà Dương nhờ chồng mang 2 tỷ đồng tới cho bà Nhung vay, nhưng lúc này bà Nhung đang lên TP HCM chữa bệnh.

Thấy Lộc ở nhà, bà Dương gọi điện cho bà Nhung thì được nói là đưa tiền cho Lộc giữ, rồi sẽ có giấy vay tiền vào hôm sau. Nghe vậy, bà Dương đồng ý giao tiền và nhờ Lộc viết giấy biên nhận mà không hề biết rằng đã giao tiền nhầm cho con bạc.

Cầm tiền xong, Lộc liền thuê xe chở lên cửa khẩu Mộc Hóa, rồi qua sòng bài ở Campuchia trả nợ số tiền 900 triệu đồng cho chủ nợ. Còn 1,9 tỷ đồng, Lộc tiếp tục đánh bạc, ăn chơi hết sạch rồi đi biệt tích 10 ngày mới dám quay về thú nhận với gia đình.

Sau khi đi chữa bệnh về, ngay ngày hôm sau (5/4/2013), bà Nhung đã viết giấy vay nợ và đưa cho bà Dương. Nhưng đến hẹn thì bà không trả được vì số tiền đã bị con trai đem đi đánh bạc. Bà Nhung xin lỗi và xin gia hạn thời gian trả nợ nhưng bà Dương không đồng ý. Hai tuần sau, bà Dương đã làm đơn tố cáo bà Nhung lên cơ quan công an vì có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau đó, vụ án được khởi tố. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng không đủ căn cứ chứng minh bà Nhung phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng “phóng lao theo lao” khi không ra quyết định đình chỉ vụ án, thay vào đó lại chuyển qua điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Tạ Tấn Lộc. Cơ quan điều tra cho rằng, Lộc có hành vi gian dối để Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà người bị hại không ai khác là mẹ ruột của mình.

Về phần mình, trong suốt quá trình điều tra, Lộc thừa nhận vì thiếu suy nghĩ, bị bạn bè lôi kéo nên mới sa ngã vào con đường cờ bạc và có lỗi với gia đình.

Tuy nhiên, Lộc cho rằng mình không lừa đảo tiền của mẹ, bởi hầu hết của cải, vật chất trong gia đình đều do mình làm nên. Còn bà Nhung khi biết mình được các cơ quan chức năng cho là “bị hại” thì cũng liên tục kêu oan cho con trai. Bởi bà cho rằng, bà không làm đơn tố cáo, không bị thiệt hại gì. Số tiền bà đi vay cho con trai là trách nhiệm của bà với bà Dương, đó là quan hệ dân sự và bà đủ sức trả nó.

Vụ án có nhiều vướng mắc

Với các căn cứ thiếu thuyết phục để buộc tội Lộc, giữa năm 2014, TAND tỉnh Long An đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, sau đó, kết quả điều tra và cáo trạng vẫn được giữ nguyên. Tạ Tấn Lộc bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 139 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt lên đến chung thân.

Tại phiên tòa sơ thẩm vào cuối 2014, đại diện VKSND tỉnh Long An cho rằng, trong số 2,8 tỷ đồng của bà Nhung, có 400 triệu đồng của Lộc, do đó Lộc chỉ chiếm đoạt 2,4 tỷ đồng.

Tạ Tấn Lộc.
Tạ Tấn Lộc.

Đại diện VKS đề nghị xử phạt Lộc từ 8 - 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, dựa trên một số chứng cứ khác nhau, HĐXX xác định Lộc chỉ lừa đảo 320 triệu đồng vì trong số 2,8 tỷ đồng đó có 2,48 tỷ đồng là của Lộc (800 triệu đồng tiền mặt và tài sản đóng góp 1,68 tỷ đồng).

Do đó, HĐXX chuyển qua xét xử Lộc theo khoản 3, điều 139 Bộ luật Hình sự và xử Lộc 3 năm tù. Sau đó, khi Viện trưởng VKSND tỉnh Long An ra quyết định kháng nghị tăng hình phạt với Lộc, hai mẹ con Lộc đã làm đơn kháng cáo kêu oan.

Trong phiên tòa phúc thẩm do TAND cấp cao tại TPHCM mở vào đầu tháng 12 vừa qua, Lộc và bà Nhung vẫn một mực kêu oan. Bà Nhung cho rằng, việc bà vay mượn tiền của bà Dương bà sẽ có trách nhiệm trả, không liên quan đến con mình.

“Tôi đâu có tố cáo con tôi, tôi đâu có bị thiệt hại gì, vì mọi tài sản trong gia đình đều do thằng Lộc làm ra. Vậy mà người ta lại khởi tố nó, thấy oan ức cho nó quá…”, bà bức xúc nói.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, bà Dương cho biết, giữa mình với bà Nhung có mối quan hệ làm ăn nhiều năm qua. Bà Nhung đã nhiều lần vay tiền để đáo nợ ngân hàng và trả lại rất đàng hoàng. Bà Dương cũng thừa nhận rằng, bà Nhung không hề trốn tránh trách nhiệm trả nợ, mà có viết cam kết và giấy vay tiền nhưng vì sợ bà Nhung không có tiền trả nên bà đã làm đơn tố cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lộc cho rằng, đây là việc dân sự giữa bà Nhung và bà Dương, không liên quan gì tới Lộc. Khi bà Dương cho bà Nhung vay tiền, số tiền đó đã thuộc sở hữu của bà Nhung. Vì vậy, việc bà Nhung đưa số tiền đó cho ai, làm gì là toàn quyền quyết định của bà Nhung. Trong vụ án này, Lộc cầm số tiền đó đi đánh bạc hết, nhưng bà Nhung không hề tố cáo Lộc, vì hơn ai hết đây là chuyện nội bộ gia đình.

Cũng theo luật sư, đến nay, bà Nhung đã trả cho bà Dương hơn 1,8 tỷ đồng, số tiền còn lại bà Dương khởi kiện dân sự và tòa đã có bản án.

Như vậy, cùng một nội dung nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Long an lại vừa xử cả hai hình thức là dân sự và hình sự…, đó là điều không hợp lý. Từ những căn cứ trên, luật sư đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và tuyên Tạ Tấn Lộc vô tội.

Trong khi đó, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa lại cho rằng, hành vi của Lộc đã đủ căn cứ cấu thành tội phạm và đề nghị giữ y án sơ thẩm. Tuy nhiên, các lập luận của đại diện VKS không được chấp thuận.

Đại diện HĐXX cho rằng, đây chỉ là vụ án dân sự vay mượn bình thường, nhưng không hiểu vì sao các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An lại biến thành một vụ án hình sự và làm một cách ráo riết.

Theo nhận định của HĐXX, căn cứ khởi tố vụ án chưa rõ ràng, bà Dương tố cáo bà Nhung, chứ không phải tố cáo Lộc. Sau khi xác định bà Nhung không có dấu hiệu hình sự, cơ quan chức năng Long An lại không ra quyết định đình chỉ mà căn cứ vào đơn tố cáo đó để khởi tố Lộc là không khách quan.

Hơn nữa, việc xác định tài sản chung, riêng giữa Lộc và bố mẹ của các cơ quan chức năng không có căn cứ rõ ràng, tự ước lượng để rồi cho rằng Lộc đã đóng góp 2,48 tỷ đồng và trừ số này ra, còn lại 320 triệu đồng để kết tội Lộc là chưa chính xác.

Việc xác định dấu hiệu phạm tội của bị cáo cũng rất mơ hồ. Trong vụ việc này, Lộc có gian dối, nhưng không phải gian dối nào cũng cấu thành tội phạm. Việc bà Nhung không thừa nhận mình là bị hại, không tố cáo, mà đưa bà vào vụ án với tư cách người bị hại là có sự áp đặt…

Vì vậy HĐXX đã tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.


http://laodong.com.vn/phap-luat/an-la-o-long-an-me-bi-to-cao-con-bi-khoi-to-407356.bld

Theo Bình Minh/Lao Động

Bạn có thể quan tâm