Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiết lộ gây sốc về thịt chó

Những tiết lộ dưới đây sẽ khiến bạn phải cân nhắc khi có ý định ăn thịt chó, cho dù đó là món khoái khẩu.

Nguồn cung thịt chó ở đâu?

Anh M. - người chuyên cung cấp chó cho quán thịt cầy nổi tiếng tại Quảng Xương - Thanh Hóa tiết lộ, bên cạnh nguồn chó mua từ thương lái, các cửa hàng còn mua từ những kẻ trộm chó. Những con chó này thường bị đánh bả rồi câu trộm. Thậm chí, có chủ quán còn nuôi vài tên trộm chó (thường là những kẻ nghiện hút, cờ bạc) trong nhà.

“Ở quê, hầu như nhà nào cũng nuôi vài ba con chó nên chuyện bị câu trộm diễn ra khá nhiều. Nhà nào cổng cao còn giữ được, hộ nào hay thả rông hoặc không cẩn thận trông nom là rơi vào tay cẩu tặc, những con chó bị trộm đem bán thẳng cho quán thịt cầy”, anh M. tiết lộ.

Người tiêu dùng rất dễ ăn phải thịt chó dại
Người tiêu dùng rất dễ ăn phải thịt chó dính bả. Ảnh minh họa.

Anh M. cũng thú nhận thường xuyên đi thu mua chó bệnh, ốm sắp chết. Trong trường hợp này, đa phần anh được người dân gọi đến mua, trước đó họ cũng tiêm thuốc, chạy chữa để cứu sống con vật, nhưng thấy tình hình không thể qua khỏi, họ gọi bán để mong kiếm lại ít tiền. Anh M. cho biết, những chú chó sắp chết, giá mua chỉ bằng một nửa hoặc 2/3 giá chó sống. Thậm chí, khi anh đến mua, chó đã chết rồi, có gia đình còn cho không.

“Ở quê, họ kiêng chôn các con vật chết trong đất nhà mình nên dù có quý chó đến bao nhiêu, khi nó chết, gia đình cũng phải cho người khác làm thịt hoặc đem lên các sông gần nhà vứt. Cũng không ít người thấy chó bị vứt trên các con sông, nhặt về rồi đem nhập lại cho các quán thịt chó”, anh nói thêm.

Chính vì hiểu quá rõ nguồn cung thịt chó như vậy nên anh M. không bao giờ ra quán ăn thịt chó. Anh cho biết vì lợi nhuận, các chủ quán thịt chó sẽ không ngại bất cứ thủ đoạn nào.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bả chó được làm bằng nhiều nguồn chất độc như thuốc trừ sâu, thuốc chuột. Khi chó trúng bả, sẽ có lượng chất độc vào máu của chúng, đem chế biến không loại trừ được hết các chất này. Độc tố sẽ tác động tiêu cực tới cơ thể người ăn, phản ứng nhẹ sẽ gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, gia tăng bài tiết, nặng có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Có thể mất mạng vì thịt chó

Không nên ăn nhiều thịt chó

Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện 198 khuyến cáo: Thịt chó giàu chất đạm nhưng lại có tính nhiệt nên dễ gây nóng, khó tiêu, chướng bụng. Thường xuyên ăn thịt chó trong thời gian dài, cơ thể khó tiêu hóa, thận, gan làm việc không đáp ứng được nên dễ mắc các bệnh về gan như xơ gan hay suy thận, gout. Riêng bệnh nhân gout không nên ăn thịt chó.

PGS.TS Thịnh cho hay, thịt chó sinh năng lượng cao. Trong 100g thịt chó cung cấp 338 Kcal, trong khi thịt bò chỉ cung cấp 118 Kcal, thịt gà là 199 Kcal.

Tuy nhiên so với thịt các động vật khác như trâu, bò, thịt chó có tính phức tạp hơn rất nhiều do chúng vốn ăn tạp, không ăn cây cỏ như bò. Chính vì thế, thịt chó dễ bị nhiễm nhiều giun, sán hơn.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh - Giám đốc Phòng khám Đa khoa Ánh Nga, Chuyên khoa Ký sinh trùng Sài Gòn cho biết, ông từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân có khối u trong phổi và não chứa rất nhiều sán đang ngoe nguẩy do lây nhiễm từ chó.

Lây nhiễm sán dãi chó và ấu trùng sán dãi chó (Toxocara canis) có thể gây mù mắt, gây chứng điên loạn hoặc gây suy yếu các bộ phận nơi sán trú ngụ khác như gan, lách, phổi. Người bệnh có thể tử vong do nhiễm trùng.

Ngoài ra, PGS.TS Thịnh đặc biệt khuyến cáo chó có thể mắc bệnh dại - căn bệnh rất nguy hiểm. “Về nguyên tắc, virus dại sẽ chết nếu được nấu chín hoàn toàn. Tuy nhiên trong quá trình mang chó về, người ta không phân biệt được con chó nào bị dại, con nào không. Nước dãi của chó chứa các virus dại, dễ rơi rớt sang các chỗ khác như quần áo của người giết, rơi vào dao thớt, qua ruồi rồi rơi vãi vào thức ăn gây hiện tượng nhiễm chéo. Nếu ăn vào khả năng mắc bệnh dại rất lớn. Đặc biệt, tiết canh chó còn nguy hại hơn thịt chó rất nhiều vì đó là thực phẩm sống”.

Đặc biệt, cho dù chó chưa lên cơn dại vẫn có thể có virus dại tiềm ẩn bên trong. Do đó, chơi, vuốt ve hoặc tiếp xúc với thịt chó có virus dại khi có vết thương hở có nguy cơ lây bệnh rất cao.

“Không phải chó chết rồi thịt sẽ hỏng, ít nhất phải sau 8 tiếng đồng hồ thịt mới bị ôi thiu. Do đó, nếu các quán nhặt chó chết về, vẫn có thể chế biến bình thường. Hơn nữa, nấu thịt chó toàn dùng gia vị mạnh và nhiệt độ cao nên rất dễ mất mùi, người ăn khó nhận biết”, ông Thịnh nói thêm.

Ông Thịnh tỏ ra lo ngại trước thực trạng thịt chó được bày bán ở khắp nơi. Trong khi đó, hiện nước ta chưa có quy định chung, cụ thể về việc giết mổ thịt chó cũng như chưa chú trọng trong công tác kiểm dịch chó. Người ăn hoàn toàn không phân biệt được đâu là thịt chó sạch, đâu là thịt chó bệnh, nên vô tình tạo nguy hiểm cho mình mà không biết.

 

Việt Nam là một trong những nước ăn thịt chó nhiều nhất thế giới . Ngoài ra còn có Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Mexico, Philippines,... Điều này được xem là tàn bạo đối với nhiều quốc gia châu Âu và Hồi giáo. Vấn đề đạo đức khi ăn “người bạn thân thiết của con người” đã được tranh cãi rất nhiều giữa một luồng ý kiến xem là man rợ và một luồng xem là một văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Việt.

PGS.TS Thịnh cho rằng, khó có thể cấm người dân không ăn thịt chó, điều duy nhất là đưa cho họ sự lựa chọn và chỉ cho họ những rủi ro có thể gặp phải khi tiêu thụ loại thịt này. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần vào cuộc để bảo vệ người dân trước nhiều nguy cơ nhiễm bệnh từ thịt chó.

 Phần tiếp: Thịt sứa và cóc - món ăn tử thần

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm