Đang điều trị sán ấu trùng não hệ thần kinh trung ương tại Viện Sốt rét, Côn trùng, Ký sinh trùng Trung ương, L.V.Ch. (sinh năm 1980, tại Thanh Hóa) cũng không biết mình mắc bệnh từ khi nào.
Trước khi nhập viện, anh có dấu hiệu đau đầu mất ngủ, xuất hiện những cơn máy giật mất ý thức. “Trước kia, mỗi cơn co giật tôi sẽ bị tê cánh tay trái, sau đó sẽ bị co giật, bất tỉnh trong vòng 5-7 phút”, anh Ch. nói.
Đỉnh điểm, anh lên cơn co giật và mất ý thức tới 12-14 giờ đồng hồ. Gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán mắc ấu trùng sán não. Lập tức, anh Ch. được chuyển tuyến lên bệnh viện trung ương điều trị.
Khi biết mắc bệnh sán lợn anh đã rất bất ngờ vì từ trước đến nay bản thân ăn uống rất sạch sẽ và cẩn trọng. Tuy nhiên, anh Ch. thú thật thỉnh thoảng có ăn tiết canh và ăn nem chua - món ăn đặc trưng của vùng quê anh đang sinh sống. Điều làm cho anh không ngờ đến là căn bệnh giun, sán lại gây hậu quả nghiêm trọng tới vậy.
Bệnh nhân đang điều trị sán ấu trùng não hệ thần kinh trung ương. |
Sau khi, được uống thuốc và điều trị theo phác đồ tình trạng co giật mất ý thức của anh Ch. đã được kiểm soát. Trường hợp của anh Ch. ấu trùng sán đóng kén trên não khá nhiều với 6 ổ thời gian điều trị sẽ phải kéo dài.
Cũng đang điều trị tại viện, anh P.V.B. (tại Hà Nội) cũng gặp phải căn bệnh tương tự. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu dữ dội nhưng đi khám nhiều nơi không tìm ra bệnh. Khi thực hiện xét nghiệm và chụp CT bác sĩ mới phát hiện ấu trùng sán lợn đóng thành kén trong não.
Ấu trùng sán lớn nguy hiểm như thế nào?
Sán lợn có mặt ở khắp nơi trên thế giới nhất là ở các vùng có tập tục ăn thịt lợn chưa nấu chín kỹ. Tại Việt Nam, sán lợn có mặt ở gần hết các tỉnh, theo số liệu thống kê ghi nhận có 55 tỉnh lưu hành bệnh.
Theo BS Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết sán lợn lây qua con đường ăn uống và có hai loại là ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành.
Nhiễm sán trưởng thành thường không có biểu hiện rõ ràng, bệnh nhân có thể xuất hiện chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa (dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý tiêu hóa khác). Triệu chứng khó chịu và rõ ràng hơn khi các đốt sán rụng và theo phân ra ngoài. Nguy hiểm khi nhiễm sán trưởng thành là gây tắc hoặc bán tắc ruột.
“Nhiễm sán trưởng thành điều trị uống thuốc tẩy một lần sẽ hết. Còn trường hợp nhiễm ấu trùng sán thường điều trị kéo dài và phức tạp hơn”, bác sĩ Thiều nói.
Ấu trùng não thường ký sinh tại cơ và não. Mức độ nguy hiểm của ấu trùng não sẽ phụ thuộc vào vị trí ấu trùng tấn công. Sán ký sinh dưới da sẽ gây ngứa khó chịu, ở mắt có thể gây giảm thị lực mù lòa. Nguy hiểm nhất là khi ấu trùng sán lợn khi tấn công vào não và vào tim.
Tại não, ấu trùng sán ký sinh làm tăng áp lực sọ não, cơn động kinh, suy nhược trí nhớ, rối loạn tâm thần, liệt, vận động khó… Tại tim, ấu trùng sán làm cho tim đập nhanh, hay bị ngất…
“Trẻ bị ấu trùng sán lợn tấn công lên não sẽ gây ảnh hưởng đến việc học tập như giảm chú ý, mất tập trung, co giật. Thậm chí, bệnh nhân đang đi bộ hoặc lái xe có thể bị ngã”, BS Thiều cho biết.