Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ăn ốc bươu vàng có độc không?

Một số nhà hàng vẫn thu mua ốc bươu vàng chế biến phục vụ thực khách, dù loài sinh vật này bị cấm nuôi ở Việt Nam. Nếu ăn phải loại ốc này, bạn có gặp nguy cơ bệnh tật nào không?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện ốc bươu vàng xếp vào danh sách bị cấm nuôi và cần tiêu diệt ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiêu diệt ốc bươu vàng không phải vì chúng có chứa độc tố mà vì chúng được xếp vào nhóm sinh vật ngoại lai có khả năng gây hại mùa màng.

Ốc bươu vàng cũng chứa nhiều chất đạm, khoáng và sinh tố như các loại ốc khác nên có thể trở thành nguồn thực phẩm cho con người. Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương, nhiều người đã biết cách chế biến ốc bươu vàng thành các món khoái khẩu, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ mùa màng.

Con vật này du nhập vào Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước và được nuôi như một nguồn cung cấp thực phẩm cho con người. Sau đó, chúng tràn ra thiên nhiên và trở thành loài có sức tàn phá nông nghiệp ghê gớm.

Bên cạnh đó, chúng có đặc tính dễ sống, sinh sản nhanh trong khi ít người ăn nên giá bán rất rẻ. Nhiều nhà hàng, quán ăn đã thu mua loại ốc này để chế biến thành ốc bươu chính hiệu mà người ăn khó nhận ra.

Về vấn đề này, PGS Thịnh cho rằng không cần quá lo lắng vì loại ốc này không gây độc như nhiều người vẫn e ngại. Ốc bươu vàng khác ốc bươu thường ở chỗ có nhân tròn màu hồng ở giữa đầu. Đây chính là dạ dày và thực quản có chứa nhiều loại ký sinh. Do đó, chỉ cần loại bỏ phần nhân màu hồng này, ốc bươu vàng sẽ như các loại ốc khác. Thậm chí, ốc bươu vàng ăn còn giòn dai hơn, hấp dẫn hơn với những người hợp khẩu vị.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cảnh báo, do ốc bươu vàng leo lên ngọn cây lúa, ngọn rau để đẻ trứng và là loại bị bà con dùng hóa chất tiêu diệt nên rất dễ ngấm hóa chất này. Nhưng chúng có ưu điểm là ít chứa ký sinh trùng hơn ốc bươu - loại cư trú ở tầng đáy ao hồ, đồng ruộng.

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Hoàng Kim Thanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cũng đồng quan điểm người dân có thể đưa ốc bươu vàng vào thực đơn. Hàm lượng dinh dưỡng, cách chế biến và hương vị của chúng cũng giống như các loại ốc khác. Ngoài ra, các loại thủy hải sản như ngao, so, ốc... đều chứa nhiều đạm, mang tính hàn, dễ gây khó tiêu, do đó không nên tiêu thụ quá nhiều.

Bà Thanh cũng cho biết, hiện nay ốc bươu vàng làm sẵn được bán ở các chợ rất nhiều với giá rẻ. Khi mua, bạn nên cẩn thận bởi có thể chọn phải loại để lâu, ôi thiu và làm không được sạch, dễ gây ngộ độc.

Làm kỳ công hơn

Theo các chuyên gia, cũng như các loại ốc khác, ốc bươu vàng có thể dùng để chế biến thành các món ăn hấp dẫn như xào sả ớt, ốc nấu chuối, bún ốc bươu vàng.

Tuy nhiên, món ốc bươu vàng đòi hỏi công đoạn chế biến kỹ lưỡng. Trước hết, ốc bắt về cần phải ngâm, rửa thật sạch, cho vào nồi luộc chín, gỡ lấy phần thịt để riêng, bỏ hết phần ruột, trứng và màng đen. Lưu ý khi đã tách lấy phần đầu ốc cần phải loại bỏ phần nhân tròn ở giữa.

Sau đó cho ốc vào nước muối pha loãng, rửa nhiều lần hết nhớt, xả lại với nước lạnh, cho vào nồi luộc lại lần nữa. Lúc này, ốc đã hoàn toàn sạch, có thể chế biến các món ăn.

Để ốc được ngon và tươi hơn, cũng có thể tách phần đầu khi chúng đang còn sống bằng cách đập vỡ vỏ rồi lấy nhân. Tuy nhiên, bạn phải làm sạch nhớt bằng cách xát với muối, dấm hoặc phèn chua rồi rửa lại nhiều lần với nước.

Nhiều người cũng lo ngại sự lẫn lộn giữa các loại ốc bươu vàng và ốc nhồi ta (ốc bươu) được bày bán ở các chợ. Tuy nhiên, chỉ cần để ý một chút, người dùng có thể phân biệt hai loại ốc này.

Ốc bươu có mai phẳng và đường vân mờ khó thấy rõ, ngược lại, ốc bươu vàng lại có đường vân trên mai hiện rõ, vảy ốc hơi gồ ghề do các đường vân nổi tạo nên. Còn khi luộc chín, ốc bươu vàng có phần nhân màu hồng trên đầu rất dễ nhận biết.

PGS Thịnh cho biết, xét về góc độ dinh dưỡng, có thể xem ốc bươu vàng như một nguồn thực phẩm song chỉ nên tận dụng loại ốc này ở các đồng ruộng, tuyệt đối không được nuôi, nhân giống. Sức sinh sản của chúng rất nhanh, một khi lây lan ra các đồng ruộng sẽ tàn phá nghiêm trọng đến mùa màng.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm