Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh về hô hấp trong những ngày nắng nóng. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Lê Phương Thảo (28 tuổi) vừa có 9 ngày đồng hành cùng cậu con trai đầu lòng, bé Bon (2 tuổi), trong bệnh viện. Bon bị viêm phế quản phổi, viêm tai giữa ứ mủ do phế cầu khuẩn.
“Con cũng thường bị các bệnh này song lần vừa rồi nặng hơn, cần nhập viện. Vì có tiền sử bị bệnh hô hấp, Bon kháng thuốc, bác sĩ phải ra phác đồ khác, đổi thuốc”, Thảo kể.
Nằm cùng phòng bệnh với Bon cũng có nhiều bé mắc các triệu chứng tương tự.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng còn tiếp diễn ở nhiều tỉnh thành trong vài ngày tới. Con nhỏ vốn đã cần để ý, chăm sóc kỹ, đối với bà mẹ Hà Nội và nhiều phụ huynh khác, thời điểm này càng là lúc các bậc cha mẹ cần cẩn trọng bởi nhiệt độ, độ ẩm cao là môi trường thích hợp để các virus, vi khuẩn phát triển.
Cha mẹ đau đầu
“Một khi sức khỏe con bị ảnh hưởng, không chỉ con mà cả cha mẹ cũng mệt mỏi, bị cuốn theo và thậm chí nhịp sống gia đình cũng bị đảo lộn”, người mẹ nói.
Trong những ngày Bon nằm viện, vì Thảo làm tự do, có thể linh động thời gian nên cô chịu trách nhiệm chăm sóc con.
“Bon hay quấy về đêm, ho và nôn trớ nhiều nên tôi khá mất ngủ. Từ ngày thứ 5, con mới bắt đầu đỡ. Cũng may dịch vụ ở bệnh viện khá tốt, có người giúp dọn dẹp, phục vụ thức ăn tận nơi nên phần nào giảm bớt áp lực”, Thảo kể.
Con trai Phương Thảo phải nằm viện 9 ngày khi thời tiết trở nắng nóng. Ảnh: NVCC. |
Trong khi đó, gia đình chị Ngọc Anh (38 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) dành nỗi lo cho sức khỏe của cậu con trai nhỏ khi nằm điều hòa thường xuyên. Cậu bé dễ bị ho, nghẹt mũi, tái phát bệnh viêm họng hạt.
"Tháng vừa rồi, tôi phải đưa cháu đi khám, mua thuốc uống hai lần. Bác sĩ khuyên nên hạn chế nằm điều hòa, nhưng nóng như thế này thì làm sao chịu nổi", người mẹ 38 tuổi chia sẻ.
Ngoài vấn đề sức khỏe, nắng nóng còn khiến chị Ngọc Anh đau đầu vấn đề tài chính. Tiền điện của gia đình chị lần đầu tiên vượt mức 1,5 triệu đồng vào tháng 4 vừa qua. Trước đây, kể cả giai đoạn nắng nóng của những năm trước, gia đình 4 người của chị chỉ chi trả khoảng 700.000-900.000 đồng tiền điện/tháng.
"Nhận được hóa đơn tiền điện tôi phát hoảng, chưa bao giờ nhiều như vậy cả".
4 người nhà chị Ngọc Anh dồn chung vào một phòng ngủ để tiết kiệm điện. Ảnh: NVCC. |
Khi thời tiết TP.HCM bước vào mùa nắng nóng cao điểm, gia đình chị Ngọc Anh phải lắp thêm một điều hòa ở phòng khách, cộng với hai máy lạnh có sẵn trong hai phòng ngủ.
Những ngày nắng nóng, máy lạnh hoạt động gần như hết công suất, đặc biệt vào buổi chiều tối, khi cả gia đình đi học, đi làm trở về. Thời gian tới, khi các con chuẩn bị nghỉ hè, dành phần lớn thời gian ở nhà, chị lo lắng tiền điện sẽ tiếp tục tăng cao.
Gia đình anh Nguyễn Phước (33 tuổi, TP Thủ Đức. TP.HCM) cũng có chung nỗi lo về vấn đề sức khỏe của con nhỏ. Con gái đầu lòng của anh Phước khoảng 9 tháng tuổi. Vì trời nóng và phải thường xuyên nằm điều hòa, em bé gặp một số vấn đề về đường hô hấp và bị khô da khá nghiêm trọng.
"Nếu không bật máy lạnh, buổi tối con sẽ quấy khóc, không ngủ ngon do bị nóng. Nhưng nằm phòng điều hòa nhiều thì bé lại bị sổ mũi và nứt nẻ da".
Từ cuối tháng 4, nhiều trẻ nhỏ ở Hà Nội, TP.HCM phải nhập viện vì các bệnh truyền nhiễm, hô hấp hay tiêu hóa. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết phần lớn trẻ đến khám do triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, tiêu chảy, nôn ói...
Lý do là trong thời tiết nắng nóng, bé dễ bị sốc nhiệt khi ở phòng điều hòa nhiều. Cơ thể bé cũng dễ bị thiếu nước và rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều, sức đề kháng giảm. Dưới tác động của nắng nóng và tia UV, vi khuẩn, virus phát triển nhanh, trẻ dễ mắc bệnh hô hấp hơn. Ngoài ra, thời tiết nóng khiến thức ăn dễ ôi thiu, từ đó, trẻ dễ gặp vấn đề tiêu hóa.
Thời tiết nắng nóng, số lượng trẻ đổ bệnh, phải nhập viện tăng cao. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đối phó
Để tiết kiệm điện, hiện tại nhà chị Ngọc Anh chỉ sử dụng quạt, thay vì điều hòa trong phòng khách. Con trai lớn (11 tuổi) của chị bình thường ngủ riêng, nhưng nay cũng chuyển sang ngủ chung trong phòng ngủ lớn cùng cả gia đình.
"Phòng ngủ nhỏ ở tầng hai nóng hơn so với tầng một, nên chúng tôi quyết định chuyển giường xuống, dồn tất cả vào một phòng và chỉ bật một điều hòa".
Sau khi tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, vợ chồng anh Phước cũng quyết định sắm một chiếc máy lọc không khí, vừa để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, vừa tạo độ ẩm trong phòng máy lạnh.
"Kết hợp với việc sử dụng kem dưỡng da, một số thuốc đặc trị được bác sĩ kê đơn thì hiện tại tình trạng da của bé đã được cải thiện đáng kể".
Tuy vậy, theo lời khuyên của bác sĩ, vợ chồng anh Phước cũng thay đổi nhiều thói quen trong việc sử dụng máy lạnh để bảo vệ sức khỏe cho con: không để nhiệt độ quá thấp; không để con nằm trực tiếp dưới luồng gió; không bật điều hòa quá lâu; không đưa con ra khỏi phòng máy lạnh đột ngột; thuê người kiểm tra, vệ sinh điều hòa định kỳ.
Đồng tình, anh Hùng Cường (34 tuổi, Hà Nội) hiện rút kinh nghiệm duy trì điều hòa ở mức 27-28 độ C và treo khăn ướt ở ghế hoặc cửa sổ để làm mát không khí, tránh con gặp các vấn đề về hô hấp.
Vợ chồng anh Cường đưa con ra ngoài vận động vào lúc sáng sớm hoặc tối để tránh nắng gắt. Ảnh: NVCC. |
Những hôm trời không quá gắt, anh tranh thủ đưa bé Trứng (2 tuổi) ra công viên gần nhà vui chơi, chạy nhảy một chút vào sáng sớm hoặc tối, để con được vận động, ra mồ hôi thay vì ngồi cả ngày trong không gian kín.
“Bên cạnh đó, chúng tôi lưu ý mặc quần áo phù hợp cho con khi đi ra đường hay chơi thể thao, bôi kem chống nắng kỹ vì đa phần trẻ nhỏ không thích đội mũ, mặc áo chống nắng dài hay đeo khẩu trang”.
Theo chuyên gia, không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng dễ bị ảnh hưởng sức khỏe trong những ngày nắng nóng. Các gia đình không nên bật máy lạnh quá thấp, người ngồi điều hòa lâu nên uống nhiều nước và bổ sung các thực phẩm nhiều nước.
Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột, cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài.
Với các gia đình có con nhỏ, phụ huynh cần tránh đưa trẻ ra ngoài nắng từ 10h đến 14h, nên cho bé uống nhiều nước, bổ sung điện giải để tránh suy kiệt và bị bệnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường các loại nước trái cây, rau củ, bổ sung vitamin cho trẻ, bảo quản thực phẩm cẩn thận, tránh bị ôi thiu.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.