Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ăn tiết canh, giết mổ gia súc, 3 người nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, đơn vị này tiếp nhận, điều trị liên tiếp 3 ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Ngày 30/8, các bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết trung bình mỗi năm tiếp nhận từ 8-10 ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Đáng lưu ý, thời điểm từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 vừa qua, khoa tiếp nhận, điều trị liên tiếp 3 ca nhiễm bệnh. 

Người bệnh đầu tiên là B.V.H. (42 tuổi, Quảng Yên, Quảng Ninh), vào viện ngày 31/7 trong tình trạng lơ mơ, kích thích, sốt cao, đau đầu nhiều, nôn, đại tiểu tiện không tự chủ. Người nhà cho biết trước khi đến viện, bệnh nhân kích thích, giãy giụa, mắt trắng bợt, nhìn ngược khiến gia đình rất lo lắng. 

Trường hợp thứ hai nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu nhiều, mệt mỏi. Sau 2 ngày, bệnh nhân có dấu hiệu lơ mơ, yếu 1/2 người bên phải.

Tương tự, nữ bệnh nhân N.T.T. (59 tuổi, Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng đến bệnh viện cấp cứu khi có biểu hiện chóng mặt, đau chân phải, hạn chế vận động. 

3 nguoi nhiem lien cau khuan lon anh 1
Người bệnh điều trị nhiễm khuẩn liên cầu lợn tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Các trường hợp trên đều được bác sĩ chọc dịch não tủy, điều trị kháng sinh liều cao, chống phù não, giảm đau, bù nước điện giải. Trong 3 trường hợp trên, một bệnh nhân khỏi hoàn toàn, hai người còn lại có di chứng liệt nửa người và giảm thính lực,

 Qua tìm hiểu, 3 trường hợp này đều tiếp xúc thực phẩm chưa nấu chín hoặc giết mổ gia súc, gia cầm. Bệnh nhân B.V.H. làm nghề giết mổ lợn 15 năm. Trước khi vào viện, bệnh nhân có hành nghề nhưng không mang trang phục bảo hộ lao động đầy đủ. 

Bệnh nhân N.T.T. trong lúc sơ chế thịt lợn tại nhà không may làm đứt tay, tạo điều kiện thuận lợn để vi khuẩn liên cầu lợn xâm nhập vào cơ thể. 

Bệnh nhân còn lại có thói quen ăn tiết canh gia súc, gia cầm. Được người nhà cảnh báo thường xuyên, bệnh nhân vẫn chủ quan và không bỏ thói quen này. 

BSCKI Trịnh Thu Hoàn, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết trong vài năm gần đây, tỷ lệ mắc liên cầu khuẩn lợn ghi nhận nhiều tại khoa. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, diễn biến khó tiên lượng.

Tuy nhiên, đây là bệnh người dân có thể chủ động phòng tránh bằng cách ăn chín, uống sôi, không sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm bị ốm, chết.

Khi phải tiếp xúc, giết mổ gia súc, gia cầm, bạn cần có các phương tiện bảo hộ đầy đủ, xử lý chất thải hợp lý.

Khi đối tượng tiếp xúc với nguy cơ gây bệnh có dấu hiệu bất thường như sốt, đau đầu, nôn, bạn cần đưa đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt, tránh để tiến triển nặng gây khó khăn trong điều trị.

Mổ lợn chết làm cơm, người đàn ông 48 tuổi mất mạng

Tiếc con lợn cắp nách bị chết, anh H. đem giết thịt để làm cơm, cả nhà cùng ăn. Sau đó, anh bị sốt cao, hôn mê sâu, tím khắp người rồi tử vong.


Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm