Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mổ lợn chết làm cơm, người đàn ông 48 tuổi mất mạng

Tiếc con lợn cắp nách bị chết, anh H. đem giết thịt để làm cơm, cả nhà cùng ăn. Sau đó, anh bị sốt cao, hôn mê sâu, tím khắp người rồi tử vong.

Bệnh nhân là anh Cầm Văn H., 48 tuổi, trú tại xã Mường Hung, Sông Mã, Sơn La, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã cấp cứu ngày 27/6 trong tình trạng nguy kịch, do nhiễm liên cầu khuẩn.

Người nhà cho biết trước đó một ngày, con lợn cắp nách của gia đình không may bị chết. Tiếc của, anh H. giết mổ rồi làm cơm cả nhà cùng ăn. Trong quá trình giết mổ, anh H. liên tục chạm vết thương hở ở cổ tay trái vào thịt lợn.

Đến trưa 27/6, anh H. có biểu hiện sốt cao, khó thở, hôn mê sâu, trên người có nhiều mảng tím nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã cấp cứu.

Nguoi dan ong chet vi an lon om anh 1
Các vết hoại tử trên da là đặc trưng của bệnh liên cầu khuẩn. Ảnh: Infonet.

Bệnh nhân lập tức được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực và Chống độc để điều trị. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng do liên cầu lợn. Bác sĩ nghi lây vi khuẩn trong quá trình giết mổ do anh H. có vết thương hở ở cổ tay. Dù được điều trị tích cực, anh H. không qua khỏi, tử vong tại bệnh viện.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Con người lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc lợn bệnh trong quá trình giết mổ hoặc ăn các sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh chưa được nấu chín như gỏi, tiết canh...

Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, thậm chí có người bị bệnh sau 1-2 tuần.

BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh liên cầu lợn gồm 3 thể là nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai.

Bệnh diễn tiến rất nhanh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 20%. Nếu chữa khỏi, 40% vẫn để lại di chứng nặng nề, phổ biến nhất là điếc và các di chứng thần kinh, nhiều trường hợp phải cắt cụt tay, chân.

Theo BS Cấp, khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài (nhưng không nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa. Người bệnh cũng có biểu hiện tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết khiến tay chân hoặc toàn thân tím, đen.

Một số trường hợp nguy kịch có diễn biến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, rối loạn đông máu…

Ai không nên ăn tiết canh lòng lợn?

Người mắc các bệnh lây từ lòng lợn thường gánh chịu hậu quả nặng nề về sức khỏe, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống.


https://infonet.vn/mo-lon-chet-lam-com-nguoi-dan-ong-48-tuoi-mat-mang-post304293.info

Theo Minh Anh/ Infonet

Bạn có thể quan tâm